Chất lượng nhân sự của ngành bảo hiểm, đặc biệt là lĩnh vực tái bảo hiểm vẫn còn nhiều yếu kém. Vừa qua, Công ty Tái bảo hiểm PVI (PVI Re) cùng với Công ty TNHH GINET và Học viện Tài chính tổ chức khóa đào tạo chuyên sâu về tái bảo hiểm. ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Lê Hoài Nam, Tổng giám đốc PVI Re.
Ông có nhận xét gì về chất lượng nhân sự lĩnh vực tái bảo hiểm hiện nay?
Tái bảo hiểm là một thị trường kinh doanh toàn cầu, là một lĩnh vực đòi hỏi nhiều kiến thức tổng hợp và nhiều kỹ năng chuyên ngành. Bên cạnh đó, các kinh nghiệm thực tế cũng vô cùng quan trọng, giúp cho những cán bộ làm việc trong thị trường tái bảo hiểm có thể nhận định, đánh giá và có một cái nhìn toàn diện trong quá trình quản lý và kinh doanh.
Nhận thấy nhu cầu lớn của thị trường về vấn đề này, PVI Re mong muốn thực hiện các cam kết của mình nhằm hỗ trợ thị trường trong công tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Ngoài nhân sự, lĩnh vực tái bảo hiểm còn vấn đề gì đáng nói, thưa ông?
Một hạn chế nữa theo chúng tôi đó là vốn, các công ty của Việt Nam hạn chế về vốn, do đó ảnh hưởng đến năng lực giữ lại của các công ty.
Bên cạnh vấn đề tài chính, thị trường bảo hiểm trong nước bị ảnh hưởng sâu sắc do hậu quả của suy thoái kinh tế, khiến doanh thu của nhiều công ty sụt giảm mạnh. Do đó, chiến lược của PVI Re là vươn ra các thị trường quốc tế nhằm đa dạng hóa các nguồn dịch vụ, các loại hình nghiệp vụ, đảm bảo tăng trưởng ổn định, lâu dài và hiệu quả.
Năm 2012, mặc dù thị trường trong nước đi xuống, nhưng PVI Re vẫn có mức tăng trưởng tốt, đạt và vượt mục tiêu đề ra với sự thâm nhập mạnh mẽ vào các thị trường Hàn Quốc, Trung Đông, Ấn Độ, châu Âu… Doanh thu từ thị trường nước ngoài chiếm hơn 20% và tăng trưởng hàng năm lên tới 30%.
Có ý kiến cho rằng, các DN tái bảo hiểm Việt Nam đang giữ lại phần xấu nhất, thay vì nguyên lý là tái phần rủi ro nhất. Ông nghĩ sao về điều này?
Có thể thấy rõ điều này qua các con số thống kê, ví dụ, năm 2006, tỷ lệ bồi thường trong nước của các công ty bảo hiểm là 39%, trong khi phần tái ra nước ngoài, tỷ lệ bồi thường chỉ có 18%. Tức là chúng ta đã giữ lại phần rủi ro nhất và tái đi phần ít rủi ro hơn. Từ đó đến nay, chênh lệch này đã giảm bớt, nhưng vẫn còn, năm 2012, phí tái ra nước ngoài là hơn 400 triệu USD, tỷ lệ tổn thất 31,8%, trong khi cả thị trường thu được 1,3 tỷ USD và tỷ lệ tổn thất 38%.
Vấn đề ở chỗ, nhiều khi nhân sự biết là rủi ro cao, nhưng vì áp lực doanh thu, lương thưởng tính trên doanh thu nên vẫn làm, ví dụ có đơn bảo hiểm độ rủi ro cao vẫn được cấp, vì cho rằng có thể thu xếp tái, nhưng thực ra là tái trong nước và khi đó phần rủi ro nhất đã bị giữ lại trong nước. Tính chung toàn thị trường thì tỷ lệ bồi thường sẽ tăng lên. Trong khi đối với các công ty nước ngoài, khi có rủi ro nằm ngoài chính sách khai thác, họ sẽ từ chối.
Chưa kể, nhiều công ty bảo hiểm có chính sách kinh doanh tốt, thận trọng với rủi ro vẫn có nguy cơ bị ảnh hưởng kết quả kinh doanh nhận tái, do họ không kiểm soát được các hợp đồng tái bảo hiểm cố định, là những hợp đồng “mù”, nếu như không có đủ kinh nghiệm và chuyên môn.
Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo ĐTCK)