Với mong muốn chia sẻ khó khăn với khách hàng, nhiều công ty bảo hiểm đã đưa ra các chính sách hỗ trợ như mở rộng điều khoản bảo hiểm, giảm phí, tăng ưu đãi cho khách hàng thân thiết…
Cùng với đó, để cân bằng nguồn thu phí, qua đó giữ lại phí bảo hiểm tái tục, ổn định tăng trưởng trong năm 2020, các doanh nghiệp phi nhân thọ tiếp tục chính sách khơi thông nghiệp vụ bán lẻ, phát triển sản phẩm mới tới nhiều phân khúc khách hàng, trong đó đẩy mạnh triển khai bảo hiểm tại nông thôn với các sản phẩm bảo hiểm tai nạn hộ gia đình, bảo hiểm viện phí…
Về phương thức bán hàng, không chỉ thông qua hệ thống đại lý bảo hiểm, việc kết hợp với cá công ty star-up bán bảo hiểm qua phần mềm, hay bán qua các công ty tài chính… cũng được các công ty bảo hiểm tập trung khai thác.
Tuy nhiên, bài toán khó khăn mới phát sinh mà khối bảo hiểm phi nhân thọ đang đối mặt là tìm kiếm lợi nhuận cho nghiệp vụ đầu tư trong bối cảnh lãi suất ngân hàng tiếp tục xu hướng giảm.
Theo Báo cáo phân tích ngành vừa được Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) công bố, lợi nhuận từ hoạt động tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm trong khối phi nhân thọ có thể bị ảnh hưởng trong năm 2020 từ việc hạ lãi suất của các ngân hàng.
Theo quyết định hạ trần lãi suất của Ngân hàng nhà nước có hiệu lực từ ngày 18/11/2019, huy động ngắn hạn không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng giảm thêm 0,2%/năm, kỳ hạn từ 1-6 tháng giảm thêm 0,5%/năm.
Lãi suất cho vay ngắn hạn (dưới 1 năm) hạ 0,5%/năm và được áp dụng cho các ngành ưu tiên (nông nghiệp, xuất khẩu, công nghệ hỗ trợ, ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa).
Việc cắt lãi suất huy động sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ do hơn 80% khoản đầu tư của các doanh nghiệp này là ngắn hạn (dưới 6 tháng sẽ hạ lãi suất thêm 0,5%/năm). Ước tính, lãi suất gộp của ngành bảo hiểm sẽ giảm xuống mức 5,5-5,6%/năm trong quý IV/2019 (quý III/2019 là 5,9%/năm).
BSC cho rằng, lãi suất gửi tiền tại các ngân hàng sẽ tiếp tục giảm từ 0,2 -0,3%/năm trong năm 2020, theo sau mức giảm 0,5%/năm tiền gửi huy động cho các khoản dưới 6 tháng.
Điều này sẽ ảnh hưởng đến thu nhập tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ khi cơ cấu tiền gửi ngắn hạn ( dưới 1 năm) đang chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tài sản đầu tư.
Thực tế, năm 2019 là năm thu nhập tài chính không tốt của khối phi nhân thọ do lãi suất giảm và thị trường tài chính chứng khoán không thuận lợi.
Việc chứng khoán giảm giá làm tăng trích lập dự phòng rủi ro, trong khi hoạt động đầu tư tiền gửi cũng không khả quan vì lãi suất tiền gửi từ đầu năm không thay đổi nhiều.
“80% tỷ lệ đầu tư của chúng tôi là qua kênh ngân hàng. Tính đến tháng 9/2019, lợi nhuận đầu tư đạt gần 200 tỷ đồng, chỉ tăng 3% so với cùng kỳ”, đại diện một công ty bảo hiểm chia sẻ.
Năm 2020, để cân bằng tăng trưởng và lợi nhuận, các doanh nghiệp khối phi nhân thọ sẽ tiếp tục phải tiết giảm chi phí quản lý doanh nghiệp.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến hết 20/12/2019, doanh thu phí gốc ngành bảo hiểm đạt 109,871 tỷ đồng, trong đó doanh thu phí gốc bảo hiểm phi nhân thọ đạt 52,132 tỷ đồng. Xét về thị phần, Bảo hiểm Bảo Việt hiện đang dẫn đầu với 22% thị phần, theo sau là Bảo hiểm PVI (15,2%), PTI (10,1%), PJICO và Bảo Minh cùng dưới 10%, còn lại là các doanh nghiệp khác. Thị phần của 5 doanh nghiệp đầu ngành chiếm hơn 60% tổng thị phần và tiếp tục gia tăng bởi các doanh nghiệp này đang tích cực đa dạng hóa sản phẩm để chiếm thêm thị phần từ các doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn…
Theo nhận định của BSC, năm 2020, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ lớn sẽ tiếp tục tăng trưởng về phí gốc từ 12-13% tính trên mức tăng trưởng chung của ngành bảo hiểm là 11%.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn