Các chương trình khuyến mãi bảo hiểm vật chất xe ô tô liên tục được các DN bảo hiểm phi nhân thọ triển khai, nhằm cạnh tranh gia tăng thị phần. Tuy nhiên, càng gia tăng doanh thu thì nghiệp vụ này càng lún sâu vào thua lỗ.
Siết lại nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới
Trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, hiện chỉ có ACE không cung cấp nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới, Bảo hiểm Samsung Vina (SVI) đồng bảo hiểm với Bảo Minh, còn lại hầu hết các DN đang khai thác nghiệp vụ này. Sức ép cạnh tranh giữa các DN ngày càng tăng lên và tình trạng cạnh tranh không lành mạnh bằng hạ phí bảo hiểm xuống dưới mức an toàn, hay mở rộng điều khoản bảo hiểm, tăng tỷ lệ hoa hồng cho đại lý đang diễn ra khá phổ biến. Điều này đã đẩy nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới nói chung, bảo hiểm vật chất xe ô tô nói riêng lún sâu trong thua lỗ.
Nghiệp vụ bảo hiểm vật chất ô tô là nghiệp vụ bảo hiểm đầu tiên vừa được Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI), theo đề nghị của Bộ Tài chính, thí điểm lựa chọn là nghiệp vụ đầu tiên cung cấp số liệu về lãi, lỗ trong 3 năm gần nhất (2010 – 2012). Từ số liệu thống kê lãi lỗ của từng DN cung cấp nghiệp vụ bảo hiểm vật chất ô tô, AVI cho biết, sẽ nghiên cứu xây dựng bộ quy tắc về điều khoản, biểu phí bảo hiểm với nghiệp vụ này nhằm đảm bảo an toàn tài chính cho toàn thị trường. Việc siết chặt lại quản lý đối với nghiệp vụ bảo hiểm vật chất xe ô tô này được AVI khẳng định là không vi phạm Luật Cạnh tranh, mà ngược lại sẽ đem lại sự an toàn về tài chính cho DN, chống hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh của thị trường bảo hiểm.
Lỗ 3.000 tỷ đồng từ nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới
Theo bảng tổng hợp lãi lỗ bảo hiểm vật chất xe ô tô 3 năm qua, được gửi đến từ các DN bảo hiểm thì tổng số lỗ từ mảng này lên tới gần 3.000 tỷ đồng. Năm 2011, nghiệp vụ này lỗ cao nhất, với số lỗ trên 1.000 tỷ đồng. Năm 2012, số DN có lãi cũng chỉ dừng lại ở con số 4. Trong số đó, các DN bảo hiểm như Bảo hiểm Toàn Cầu (GIC), Bảo hiểm Hùng Vương, Bảo hiểm Liên hiệp (UIC) chỉ có số lãi khiêm tốn vài trăm triệu đồng; chỉ có Bảo hiểm Bảo Long lãi 10 tỷ đồng.
Điều đáng chú ý là các DN nằm trong Top 5 DN có thị phần bảo hiểm xe cơ giới lớn nhất cũng là những DN lỗ nặng ở nghiệp vụ bảo hiểm vật chất xe ô tô trong năm 2012. Bảo Minh đứng đầu trong nhóm này, với số lỗ 249 tỷ đồng (chiếm gần 30% tổng số lỗ 859 tỷ đồng của toàn thị trường). Đứng sau Bảo Minh là Liberty, lỗ 127 tỷ đồng; PJICO lỗ 100 tỷ đồng; PVI không bóc tách được số liệu vật chất ô tô nhưng lỗ 100,3 tỷ đồng bảo hiểm xe cơ giới, Bảo Việt lỗ 56 tỷ đồng, Bảo hiểm Bưu điện (PTI) lỗ 44,5 tỷ đồng.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực bảo hiểm, với tỷ lệ bồi thường, hoa hồng, chi phí bán hàng, chi phí quản lý hiện vẫn cao cũng như vấn nạn trục lợi bảo hiểm đang khiến lãi từ nghiệp vụ bảo hiểm vật chất ô tô vẫn còn là chuyện trong mơ với nhiều DN. Nghiệp vụ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới có phí thấp nên dù lãi cũng khó có thể bù đắp cho khoản lỗ từ bảo hiểm tự nguyện, bảo hiểm vật chất ô tô, khiến triển vọng lợi nhuận của bảo hiểm xe cơ giới chưa thể sáng sủa.
3 tháng đầu năm 2013, bảo hiểm xe cơ giới vẫn là nghiệp vụ đem lại doanh thu phí bảo hiểm cao nhất, với 1.822 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng 8,72% so với cùng kỳ. Giá trị bồi thường đạt 715 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 39%. Dẫn đầu thị trường về doanh thu phí bảo hiểm xe cơ giới là Bảo Việt, với 457 tỷ đồng. Vị trí tiếp theo thuộc về PJICO (274 tỷ đồng), PTI (210 tỷ đồng), Bảo Minh (184 tỷ đồng), PVI (155 tỷ đồng). Có tỷ lệ bồi thường cao nhất là Liberty (70%), AAA (71%), AIG (61%).
Riêng nghiệp vụ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm chủ xe cơ giới có doanh thu 481 tỷ đồng, bồi thường 107 tỷ đồng, tỉ lệ bồi thường 22%. Dẫn đầu về doanh thu là PJICO (với 115 tỷ đồng), Bảo Việt (108 tỷ đồng), Bảo Minh (60 tỷ đồng), PVI (44 tỷ đồng), BIC (29 tỷ đồng). Một số DN có tỷ lệ bồi thường cao đột biến như Baoviet Tokio Marine (2.658%), Groupama (980%).