Ngành BHXH không nên đơn phương đi đòi nợ!

Theo cơ quan chức năng thuộc bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, đến hết tháng 5 năm 2013, số tiền mà các đơn vị sử dụng lao động nợ BHXH, BHYT đã lên tới gần 10 ngàn tỷ đồng. Điều này cũng có nghĩa là quyền lợi về BHXH, BHYT của hàng chục vạn người lao động đang bị xâm hại. Cơ hội để đòi được những món nợ này xem ra khá nan giải, mong manh. Để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động về chế độ BHXH, BHYT theo quy định của pháp luật, thời gian qua thực hiện sự chỉ đạo quyết liệt của BHXH Việt Nam, BHXH các địa phương đã tích cực áp dụng các biện pháp thu hồi nợ. Tuy nhiên kết quả thu được quá ít ỏi.

NLD 240113.jpg
Quyền lợi về BHXH, BHYT của hàng chục vạn người lao động đang bị xâm hại do chủ doanh nghiệp trốn, nợ đóng BHXH (Ảnh minh họa)

Đã có nhiều phân tích để lý giải cho tình trạng này, trong đó nguyên nhân được nhắc đến nhiều và cho rằng đó là  nguyên nhân chủ yếu nhất chính là do sự suy thoái kinh tế, là do sản xuất thua lỗ. Xét về góc độ kinh tế,  điều này là khách quan, có thể cảm thông, chia sẻ. Tuy nhiên nhìn ở góc độ pháp lý thì đây lại là sự vi phạm pháp luật một cách ngang nhiên, đã và đang làm ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều người lao động. Sau khi đọc bài “Nhiều doanh nghiệp nợ BHXH mất tích” đăng trên Báo Bảo hiểm xã hội, số ra ngày 25 tháng 6 năm 2013, đã gợi lên trong suy nghĩ của người đọc nhiều băn khoăn trăn trở.  Tại sao nhiều doanh nghiệp thuộc diện nợ nhiều, khó đòi bỗng nhiên biến mất. Các đơn vị này như tự bốc hơi lên trời, hay chui xuống lòng đất, đầy bí ẩn đến mức không ai biết họ đi đâu.Theo tác giả bài báo, vừa qua BHXH Hà Nội đã chọn 68 doanh nghiệp nợ BHXH kéo dài để tiến hành kiểm tra, rà soát. Mặc dù số doanh nghiệp này có đăng ký tên, địa chỉ trên hồ sơ, nhưng khi kiểm tra thực tế thì không còn tồn tại. Đã có 50 “Quyết định về việc kiểm tra thực hiện luật BHXH đối với người lao động”, được gửi theo đường thư bảo đảm đến 68 doanh nghiệp nợ, đã quay trở lại cơ quan phát hành, với lý do là không tìm được người nhận… Điều đáng nói ở đây, cũng theo tác giả bài báo cho biết nhiều cán bộ có trách nhiệm của BHXH Hà Nội, của BHXH quận, khi đến kiểm tra, mặc dù đã trình cả thẻ công chức, cả chứng minh thư, cả quyết định kiểm tra nhưng không nhận được sự hợp tác của nhiều chủ hộ có nhà cho Doanh nghiệp thuê làm trụ sở. Nhiều tổ trưởng dân phố, nhiều nhà trưởng khu dân cư đã từ chối trả lời với lý do “không nắm được, hoặc không có trách nhiệm trả lời”.Thật lạ lắm thay !

Được biết, để giải quyết tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT trên địa bàn,UBND thành phố Hà Nội đã thành lập Tổ công tác liên ngành, với sự tham gia của các ngành chức năng.Vậy mà, qua phản ánh của Báo BHXH thì dường như cơ quan BHXH ở Hà Nội đang phải đơn phương trên hành trình đòi nợ? không những thế, theo phản ánh của BHXH ở nhiều địa phương, việc đòi nợ đối với các doanh nghiệp nợ BHXH đạt hiệu quả thấp.Thậm chí nhiều doanh nghiệp nợ đã bị khởi kiện, đã có kết luận của Tòa án, nhưng không thi hành án vẫn diễn ra. Điều này lý giải một phần nguyên nhân làm sao việc đòi nợ còn lắm gian truân.

Để bảo vệ được quyền lợi của người  lao động cũng như thể hiện được sự nghiêm minh của luật pháp, thiết nghĩ việc kiểm tra, xử lý các hành vi nợ đọng, trốn đóng BHXH, BHYT của các doanh nghiệp, ngoài sự chủ động, nỗ lực của cơ quan BHXH, cần thiết phải có sự tham gia của các cơ quan chức năng, trong đó có vai trò của chính quyền các cấp, của các ngành; Kế hoạch & Đầu tư, LĐTB&XH…và đặc biệt là ngành Công an. Điều này đã được thể hiện trong “Quy chế phối hợp phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT” được ký giữa Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Tổng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm – Bộ Công an, từ năm 2012. Có được như vậy thì việc đòi nợ doanh nghiệp nợ BHXH mới bớt gian nan./.

Bảo Châu

Bảo Hiểm Bảo Việt

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.