Thông tin từ hãng thông tấn Bloomberg mới đây cho biết, Tập đoàn FWD đã trả giá cao hơn các đối thủ cạnh tranh khác trong thương vụ hợp tác với Vietcombank.
Một phần của thỏa thuận là FWD sẽ mua lại Công ty liên doanh Vietcombank Cardif Life Insurance của ngân hàng này.
Nếu thành công với bất kỳ đối tác nào thì đây cũng sẽ là thương vụ bancassurance có giá trị lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay, với giá trị đàm phán ban đầu khoảng 400 triệu USD.
Ðến thời điểm này, chưa có thông tin chính thức về thương vụ được công bố, nhưng giới tài chính đánh giá, thương vụ hợp tác giữa Vietcombank và Công ty Bảo hiểm FWD có thể sẽ có những tác động lớn đến thị trường bancassurance.
Thương vụ được hầu hết các hãng bảo hiểm nhân thọ mong đợi từ lâu không chỉ tạo lập một mặt bằng chi phí mới, khủng hơn trên thị trường bancassurance tại Việt Nam, mà còn có thể thay đổi quy mô tăng trưởng cũng như sự biến động nhân sự trên thị trường ở mô hình này.
“Có thể sẽ có một đợt dịch chuyển nhân sự bancassurance từ các công ty bảo hiểm đã phát triển mô hình sang những công ty bảo hiểm đang bắt đầu đẩy mạnh”, đại diện một công ty bảo hiểm nhân thọ nhìn nhận.
Không phải ngẫu nhiên mà thông tin Vietcombank sẽ bán kênh bancassurance lại nhận được sự quan tâm đặc biệt của tất cả các công ty bảo hiểm thời gian qua.
Ðương nhiên, Vietcombank là một nhà băng lớn, với mạng lưới chi nhánh phủ khắp cả nước, có tốc độ tăng trưởng cao và ổn định là một lý do.
Và lý do nữa là công ty bảo hiểm thắng trong thương vụ này sẽ có thêm lượng khách hàng đang hiện hữu trong liên doanh bảo hiểm của Vietcombank.
Vietcombank là “mồi ngon” duy nhất còn lại đối với các công ty bảo hiểm, đa số các ngân hàng lớn khác đã có đối tác. Vì vậy, có những chiêu “giành khách” ngoạn mục đã xảy ra, tất nhiên đều là tin “rỉ tai”, chứ chưa phải chính thức.
Một nguồn tin từ ngành bảo hiểm cho biết, các công ty bảo hiểm tham gia đấu thầu đều rất quyết liệt, nhưng không phải hãng bảo hiểm nào cũng làm bằng mọi giá.
“Chúng tôi có tham gia vòng sơ tuyển và đã quyết định rút lui ngay khi biết mức giá của thương vụ”, lãnh đạo cấp cao của một công ty bảo hiểm nhân thọ chia sẻ.
Doanh thu từ bancassurance đang tăng trưởng nhanh, từ mức 10% trong năm 2018 lên hơn 17% trong 6 tháng đầu năm 2019.
Theo thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), trong 6 tháng đầu năm 2019, doanh thu của kênh bancassurance ước đạt hơn 8.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nếu so với tốc độ phát triển kênh bancassurance ở các thị trường khác như Thái Lan hay Singapore thì đây vẫn là con số khá khiêm tốn.
“Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển thú vị của dịch vụ bancassurance, bởi ngày càng nhiều ngân hàng đặt bancassurance vào chiến lược phát triển vì nhìn thấy đây là nguồn thu an toàn và giúp đa dạng dịch vụ tài chính cho khách hàng”, trưởng bộ phận bancassurance của một công ty bảo hiểm nhân lớn nhìn nhận.
Tuy nhiên, cùng với những lo ngại về biến động nhân sự khi các công ty bảo hiểm mới vào thị trường bắt đầu mở rộng chiếm lĩnh thị phần, hay chi phí cho các thương vụ hợp tác ngân hàng ngày càng tăng cao, thì việc tăng trưởng “nóng” để đạt chỉ tiêu doanh thu có thể dẫn đến hệ lụy là hợp đồng bị hủy ngay trong năm đóng phí bảo hiểm tiếp theo và chất lượng tư vấn giảm sút mới là điều các doanh nghiệp bảo hiểm cần lưu tâm.
Dù cách tính tỷ lệ hủy hợp đồng bảo hiểm qua kênh bancassurance hiện nay của các công ty bảo hiểm còn có nhiều quan điểm khác nhau, nhưng thực trạng vấn đề này (Báo Ðầu tư Chứng khoán đã có bài phản ánh) cũng cần được các công ty bảo hiểm nhìn nhận khách quan và toàn diện hơn.