Rộng cửa cho môi giới bảo hiểm

Hành lang pháp lý cởi mở đang mang lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi giới bảo hiểm.

13 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm được cấp phép mới

Theo Bộ Tài chính, trong năm 2022, tổng phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới ước đạt 15.751 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2021, trong đó bảo hiểm gốc thu xếp qua môi giới ước đạt 8.982 tỷ đồng, tăng 16,1%; tái bảo hiểm thu xếp qua môi giới ước đạt 6.769 tỷ đồng, giảm 3%.

Tổng doanh thu hoa hồng môi giới bảo hiểm năm 2022 ước đạt 1.130 tỷ đồng (tăng 11,14% so với năm 2021, trong đó hoa hồng môi giới bảo hiểm gốc ước đạt 881 tỷ đồng, tăng 11,4%; hoa hồng môi giới tái bảo hiểm ước đạt 249 tỷ đồng, tăng 9,96%.

Trong 4 năm qua, 13 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm đã được cấp phép thành lập và hoạt động. Riêng năm 2022, Bộ Tài chính đã cấp giấy phép điều chỉnh cho một số doanh nghiệp môi giới bảo hiểm như SPE, WTW, Wellbe… được mở rộng nội dung, phạm vi hoạt động để triển khai dịch vụ phụ trợ bảo hiểm. Đồng thời, ghi nhận sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài trong việc thành lập doanh nghiệp môi giới bảo hiểm tại Việt Nam như Công ty Malakut Insuarance Brother (Asia) Limited (trụ sở chính tại Malaysia) được thành lập Công ty TNHH Môi giới bảo hiểm Malakut (Việt Nam), các chủ đầu tư trong nước thành lập Công ty Môi giới bảo hiểm ANT, Công ty TNHH Môi giới bảo hiểm TIS Việt Nam, Công ty cổ phần Môi giới bảo hiểm BeOne…

Theo các doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, hoạt động môi giới bảo hiểm được thực hiện trên tất cả các nghiệp vụ, trong đó chủ yếu trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe, còn mảng bảo hiểm nhân thọ vẫn rất khiêm tốn. Cụ thể, số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ chiếm tỷ trọng 77,46% tổng phí thu xếp; bảo hiểm sức khỏe chiếm 22,38% và bảo hiểm nhân thọ chỉ chiếm 0,16%.

Tương tự như các năm trước, bảo hiểm tài sản và thiệt hại hiện là nghiệp vụ chính trong hoạt động của các doanh nghiệp môi giới bảo hiểm (chiếm tỷ trọng 48,23% tổng phí bảo hiểm thu xếp).

Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nắm giữ thị phần chính với tỷ lệ lên tới 92,3%, các doanh nghiệp trong nước chỉ nắm 7,7% thị phần. Trong đó, 3 doanh nghiệp có thị phần lớn nhất lần lượt là Marsh, Aon và Willis Towers Watson (tổng thị phần là 87%).

Tiếp tục được mở rộng phạm vi hoạt động

Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, từ ngày 1/1/2023, ngoài kinh doanh mảng chính là môi giới bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm được mở rộng thêm hoạt động liên quan tới hợp đồng bảo hiểm. Như vậy, khối doanh nghiệp này không chỉ cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm thông thường, mà còn cung cấp dịch vụ phụ trợ liên quan đến hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của bên mua bảo hiểm như quản lý hợp đồng, quản lý bồi thường, cung cấp các giải pháp quản lý rủi ro…

Trước đây, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 (được sửa đổi các năm 2010, 2019), quy định hoạt động của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm bao gồm môi giới bảo hiểm gốc, môi giới tái bảo hiểm, cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.

Nhằm khai thác tốt hơn thế mạnh cũng như tận dụng tiềm năng sẵn có của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, năm 2019, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, đã cho phép khối này được cung cấp các dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, bao gồm hoạt động tư vấn bảo hiểm, đánh giá rủi ro bảo hiểm, tính toán bảo hiểm, giám định tổn thất bảo hiểm, hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm.

Đến nay, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 tiếp tục sửa đổi theo hướng chuẩn hóa chất lượng sản phẩm, dịch vụ và mở rộng hơn nữa phạm vi hoạt động để thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của các doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, qua đó góp phần gia tăng giá trị dịch vụ cũng như tính chuyên nghiệp trên thị trường.

Trước băn khoăn về việc các công ty chuyên về phụ trợ bảo hiểm có thể bị ảnh hưởng bởi sự “bành trướng” của các công ty môi giới bảo hiểm, ông Đỗ Hồng Sơn – Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn dịch vụ bảo hiểm Việt Nam cho biết, cần có thêm thời gian để đánh giá, còn hiện tại chưa thấy tác động nào đáng kể.

Còn ông Trương Minh Cát Nguyên, CEO TILA Finance khẳng định, sẽ không có ảnh hưởng hay chồng chéo giữa công ty môi giới bảo hiểm và công ty chuyên về phụ trợ bảo hiểm do mỗi loại hình doanh nghiệp có thể mạnh riêng và dư địa khai thác rộng lớn.

“Năm 2023, các doanh nghiệp môi giới, phụ trợ bảo hiểm có cơ hội rất lớn, tách bạch các dịch vụ, sản phẩm mà mỗi bên có thể thực hiện. Vấn đề lúc này chỉ là thói quen sử dụng dịch vụ”, ông Nguyên nhấn mạnh.

Ngoài ra, với quy định mới về nguyên tắc hoạt động dựa trên sự trung thực, khách quan, minh bạch, các doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải cung cấp thông tin, tư vấn cho bên mua về loại hình, sản phẩm, chương trình bảo hiểm; điều kiện, điều khoản bảo hiểm; giúp khách hàng đánh giá, phân tích những rủi ro có thể được loại trừ hoặc giữ lại và những rủi ro cần phải bảo hiểm, lựa chọn được nhà bảo hiểm có đầy đủ khả năng cung cấp những sản phẩm, dịch vụ phù hợp với yêu cầu của khách hàng. Đồng thời, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm cũng là cầu nối giữa người mua bảo hiểm và công ty bảo hiểm, giữa doanh nghiệp bảo hiểm gốc và doanh nghiệp tái bảo hiểm, từ đó thúc đẩy sự phát triển của thị trường bảo hiểm Việt Nam.

Nhìn chung, thời gian qua, các doanh nghiệp môi giới bảo hiểm đã phát huy được vai trò làm cầu nối giữa người mua và doanh nghiệp bảo hiểm trong việc thúc đẩy các giao dịch bảo hiểm, qua đó duy trì đà tăng trưởng ổn định, bình quân đạt trên 10%/năm trong 3 năm qua.

Năm 2023, giới quan sát kỳ vọng thị trường sẽ đón nhận thêm các “tân binh” môi giới bảo hiểm, cho dù còn tồn tại những khiếm khuyết cố hữu của một kênh trung gian bảo hiểm theo đánh giá của Bộ Tài chính là còn chưa chuyên nghiệp, chất lượng sản phẩm, dịch vụ chưa cao…

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.