Nâng cao kiến thức về dân tộc, văn hóa dân tộc thiểu số cho cán bộ ngành BHXH

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam vừa ký Quyết định số 2242/QĐ-BHXH ban hành Kế hoạch Bồi dưỡng Kiến thức dân tộc đối với công chức, viên chức Ngành BHXH giai đoạn 2018-2025.

Kế hoạch nhằm nâng cao, cập nhật kiến thức dân tộc, văn hóa dân tộc thiểu số, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức, viên chức làm công tác dân tộc; kỹ năng sử dụng tiếng dân tộc thiểu số cho viên chức ngành BHXH tiếp xúc, làm việc trực tiếp với đồng bào dân tộc thiểu số. Góp phần thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.

Công chức, viên chức thuộc Ngành BHXH đang được giao theo dõi công tác dân tộc, đang công tác tại địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số, tiếp xúc, làm việc trực tiếp với đồng bào dân tộc thiểu số thuộc đối tượng của Kế hoạch Bồi dưỡng Kiến thức dân tộc đối với công chức, viên chức Ngành BHXH giai đoạn 2018-2025; cụ thể bao gồm: Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ BHXH Việt Nam được giao theo dõi công tác dân tộc, Giám đốc, Phó Giám đốc BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đông đồng bào dân tộc thiểu số (nhóm đối tượng 02); Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng Vụ Tổ chức cán bộ BHXH Việt Nam được giao theo dõi công tác dân tộc, Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng thuộc cơ quan BHXH cấp tỉnh, Giám đốc, Phó Giám đốc BHXH huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số (nhóm đối tượng 03); Viên chức Vụ Tổ chức cán bộ BHXH Việt Nam được giao tham mưu, theo dõi công tác dân tộc, viên chức được giao tham mưu, theo dõi về về công tác dân tộc thuộc BHXH cấp tỉnh, viên chức tiếp xúc, làm việc trực tiếp với đồng bào dân tộc thiểu số tại BHXH cấp huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số (nhóm đối tượng 04).

Kế hoạch cũng đặt mục tiêu cụ thể:

Đến năm 2020, tại cơ quan BHXH Việt Nam ở Trung ương,100% công chức thuộc nhóm đối tượng 02 được cung cấp tài liệu, thông tin về kiến thức dân tộc, chính sách dân tộc; tối thiểu 60% viên chức thuộc nhóm đối tượng 03, 04 được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức dân tộc. Tại BHXH cấp tỉnh, huyện, tối thiểu 50% công chức, viên chức thuộc nhóm đối tượng 02, 03, 04 được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức dân tộc; tối thiểu 20% viên chức thuộc nhóm đối tượng 03, 04 tại BHXH cấp huyện tiếp xúc, làm việc trực tiếp với đồng bào dân tộc thiểu số được bồi dưỡng, tiếng dân tộc thiểu số.

Đến năm 2025, tại cơ quan BHXH Việt Nam ở Trung ương, tối thiểu 90% viên chức thuộc nhóm đối tượng 03, 04 được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức dân tộc. Tại BHXH cấp tỉnh, huyện, tối thiểu 80% công chức, viên chức thuộc nhóm đối tượng 02, 03, 04 được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức dân tộc; tối thiểu 80% viên chức thuộc nhóm đối tượng 03, 04 tại BHXH cấp huyện tiếp xúc, làm việc trực tiếp với đồng bào dân tộc thiểu số được bồi dưỡng, tiếng dân tộc thiểu số.

Về kiến thức dân tộc sử dụng chương trình, tài liệu bồi dưỡng do Ủy ban Dân tộc ban hành. Về tiếng dân tộc thiểu số, thực hiện theo Nghị định số 82/2010/NĐ-CP ngày 15/07/2010 của Chính phủ quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số và các quy định hiện hành của Nhà nước, được tổ chức cho nhóm đối tượng 03 và 04 tại BHXH cấp huyện tiếp xúc, làm việc trực tiếp với đồng bào dân tộc thiểu số, theo hình thức bồi dưỡng trực tiếp và cung cấp tài liệu để tự nghiên cứu, giao BHXH cấp tỉnh cử viên chức đi bồi dưỡng tại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng có thẩm quyền theo quy định.

Trong đó, về kiến thức dân tộc, sẽ sử dụng chương trình, tài liệu bồi dưỡng kiến thức dân tộc do Ủy ban Dân tộc ban hành; trong đó, nhóm đối tượng 02 tại cơ quan BHXH Việt Nam ở Trung ương, chương trình bồi dưỡng thực hiện lồng ghép trong học tập, quán triệt Nghị quyết của Đảng, cung cấp tài liệu để tự nghiên cứu, thực hiện lồng ghép trong nội dung các chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị, kiến thức quốc phòng, an ninh, kiến thức quản lý nhà nước, do các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng có thẩm quyền tổ chức theo quy định; nhóm đối tượng 02 tại BHXH cấp tỉnh, chương trình bồi dưỡng tập trung 03 ngày/năm, cung cấp tài liệu để tự nghiên cứu, giao Trường Đào tạo Nghiệp vụ BHXH tổ chức thực hiện; nhóm đối tượng 03, chương trình bồi dưỡng tập trung 05 ngày/năm (06 chuyên đề giảng dạy, 09 chuyên đề tham khảo), giao Trường Đào tạo Nghiệp vụ BHXH tổ chức thực hiện; nhóm đối tượng 04, chương trình bồi dưỡng tập trung 05 ngày/năm (06 chuyên đề giảng dạy, 08 chuyên đề tham khảo), giao Trường Đào tạo Nghiệp vụ BHXH tổ chức thực hiện./.

Theo baohiemxahoi.gov.vn

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.