Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu khoảng một nửa lực lượng lao động tham gia BHXH, nhưng đến nay cả nước mới có hơn 10,5 triệu người – khoảng 20% lực lượng lao động tham gia BHXH. Trong đó đối tượng lao động tự do, nông dân chiếm gần một nửa lao động cả nước là đối tượng tham gia BHXH tự nguyện có tỷ lệ tham gia BHXH rất thấp. Đây là vấn đề khó khi thực hiện bền vững các mục tiêu của chính sách an sinh xã hội.
Theo BHXH Việt Nam, nguồn quỹ BHXH chủ yếu thu từ nguồn đóng góp hưu trí của người hưởng lương ngân sách. Với mức lương hưu bình quân khoảng 3 triệu đồng/tháng thì chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung được kỳ vọng sẽ nâng mức lương hưu lên 10 triệu đồng/tháng, bao gồm cả hưu trí cơ bản và hưu trí bổ sung sẽ hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện giữa người lao động và người sử dụng lao động bằng hình thức tài khoản tiết kiệm cá nhân, mức đóng góp khoảng 5 – 22% tiền lương hàng tháng của người lao động. Việc triển khai thí điểm chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung nhằm xây dựng khung pháp lý để hình thành hệ thống hưu trí đa tầng, được xem là đòn bẩy vừa giúp doanh nghiệp thu hút người tài, vừa giúp đảm bảo tốt hơn đời sống người hưu trí. Tuy nhiên, trong tình hình nguồn thu không ổn định như, các doanh nghiệp còn nợ đọng, trốn đóng BHXH bắt buộc và tình hình kinh tế – xã hội nhiều khó khăn việc vận động doanh nghiệp tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung là không dễ dàng. Bên cạnh đó, hiện số người tham gia BHXH tự nguyện của cả nước chỉ khoảng 150 nghìn người, chiếm khoảng 0,22% số đối tượng thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện, trong đó, có đến 70% là người đã từng tham gia BHXH bắt buộc và họ đóng tiếp BHXH tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu. Như vậy, chỉ có khoảng 45 nghìn lao động tự do tự nguyện tham gia BHXH, còn đại đa số người dân thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện vẫn chưa tham gia loại hình bảo hiểm này.
Nguyên nhân chính, theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, BHXH là các quy định chế độ tham gia BHXH tự nguyện còn hạn chế, chưa khuyến khích người lao động tham gia. Thực tế cho thấy, chính sách BHXH bắt buộc có các chế độ: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất nhưng BHXH tự nguyện chỉ có hai chế độ là hưu trí và tử tuất nên cũng rất khó thuyết phục người dân tham gia; cùng với đó là công tác tuyên truyền tính ưu việt của BHXH tự nguyện chưa được quan tâm đúng mức…
Cần điều chỉnh một số chính sách…
Theo các chuyên gia, việc tăng số người tham gia BHXH ở đối tượng trực tiếp lao động – đối tượng lao động chính thức – đáng lẽ là giải pháp cơ bản để đạt được độ bao phủ an toàn, góp phần hoàn thành mục tiêu đến năm 2020, đạt 50% lực lượng lao động tham gia BHXH. Tuy nhiên, điều này vẫn là một thách thức bởi tỷ lệ này hiện mới chỉ có khoảng 60% lao động ở khu vực chính thức tham gia BHXH, tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, nợ, đóng không đầy đủ số lao động thuộc diện tham gia BHXH vẫn chiếm tỷ lệ cao. Một hạn chế nữa là, đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa quản lý được số lượng lao động thuộc diện phải tham gia BHXH bắt buộc. Đặc biệt, tình trạng biến động việc làm khó thống kê, kiểm soát, mỗi năm có khoảng một triệu người mới tham gia BHXH thì lại có phân nửa lao động thôi việc khiến độ bao phủ của BHXH tăng chậm, biên độ tăng giảm bất thường. Trong khi đó, mục tiêu 50% lực lượng lao động tham gia BHXH vào năm 2020 là mục tiêu rất cao; để đạt được điều này cần nhiều cách tiếp cận đa dạng nhằm đưa BHXH đến được với nhiều nhóm đối tượng khác nhau.
Theo Vụ BHXH Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, để phát triển bền vững BHXH, đạt các mục tiêu mở rộng đối tượng tham gia BHXH, sắp tới nhà nước cần điều chỉnh một số chính sách. Cụ thể như đối tượng thuộc diện bắt buộc tham gia BHXH nên được mở rộng tới cả người lao động có hợp đồng lao động từ một tháng trở lên (trước đây là 3 tháng); người quản lý doanh nghiệp; quản lý điều hành hợp tác xã và chủ hộ kinh doanh cá thể. Bên cạnh đó cần tăng tuổi nghỉ hưu, việc nghỉ hưu sớm đối với người bị suy giảm khả năng lao động cũng cần được siết lại bằng cách nâng tuổi và nâng tỷ lệ giảm trừ do nghỉ hưu trước tuổi tương ứng mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi. Ở khu vực lao động phi chính thức, nhà nước cần có trợ cấp một phần – thông qua cơ chế đối ứng hay lương hưu xã hội, để khuyến khích các đối tượng tham gia mở rộng bao phủ lương hưu ở khu vực này.
Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam Nguyễn Hùng Cường cho rằng, cần có quy định hỗ trợ của Nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện trong một số trường hợp là lao động nông thôn, người ở vùng cao, người nghèo với tỷ lệ khoảng 50% mức đóng theo lương tối thiểu chung. Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, nhằm thu hút người dân tham gia BHXH, song song với chính sách hưu trí cơ bản, cần có các chương trình đóng BHXH xác định có đối ứng của nhà nước: Người lao động tự nguyện đóng BHXH, nhà nước sẽ có khoản đối ứng theo tỷ lệ nhất định, theo đối tượng cụ thể để góp vào tài khoản cá nhân.
Nguồn ĐBND
Bảo Hiểm Bảo Việt