Ngân hàng đi bán bảo hiểm

Bảo hiểm rõ ràng là một lợi thế kinh doanh rất lớn đối với những ngân hàng đang đẩy mạnh hoạt động tăng thu từ dịch vụ, thay vì dựa vào nguồn thu mở rộng tín dụng như những năm trước đây.

 

Thời gian qua, nhiều ngân hàng thành lập công ty bảo hiểm theo cơ cấu 100% vốn đầu tư của ngân hàng, với mong muốn bảo hiểm những sản phẩm cho vay và kỳ vọng bước vào thị trường bảo hiểm nhân thọ.

Chẳng hạn, Công ty bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC) trong những năm đầu mới hoạt động, riêng lĩnh vực khai thác bảo hiểm liên kết với ngân hàng (bancassurance) có tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 50%/năm. Đây cũng là công ty bảo hiểm của ngân hàng có nhiều sản phẩm nhất, đa dạng hình thức bán chéo sản phẩm bảo hiểm, bán sản phẩm trực tuyến… trên cơ sở mạng lưới và tích hợp hạ tầng công nghệ sẵn có của ngân hàng mẹ. BIC đang theo đuổi trở thành DN bán lẻ với mục tiêu mở rộng liên kết với các TCTD khác trên thị trường bảo hiểm liên kết ngân hàng.

Từ chỉ bán chéo sản phẩm và gói dịch vụ bảo hiểm của ngân hàng mẹ, năm 2011 BIC đạt doanh thu khoảng 25 tỷ đồng, trong khi tổng doanh thu sản phẩm liên kết giữa các ngân hàng của BIC là 320 tỷ đồng. Đến nay, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2014 của BIC, doanh thu phí bảo hiểm gốc lên 256 tỷ đồng, tăng 38,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 3 tháng đầu năm nay, kinh doanh bảo hiểm đã mang lại khoản lãi gộp cho BIC là 39 tỷ đồng.

Trên đây chỉ là một ví dụ cụ thể về mô hình công ty bảo hiểm thuộc ngân hàng đã niêm yết trên sàn chứng khoán. Toàn bộ các công ty bảo hiểm thuộc ngân hàng khác hiện vẫn chưa niêm yết nên rất khó xác định lời lỗ ra sao. Giới chuyên gia ngân hàng cho biết, phần lớn hoạt động kinh doanh bảo hiểm ngân hàng thời gian qua không hiệu quả.

Đơn cử như doanh số kinh doanh của BIC năm qua, trong báo cáo tài chính năm 2013, phần đánh giá có đề cập đến khó khăn: “Hoa hồng nhượng tái bảo hiểm bình quân bị giảm 8,5 tỷ đồng so với năm 2012”. Giám đốc một công ty bảo hiểm thuộc ngân hàng cho biết, sự sụt giảm trong doanh thu kinh doanh bảo hiểm do doanh số cho vay tín dụng những năm qua thấp. Mặt khác, bản thân các ngân hàng cũng đang khó bán nhiều sản phẩm tài chính nên việc tìm kiếm khách hàng mua bảo hiểm trong giai đoạn hiện nay rất hạn chế.

Trong khi hoạt động kinh doanh bảo hiểm của các công ty trực thuộc ngân hàng hiệu quả chưa cao thì các DN bảo hiểm có liên kết với NH lại có những kết quả đáng khích lệ. Theo số liệu của năm 2013, doanh thu bảo hiểm liên kết với ngân hàng của Prudential Vietnam, Manulife Vietnam tăng trưởng ở mức 200-360% so với năm trước. Thế nhưng, thực tế các công ty bảo hiểm liên kết ngân hàng bán các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ, các ngân hàng mới chỉ dừng lại ở mức độ thu hộ tiền bảo hiểm.

Một số ý kiến khác cho rằng, còn quá sớm để nhận định hiệu quả của mô hình công ty bảo hiểm trực thuộc ngân hàng, bởi hiệu quả phải được đánh giá trên tổng thể của một hệ thống ngân hàng có sự tương hỗ giữa các sản phẩm tài chính với nhau. Không thể phủ nhận thực tế là những công ty bảo hiểm ngoài việc bán chéo sản phẩm với ngân hàng để tạo ra giá trị gia tăng, thì các công ty này còn góp phần củng cố uy tín, sức mạnh cho thương hiệu ngân hàng mẹ là những giá trị không thể đo đếm được ngay. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, rất nhiều ngân hàng đang tập trung đầu tư phát triển ngân hàng bán lẻ thì phát triển bảo hiểm cũng là một sản phẩm trong gói giải pháp cho khách hàng.

Như vậy, bảo hiểm rõ ràng là một lợi thế kinh doanh rất lớn đối với những ngân hàng đang đẩy mạnh hoạt động tăng thu từ dịch vụ, thay vì dựa vào nguồn thu mở rộng tín dụng như những năm trước đây.

Theo (Thoibaonganhang)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.