Lạc quan vào triển vọng thị trường năm 2016

Kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2015 đang củng cố niềm tin của lãnh đạo các doanh nghiệp bảo hiểm vào triển vọng tăng trưởng tích cực của ngành trong năm tới. Ngọc Lan – Kim Lan ghi nhận.

Khối phi nhân thọ sẽ tăng trưởng cao trong năm 2016

Ông Nguyễn Quang Hiện, Tổng giám đốc Tổng CTCP Bảo hiểm Quân đội (MIC)
 
Năm 2015, GDP Việt Nam ước đạt 6,5%, mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 5 năm qua. Nền kinh tế có dấu hiệu hồi phục, trong đó, doanh thu ngành bảo hiểm đạt mức tăng trưởng cao, bảo hiểm phi nhân thọ tăng trưởng 15%. Đây là tín hiệu tích cực cho trong năm 2016, giúp các DN bảo hiểm phi nhân thọ tự tin hoàn thành kế hoạch kinh doanh và đạt mức tăng trưởng cao.

Năm 2016, các sản phẩm mới đang được nghiên cứu và sắp triển khai trong diện bắt buộc như bảo hiểm tài sản công, bảo hiểm xây dựng lắp đặt, bảo hiểm cháy nổ, bảo hiểm công nhân xây dựng… sẽ có cơ hội lớn. Tuy nhiên, thị trường bảo hiểm năm 2016 cũng sẽ có không ít thách thức như xu hướng mua bán và sáp nhập DN, sự thâm nhập ngày càng sâu rộng của các DN bảo hiểm nước ngoài theo hiệp định TPP, tình hình tổn thất có thể tiếp tục diễn biến phức tạp, khó dự đoán như thiên tai, các rủi ro mới nổi, trục lợi bảo hiểm…

Bảo hiểm nhân thọ sẽ duy trì đà tăng trưởng mạnh

Bà Nguyễn Ngọc Trang,Tổng giám đốc VietinAviva
 
Doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ năm 2015 theo ước tính của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đạt 36.600 tỷ đồng, tăng trưởng 29%, đây là mức tăng trưởng cao nhất của khối trong 10 năm qua.
Theo thống kê chưa chính thức, năm 2015, VietinAviva nằm trong nhóm 10 công ty bảo hiểm nhân thọ có doanh thu cao nhất thị trường và mục tiêu trở thành DN số 1 trong lĩnh vực bancassurance đang dần trở thành hiện thực.

Bảo hiểm Việt Nam: Những cơ hội bước tới

Tôi tin rằng, với đà tăng trưởng của năm 2015 và việc các cơ quản lý sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ các DN thông qua hệ thống hành lang pháp lý thuận tiện, tạo thêm cơ hội và tiền để cho việc khai thác sức mạnh của các tập đoàn cũng như các dòng sản phẩm mới như sản phẩm hưu trí…, trong năm 2016, thị trường bảo hiểm nhân thọ sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh.

Bancassurance sẽ có nhiều bứt phá so với những năm trước đây, trở thành một kênh quan trọng trên thị trường bảo hiểm. Cạnh tranh trên thị trường vì thế cũng càng khốc liệt hơn.

Gia tăng sự tin cậy nhằm khẳng định vị thế của PVI Sun Life

Ông Kevin Strain,Chủ tịch Tập đoàn Tài chính Sun Lifetại châu Á
 
Chúng tôi tin tưởng PVI Sun Life sẽ tiếp tục mang đến cho khách hàng Việt Nam nhiều hơn nữa các sản phẩm và dịch vụ bảo hiểm vượt trội, bằng việc tiếp cận và tận dụng nhiều hơn những kinh nghiệm, công cụ và các sáng kiến trong khu vực của Tập đoàn Sun Life. Đồng thời, đội ngũ kinh doanh của PVI Sun Life cũng sẽ được thừa hưởng uy tín thương hiệu, nền tảng khách hàng và sức mạnh các kênh phân phối của PVI.

Về mặt định hình thương hiệu, tôi rất hài lòng vì PVI Sun Life đã tạo dựng được một hình ảnh rất tích cực tại thị trường Việt Nam trong 2 năm qua.

Trong tương lai, PVI Sun Life sẽ tiếp tục duy trì và gia tăng sự tin cậy nhằm khăng định vị thế của mình.

Song song với tiềm lực hiện có, cùng sự hỗ trợ và phối hợp sâu sát của phía đối tác Việt Nam, chúng tôi tin tưởng, PVI Sun Life sẽ có thể nhanh chóng gia nhập vào top các công ty bảo hiểm nhân thọ hàng đầu tại Việt Nam trong thời gian sắp tới.

DN kinh doanh kém sẽ khó duy trì thị phần

Ông Đỗ Quang Thuận,Tổng giám đốc Liberty Việt Nam
 
Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam còn rất nhỏ, nhưng đang phát triển khá nhanh. Điều này cho phép các DN hướng tới những mục tiêu tăng trưởng cao trong dài hạn.

Khác với thị trường bảo hiểm nhân thọ, nơi các DN nước ngoài chiếm đến 70 – 80% thị phần, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ bị chi phối bởi các công ty bảo hiểm trong nước, với nguồn cung quá lớn so với nhu cầu, thể hiện ở mức độ dư thừa về vốn và khả năng chấp nhận rủi ro của các DN bảo hiểm.

Đây là lý do chính dẫn đến tình trạng cạnh tranh gay gắt bằng cách giảm phí và mở rộng phạm vi bảo hiểm trong những năm qua, khiến các DN có thể phát triển nhanh về doanh thu, nhưng hiệu quả kinh doanh còn hạn chế.

Về dài hạn, các DN kinh doanh kém hiệu quả khó có thể duy trì thị phần. Bảo hiểm Liberty sẽ tiếp tục duy trì lợi thế cạnh tranh bằng chiến lược khác biệt hóa. Việc Liberty và Mercedes-Benz Việt Nam vừa triển khai sản phẩm bảo hiểm mang tên hãng xe đầu tiên tại Việt Nam chính là một phần trong chiến lược này.

Tập trung nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng

Ông Lê Văn Thành,Tổng giám đốc Tổng CTCP Bảo hiểm Bảo Minh
 
Tính đến tháng hết tháng 11/2015, tổng doanh thu của Bảo Minh đã đạt gần 3.100 tỷ đồng, hoàn thành 94,2% kế hoạch và tăng trưởng 9,4% so với cùng kỳ. Lợi nhuận kinh doanh đạt trên 140 tỷ đồng và đạt kế hoạch đề ra. Kết quả này đã thể hiện tinh thần quyết liệt của tập thể cán bộ nhân viên toàn hệ thống, trong khi thị trường còn nhiều khó khăn và cạnh tranh gay gắt như hiện nay.

Năm 2016, Bảo Minh xác định bốn vấn đề cốt lõi cần tiếp tục thực hiện trong kinh doanh:

Thứ nhất, tập trung vào công tác đào tạo, nhằm bổ sung kiến thức, nâng cao trình độ mọi mặt cho cán bộ nhân viên và đại lý để đáp ứng mọi sự cạnh tranh của thị trường.

Thứ hai, tiếp tục tập trung vào việc nâng cao chất lượng dịch vụ.

Thứ ba, tăng cường tình đoàn kết, nhất trí trong cán bộ nhân viên Tổng công ty.

Cuối cùng, Bảo Minh sẽ tiếp tục áp dụng các mô hình kinh doanh năng động, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản trị điều hành và tiếp tục luôn hoàn thiện khung quản trị rủi ro và đảm bảo chỉ số tín nhiệm quốc gia và quốc tế.

Cẩn trọng với rủi ro tăng theo đà tăng trưởng nóng

Ông Saman  Bandara, Phó tổng giám đốc, phụ trách dịch vụ bảo hiểm và dịch vụ kế toán pháp lý, EY Việt Nam
 
Hội nhập sẽ thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển, từ đó tạo ra cơ hội mở rộng thị trường cũng như gia tăng áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp bảo hiểm.

Thị trường bảo hiểm Việt Nam đang tăng trưởng nhanh và các rủi ro cũng tăng theo. Điều này đặt các nhà bảo hiểm trước yêu cầu phải tăng cường quản trị rủi ro (ERM). Ngoài ra, những ảnh hưởng của hội nhập khu vực như từ TPP cùng với việc các ngành khác cũng đang hướng tới ERM (chẳng hạn như ngân hàng và các định chế tài chính khác) cũng đang khiến ERM cần thiết hơn bao giờ hết.

Chưa kể, ERM sẽ tạo ra sân chơi chung cho các công ty bảo hiểm, tạo kỷ luật cho thị trường, nhờ đó, tăng cường lòng tin của công chúng cũng như tăng cường giá trị cho các cổ đông.

ERM là một quy trình được tác động bởi ban điều hành/ban lãnh đạo và cá nhân khác của DN, áp dụng trong việc xây dựng chiến lược và thực hiện trong toàn DN, được thiết kế để nhận diện các sự  kiện tiềm tàng có thể ảnh hưởng tới DN và để quản trị rủi ro theo khẩu vị rủi ro định sẵn nhằm mang lại sự chắc chắn tương đối về việc DN sẽ đạt được các mục tiêu của mình.

Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo tinnhanhchungkhoan.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.