Đã hơn ba tháng nay, hầu hết các cán bộ bảo hiểm Bảo Minh tỉnh Cà Mau phải gác công việc nghiệp vụ thường ngày lại để dành thời gian đón tiếp người dân kéo đến “bao vây” doanh nghiệp (DN) phản ánh thắc mắc, “bắt đền” hợp đồng bảo hiểm (HĐBH) nuôi tôm. Và không chỉ trụ sở Bảo Minh mà tại các cơ quan khác là thành viên Ban chỉ đạo Bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) và UBND tỉnh, mỗi ngày, có vài chục đại diện hộ dân mang đơn tới để yêu cầu giải quyết những vướng mắc trong thực hiện HĐBH.
Chị Nguyễn Thị Đẹp, người nuôi tôm tại xã Lương Thế Chân, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau mệt mỏi cho biết, gia đình chị tham gia BH con tôm vì tin tưởng rằng, đây là chủ trương của Nhà nước, có sự chứng thực của chính quyền địa phương. Không may, trong vụ nuôi, ao nuôi BHNN bị thất bát, và số tiền BH là chỗ ứng cứu cuối cùng chị trông cậy. Hôm nay, chị Đẹp lên Bảo Minh Cà Mau để yêu cầu nhanh chóng giải quyết bồi thường BHNN cho gia đình chị, bởi sự chờ đợi của chị đã kéo dài nhiều tháng nay rồi. “Giờ chúng tôi tay trắng cả rồi, nuôi vụ nào cũng bị thất bát hết, chỉ còn trông cậy vào khoản tiền BH này thôi. Nhà nước giúp dân thì hãy giúp đến cùng” – chị Đẹp nói.
Về lý do tạm ngừng triển khai HĐBH mới, lãnh đạo Tổng CTCP Bảo Minh khẳng định, ngay sau cuộc họp của Ban Chỉ đạo BHNN Trung ương về tăng cường công tác quản lý rủi ro trong BHNN với năm tỉnh thí điểm BHNN thủy sản đầu năm nay, Tổng CTCP Bảo Minh đã chỉ đạo các đơn vị thành viên đặc biệt siết chặt công tác thẩm định, đánh giá rủi ro trước, trong và sau khi tiến hành ký HĐBH theo nguyên tắc làm tới đâu, chắc tới đó. Tuy nhiên, trước sức ép phải bảo đảm tính mùa vụ cho người nuôi, Ban chỉ đạo BHNN địa phương đã yêu cầu DNBH địa phương triển khai việc ký HĐBH trong khi DNBH chưa thực sự đủ điều kiện để thẩm định, đánh giá rủi ro kỹ càng từng HĐ.
Với cách làm trên, chỉ trong vài tháng đầu năm, tại Bến Tre và Cà Mau, đã có nhiều HĐ được ký mới, trong đó có cả những HĐ thuộc huyện Cái Nước là địa bàn đã được công bố phát sinh dịch bệnh. “Điều này đi ngược lại nguyên tắc kinh doanh BH nên chúng tôi đã quyết định tạm ngừng triển khai HĐBH mới để tập trung vào công tác rà soát, thẩm định lại các HĐ ký trong thời gian từ đầu năm đến nay. Thêm vào đó, DN chúng tôi hiện đang rất khó khăn về dòng tiền, quá trình tái BH lại kéo dài, phần phí BH do NSNN hỗ trợ vẫn chưa giải ngân hết nên không đủ nguồn để xử lý nhanh công tác bồi thường” – vị lãnh đạo trên chia sẻ.
Đồng quan điểm này, Giám đốc Bảo Việt Bạc Liêu Trần Thanh Lạc cho biết, nguyên tắc của BH là phải quản lý được rủi ro, mà trước hết là rủi ro của bản thân mình. “Biết ký HĐ chắc chắn sẽ bị thiệt hại do địa bàn đang trong vùng dịch thì không tổ chức BH nào làm cả, cũng không ai, không cấp nào có quyền yêu cầu DN mạo hiểm” – Giám đốc Trần Thanh Lạc nêu quan điểm.
Ngoài ra, vị giám đốc này còn cho biết, nguyên nhân cốt lõi của tình trạng tạm ngừng trên là do DNBH gốc (Bảo Việt, Bảo Minh) còn chưa thu xếp được HĐ tái BH năm 2013. “Và một khi không có điều kiện tiên quyết này, không DNBH gốc nào dám mạo hiểm ký HĐBH với người nuôi, vì điều này ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh tài chính quốc gia, chứ không còn trong phạm vi tổ chức tài chính nữa” – lãnh đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) xác nhận.
Số liệu thống kê của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) về tình hình tổn thất BHNN thủy sản tại năm tỉnh ĐBSCL, tính tới hết tháng 4-2013, có 15.275 hộ tham gia BH cho 5.523 ha, tổng mức trách nhiệm BH là 2.855 tỷ đồng thì đã phải bồi thường xấp xỉ 500 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh thu phí BH chỉ đạt 199,4 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường vượt mức 220%. Như vậy, so với lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi gia súc, gia cầm, các HĐ trong lĩnh vực thủy sản chiếm tỷ trọng lớn cả về doanh thu, mức trách nhiệm BH, tỷ lệ bồi thường khi chiếm 199,4/230,7 tỷ đồng doanh thu phí BH; 500/523,6 tỷ đồng bồi thường BH; 2.855/4.038,7 tỷ đồng tổng mức trách nhiệm BH. Cũng do số lượng và tỷ lệ bồi thường BH thủy sản năm 2012 rất lớn, số lỗ mà các DNBH phải bù quá nhiều đã khiến năm 2013, các DNBH gốc (Bảo Việt, Bảo Minh) gặp rất nhiều khó khăn trong công tác thu xếp tái BH cho cả chương trình thí điểm BHNN. Chính vì lý do cốt yếu này mà đến thời điểm hiện nay, dù bảy tháng đã trôi qua nhưng cả Bảo Việt lẫn Bảo Minh đều đã dừng triển khai BH thủy sản.
Phát biểu trong cuộc họp khẩn cấp do Bộ Tài chính triệu tập về việc tìm cách tháo gỡ ách tắc tại Cà Mau nói chung và ĐBSCL nói riêng cuối tháng 6, Phó Tổng giám đốc Bảo Minh Phạm Xuân Phong thẳng thắn: Trong điều kiện có rất nhiều khó khăn bủa vây, nếu không thu xếp được tái BH, chắc chắn Bảo Minh không thể mạo hiểm ký HĐ với người nuôi. Trên thế giới, cũng chẳng ai làm như thế cả”. Phát biểu của ông Phạm Xuân Phong đã nhận được sự nhất trí của tất cả các thành viên dự họp.
BHNN là loại hình BH tự nguyện, được Nhà nước chủ trương thí điểm triển khai để giúp người SXNN làm quen, tiếp cận được với một phương thức bảo đảm an toàn tài chính trong sản xuất; đồng thời đạt được mục tiêu xây dựng BHNN trở thành một trong những trụ cột quyết định đến tiến trình xây dựng một nền sản xuất hàng hóa hiện đại, hiệu quả trong lĩnh vực NN. Trong chuỗi thực hiện BHNN, cùng với chủ trương triển khai dài hạn có sự tham gia của Nhà nước, trách nhiệm của chính quyền địa phương, của DNBH, của người dân… thì công tác tái BH thành công là những yếu tố quyết định số phận của chương trình an sinh xã hội, phát triển kinh tế một cách thực chất và hiệu quả này.
Theo TRÀ GIANG – nhandan.org.vn
Bảo Hiểm Bảo Việt