Thống kê sơ bộ về tỷ trọng doanh thu theo nghiệp vụ từ khối bảo hiểm phi nhân thọ của Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho thấy, 2 tháng đầu năm 2018, doanh thu đến từ các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe của các doanh nghiệp khối này có mức tăng trưởng hơn 32%.
Doanh thu các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe vượt doanh thu các sản phẩm bảo hiểm xe cơ giới – sản phẩm chiếm tỷ trọng doanh thu cao nhất của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong nhiều năm qua. Như vậy, bảo hiểm sức khỏe trở thành sản phẩm bảo hiểm có tỷ trọng doanh thu lớn nhất trên tổng doanh thu phí bảo hiểm của khối phi nhân thọ.
Theo chia sẻ của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, mảng bảo hiểm sức khỏe tăng trưởng mạnh mẽ là do chiến lược siết giảm rủi ro và tỷ lệ bồi thường của bảo hiểm xe cơ giới mà các doanh nghiệp đẩy mạnh trong thời gian qua.
Thay vào đó, bảo hiểm sức khỏe trở thành một trong những sản phẩm chủ lực của mảng bán lẻ với nhiều sản phẩm bảo hiểm linh hoạt, thiết thực hơn được đưa ra thị trường. Các công ty bảo hiểm như BIC hay PTI liên tục đưa ra nhiều chương trình hấp dẫn cho khách hàng khi mua sản phẩm này. Bảo hiểm sức khỏe cũng là sản phẩm được các công ty môi giới bảo hiểm bán chạy.
Trong khi đó, với khối bảo hiểm nhân thọ, theo thông tin từ nhiều doanh nghiệp, doanh thu các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe trong 2 quý đầu năm 2018 ước tính có mức tăng trưởng trên 50%. Một số nguyên nhân có thể lý giải cho sự tăng trưởng như các công ty bảo hiểm nhân thọ vẫn đánh giá nhóm sản phẩm này còn nhiều dư địa tăng trưởng nên tích cực đẩy mạnh truyền thông, cũng như ra mắt sản phẩm mới và cung cấp các giải pháp dịch vụ tương ứng đi kèm.
Thêm nữa, gánh nặng về trích lập dự phòng khiến các công ty có xu hướng tập trung vào các sản phẩm bảo vệ, thay vì các sản phẩm tiết kiệm. Nhận thức của khách hàng và mối lo về sức khỏe, chi phí cho sức khỏe tăng cao cũng là yếu tố tích cực khiến nhóm bảo hiểm này bán tốt hơn.
Theo các chuyên gia trong ngành, một nguyên nhân quan trọng khác khiến tỷ lệ tăng trưởng của bảo hiểm sức khỏe đạt mức cao là thời gian qua đã có nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ được Bộ Tài chính chấp thuận cho kinh doanh sản phẩm bảo hiểm sức khỏe độc lập, chẳng hạn Chubb Life, Generali Việt Nam, AIA Việt Nam, FWD…
Phân khúc này còn hứa hẹn khả năng tăng trưởng tốt trong tương lai và đây là sản phẩm có tính cạnh tranh cao giữa các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nhìn nhận, các sản phẩm bảo hiểm liên quan đến sức khỏe đã được các công ty bảo hiểm chú trọng và giới thiệu ra thị trường nhiều hơn từ cuối năm 2017. Ngoài các sản phẩm chính thì các sản phẩm bảo hiểm bổ sung được điều chỉnh và nâng cấp, phù hợp với nhu cầu ngày càng lớn về các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe của khách hàng.
“Thực tế, các công ty bảo hiểm đang cố gắng tập trung để cung cấp các sản phẩm và chất lượng dịch vụ cũng như kết nối với các dịch vụ y tế tốt nhất cho khách hàng, nhưng quan trọng hơn cả vẫn là ý thức của người dân về các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe ngày càng được nâng cao. Đây là lý do quan trọng nhất giúp bảo hiểm sức khỏe nói riêng ngày càng tăng trưởng tốt bên cạnh các dòng sản phẩm bảo hiểm khác”, đại diện doanh nghiệp trên nói.
Dù tỷ lệ tham gia bảo hiểm cho cả hai khối bảo hiểm ngày càng tăng là tín hiệu đáng mừng, nhưng cũng có một số ý kiến lưu ý về việc kiểm soát tỷ lệ tổn thất bồi thường cho nghiệp vụ có thể tăng cao, bởi đây là sản phẩm dễ bị trục lợi.
Thậm chí, đã có bác sĩ làm việc ở một phòng khám quốc tế cảnh báo, một vài bệnh nhân yêu cầu bệnh viện viết báo cáo y khoa cho các công ty bảo hiểm sai sự thật, một số trường hợp cho người khác mượn thẻ y tế để khám bệnh… Trước đây, trục lợi y tế từng là vấn nạn của ngành bảo hiểm.
“Về yếu tố rủi ro, cũng có thể phát sinh trục lợi, tuy nhiên, nếu các công ty bảo hiểm kiểm soát tốt thì có thể giảm thiểu được”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm chia sẻ.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn