Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2017 của Tổng CTCP Bảo Minh (BMI) tổ chức cuối tuần qua, một cổ đông đã đề nghị BMI nới tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư lên 100%.
Trả lời câu hỏi của cổ đông, ông Lê Song Lai, Thành viên HĐQT BMI, đại diện cổ đông Nhà nước là Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho hay, việc nới room ngoại cần được nghiên cứu kỹ và phải được Chính phủ phê duyệt.
“BMI nằm trong diện thoái vốn của Nhà nước trong năm nay, nhưng SCIC hiện chưa có kế hoạch cụ thể”, ông Lai chia sẻ.
Ngoài ra, việc tăng tỷ lệ sở hữu của 2 cổ đông ngoại là Tập đoàn AXA và First Land Company Limited cũng được cổ đông BMI chất vấn. Tuy nhiên, ông Malik Abbasi Antonie, đại diện AXA cho hay, AXA hiện chưa có kế hoạch nâng sở hữu tại BMI. Hơn nữa, việc tăng tỷ lệ nắm giữ còn phụ thuộc vào doanh nghiệp và cơ quan quản lý.
“First Land lạc quan về thị trường bảo hiểm Việt Nam và sẽ nâng tỷ lệ sở hữu nếu có cơ hội”, ông Kwok Wing Tam, đại diện First Land nói.
Hiện tại, AXA và First Land là cổ đông nước ngoài lớn nhất tại BMI, với tỷ lệ sở hữu tương ứng là 16,65% và 5,65%.
Trên thị trường hiện còn nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, tái bảo hiểm có cổ đông chiến lược ngoại sở hữu lượng lớn cổ phần như Bảo Việt, Bảo Minh, PTI, BIC, AAA, Vinare…, song việc nới room ngoại vẫn chưa được đề cập nhiều.
Tăng room ngoại, cơ hội để nâng hạng rating
Trước đó, cổ đông CTCP PVI (PVI Holdings) đã thông qua phương án nâng room ngoại lên mức tối đa 100% trong kỳ ĐHCĐ cuối tuần trước. Để kế hoạch nới room đi vào thực tế, một trong những điều kiện cần là kế hoạch thoái vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tại PVI phải được thông qua. Kế hoạch này, theo Tổng giám đốc PVI Bùi Vạn Thuận, đang chờ Chính phủ phê duyệt.
Được biết, kế hoạch thoái vốn Nhà nước được đặt ra ngay từ khi PVI tiến hành cổ phần hoá. Thông tin từ PVI cũng cho thấy, Công ty đã chuẩn rất kỹ cho lộ trình thoái vốn của PVN thời gian tới.
Ghi nhận từ một số doanh nghiệp bảo hiểm đã có cổ đông chiến lược ngoại cho thấy, việc nới room ngoại giúp doanh nghiệp cải thiện thứ hạng xếp loại tín nhiệm quốc tế (rating), yếu tố khá quan trọng đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính-bảo hiểm, đồng thời giúp các hãng bảo hiểm trong nước mở rộng thị trường ra nước ngoài.
“Việc nâng room ngoại không chỉ khiến PVI có cơ hội nâng hạng rating, mà còn giúp PVI mở rộng thị trường nước ngoài. Nếu là doanh nghiệp Việt Nam (có vốn Việt Nam chi phối – PV), thường chỉ xếp hạng B và khó có thể nâng hạng lên A. Điều này có thể ảnh hưởng lớn đến tham vọng tiến xa ra khu vực và quốc tế”, ông Thuận cho biết.
Tại PVI, room ngoại hiện đang ở mức 49% và HDI Global SE là cổ đông ngoại lớn nhất, nắm giữ 37,63% cổ phần có quyền biểu quyết. Trong lần trao đổi với báo chí mới đây, ông Ulrich Heinz Wollschlager, Giám đốc tài chính HDI Global chia sẻ, PVI hoàn toàn có thể trở thành một thành viên quan trọng trong mạng lưới toàn cầu của HDI Global (thuộc Tập đoàn Bảo hiểm Talanx – Đức). Muốn vậy, Talanx phải trở thành cổ đông chi phối của PVI.
Còn tại PJICO, cổ đông chiến lược nước ngoài Samsung Fire & Marine Insurance Co., Ltd (công ty bảo hiểm phi nhân thọ của Hàn Quốc) chưa vội đề cập đến việc nới room, song việc bán cổ phần lần đầu cho đối tác ngoại cũng mang nhiều ý nghĩa với PJICO. Cuổi tuần qua, PJICO đã ký hợp đồng bán 20% vốn điều lệ cho đối tác này.
Theo ông Đinh Thái Hương, Chủ tịch PJICO, một trong những lý do bán cổ phần cho đối tác nước ngoài là để đạt rating cao. Hiện PJICO đang chuẩn bị các bước cần thiết cho việc nâng hạng rating.
Không ngại bị thâu tóm
Thực tế cho thấy, những đóng góp của cổ đông ngoại trong sự phát triển của doanh nghiệp bảo hiểm là rõ ràng, cho dù đi cùng đó là nỗi lo bị thôn tính.
Tuy nhiên, chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch PVI cho hay: “PVI rất muốn có cổ đông ngoại. Sau 5 năm tái cấu trúc (2011-2016), PVI đã chuyển mình từ một công ty bảo hiểm thuần túy thành công ty hoạt động rộng trong lĩnh vực tài chính như ngày nay, trong đó có đóng góp quan trọng của HDI Global.
Vì vậy, chúng tôi không ngại bị thâu tóm, mà coi việc có đối tác ngoại lớn tại doanh nghiệp là bình thường, tất cả vì sự phát triển của PVI…”.
Cũng theo ông Tuấn, việc có cổ đông ngoại gắn với công tác tái cấu trúc trong 5 năm qua không chỉ là sự thay đổi mô hình quản trị, tiệm cận các chuẩn mực quốc tế, mà còn là sự thay đổi mô hình tăng trưởng, đảm bảo khả năng phát triển bền vững cho toàn hệ thống PVI.
theo tinhnhanchungkhoan.vn