Quản lý giá thuốc tại các địa phương: Ngành BHXH phát huy vai trò tích cực

Theo báo cáo định kỳ 2 năm một lần của BHXH Việt Nam trong thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật BHYT, tiến tới BHYT toàn dân, thời gian qua, với lĩnh vực quản lý giá thuốc, ngành BHXH đã có vai trò tích cực khi góp phần xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, tham gia vào quá trình đấu thầu thuốc và thí điểm tổ chức đấu thầu thuốc tập trung mang lại kết quả tốt.

Khoản 3, Điều 2 Nghị quyết số 68/2013/QH13 của Quốc hội nêu: “Trước năm 2018, hoàn thiện việc quy định gói dịch vụ y tế cơ bản do BHYT chi trả phù hợp với mức đóng và điều kiện kinh tế – xã hội, thực hiện các biện pháp để bảo đảm thuốc chữa bệnh có chất lượng và giá phù hợp, khắc phục tình trạng chênh lệch bất hợp lý về giá thuốc giữa các địa phương, triển khai mở rộng mô hình bác sỹ gia đình tham gia khám, chữa bệnh BHYT, cải tiến quy định về chuyển tuyến phù hợp với tình trạng bệnh tật”.

Thực hiện nhiệm vụ này, những năm qua, BHXH Việt Nam đã phối hợp với nhiều bộ ngành xây dựng chính sách liên quan đến thuốc. Trong đó, BHXH Việt Nam đã tích cực tham gia với Bộ Y tế xây dựng Thông tư số 11/2016/TT-BYT ngày 26/5/2016 hướng dẫn việc đấu thầu thuốc trong các cơ sở y tế (Thông tư đã quy định chi tiết các hình thức, phương thức triển khai đấu thầu thuốc); Thông tư số 09/2016/TT-BYT ngày 05/5/2016 quy định danh mục thuốc đấu thầu, danh mục thuốc đấu thầu tập trung, danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá. Theo đó, quy định rõ các thuốc được đấu thầu tập trung cấp quốc gia, đấu thầu tập trung tại địa phương.

Việc hoàn thiện chính sách pháp luật về đấu thầu thuốc đã giúp cho công tác đấu thầu, mua sắm, sử dụng thuốc được thực hiện theo các quy định thống nhất, góp phần quan trọng vào việc lựa chọn, mua sắm các thuốc chữa bệnh có chất lượng và giá phù hợp, khắc phục tình trạng chênh lệch bất hợp lý về giá thuốc giữa các địa phương đúng theo tinh thần của Nghị quyết số 68/2013/QH13.

BHXH Việt Nam cũng tích cực tham gia xây dựng danh mục thuốc tân dược, thuốc y học cổ truyền được quỹ BHYT chi trả. Danh mục bao gồm các thuốc cần thiết cho việc điều trị, quy định tỷ lệ được quỹ BHYT chi trả đối với một số loại thuốc có chi phí lớn.

Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam còn tham gia tích cực, hiệu quả vào quá trình đấu thầu thuốc. Tính đến cuối năm 2018, Ngành BHXH đã cử trên 600 cán bộ đủ điều kiện tham gia vào 350 hội đồng đấu thầu thuốc tại các Sở Y tế, cơ sở y tế trong cả nước. Quá trình tham gia, cơ quan BHXH đã cung cấp đầy đủ các dữ liệu về giá thuốc, nhu cầu sử dụng thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh. Vì vậy, việc xây dựng nhu cầu, giá kế hoạch sát với thực tế, phù hợp với nhu cầu điều trị và khả năng chi trả của quỹ BHYT.

BHXH Việt Nam cũng thực hiện công khai giá thuốc trúng thầu trung bình hằng năm trên Cổng thông tin điện tử của Ngành để các địa phương có thêm nguồn thông tin tham khảo xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu hợp lý hơn, đồng thời, làm căn cứ để các địa phương thương thảo giảm giá sau khi có kết quả đấu thầu. Với các giải pháp này, giá của nhiều mặt hàng thuốc đã giảm đáng kể. So sánh tại cùng Hội đồng đấu thầu thuốc, cùng mặt hàng thuốc thành phẩm có cùng thông tin, trúng thầu 2017-2018, thì có 5.771 mặt hàng bằng giá; 4.244 mặt hàng giảm giá, tổng giá trị thuốc trúng thầu giảm so với năm trước số tiền là 238 tỷ đồng, có 2.218 mặt hàng tăng giá, tổng giá trị thuốc trúng thầu tăng so với năm trước là 141 tỷ đồng.

BHXH Việt Nam còn thực hiện phân tích, phát hiện đề xuất với Bộ Y tế xử lý đối với các thuốc có hàm lượng, dạng đóng gói, dạng bào chế không cạnh tranh, giá cao bất hợp lý để hướng dẫn các địa phương không đưa vào kế hoạch đấu thầu năm 2018-2019. Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu các địa phương không đưa các thuốc này vào kế hoạch đấu thầu, qua đó đã tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng cho quỹ BHYT.

Đặc biệt, từ năm 2017, BHXH Việt Nam được giao thí điểm triển khai đấu thầu tập trung thuốc thuộc lĩnh vực BHYT (không trùng với danh mục thuốc do Bộ Y tế thực hiện) theo Nghị quyết số 59/NQ-CP của Chính phủ.

Kết quả, tại thí điểm lần 1, mua sắm thuốc sử dụng cho năm 2018, có kết quả từ ngày 01/01/2018: Tổng giá trị trúng thầu của 5 hoạt chất là 946,8 tỷ đồng giảm 11,0% so với giá kế hoạch (tương ứng với giá trị giảm là 117 tỷ đồng), giảm 21,1% so với giá trúng thầu bình quân năm 2017 (tương ứng với giá trị giảm là 252,92 tỷ đồng).

Thí điểm lần 2, mua sắm thuốc sử dụng cho năm 2019-2020, có kết quả từ ngày 01/01/2019: gồm 26 thuốc (14 hoạt chất). Tổng giá trị các mặt hàng đã lựa chọn được là 10.079,72 tỷ đồng, giảm 22,4% so với giá trị trúng thầu bình quân năm 2018 tại các địa phương (tương ứng 2.903,95 tỷ đồng).

Ngoài ra, BHXH Việt Nam còn tăng cường kiểm tra việc đấu thầu, quản lý thanh toán thuốc trong KCB BHYT. Thông qua công tác này đã kịp thời chấn chỉnh việc mua sắm, sử dụng thuốc đảm bảo hiệu quả, đúng quy định và tiết kiệm./.

Theo baohiemxahoi.gov.vn

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.