Khó định tội danh chiếm đoạt tiền bảo hiểm

Theo ông Phan Quốc Tuấn, người sáng lập Nhóm Bảo hiểm và cuộc sống, Bộ luật Hình sự hiện hành đang tồn tại một số điểm bất cập, khó áp dụng trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.

Những điểm bất cập xung quanh hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong Bộ luật Hình sự, theo ông, là gì?

Thứ nhất, người chiếm đoạt số tiền nhỏ hơn có thể chịu hình phạt nặng hơn.

Cụ thể, theo quy định tại khoản 1, Ðiều 213, Bộ luật Hình sự, người nào thực hiện một trong các hành vi sau: thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật; giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra;

Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm; tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để chiếm đoạt tiền bảo hiểm từ 20 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng, hoặc gây thiệt hại từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 174, 353 và 355 của Bộ luật thì bị phạt tiền từ 30 – 100 triệu đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Trong khi đó, Ðiều 174 – Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Lấy ví dụ, anh A là bên mua bảo hiểm làm giả tài liệu hay sai lệch thông tin để đòi bồi thường và chiếm đoạt số tiền 20 triệu đồng sẽ bị truy tố theo Ðiều 213, Bộ luật Hình sự và chịu mức phạt thấp nhất là 30 triệu đồng. Anh B là bên mua bảo hiểm cũng giả mạo tài liệu hay sai lệch thông tin để đòi bồi thường và chiếm đoạt tiền bảo hiểm, nhưng do số tiền chiếm đoạt là 2 triệu đồng nên bị truy tố theo Ðiều 174 – Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Mức thấp nhất của tội này với anh B là cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Như vậy, cùng có hành vi như nhau, nhưng người chiếm đoạt số tiền bảo hiểm 20 triệu đồng có thể chỉ bị phạt tiền với mức tối thiểu là 30 triệu đồng, còn người chiếm đoạt 2 triệu đồng lại chịu án cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Còn điểm vướng mắc, mâu thuẫn nào khác không, thưa ông?

Bên cạnh đó, cùng một hành vi phạm tội như nhau như trường hợp anh A và anh B trong ví dụ trên, nhưng người này phạm tội “gian lận trong kinh doanh bảo hiểm”, còn người kia lại phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Bộ luật Hình sự 1999 không có tội danh “gian lận trong kinh doanh bảo hiểm” nên ai phạm vào hành vi này thì sẽ bị cơ quan điều tra truy tố theo tội “lừa đảo chiếm đoạt”.  Ðến Bộ luật Hình sự 2015 thì tách tội chiếm đoạt tiền của công ty bảo hiểm ra làm một tội danh mới từ cái gốc là lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Như vậy, chúng ta có thể hiểu rằng tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm bản chất là lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng do ý chí nhà làm luật là tội này nên xử nhẹ hơn nên tách ra và định khung hình phạt nhẹ hơn và số tiền chiếm đoạt phải 20 triệu đồng mới bị coi là phạm tội, thay vì chỉ 2 triệu đồng. Tức là, tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm là trường hợp riêng lẻ của nhóm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Muốn người thực thi luật hiểu được như vậy thì lẽ ra Ðiều 174, Bộ luật Hình sự hiện hành phải quy định: “Người nào dùng thủ đoạn gian dối, trừ những hành vi tại Ðiều 213 thì…”.

Tức là, khi xem xét hồ sơ vụ án, cơ quan điều tra sẽ xem trước là có phải thuộc trường hợp riêng lẻ là Ðiều 213 hay không, nếu thuộc thì áp dụng điều này.

Còn không thì áp dụng Ðiều 174. Khi đã thuộc Ðiều 213 mà số tiền nhỏ hơn 20 triệu đồng sẽ không bị xem là phạm tội và hành vi của Ðiều 213 đã bị loại trừ không áp dụng cho Ðiều 174.

Khi cơ quan điều tra tiếp nhận hồ sơ thì người ta sẽ xem xét Ðiều 174 trước, nếu không thuộc Ðiều 174 mới xem tiếp Ðiều 213.

Thực tế, mọi hành vi chiếm đoạt tiền bảo hiểm gần như đều thuộc Ðiều 174 (vì nó là điều luật gốc), nên ít khi nó được chuyển sang Ðiều 213 cho đúng bản chất.

Tương tự, chúng ta có thể thấy được bất cập về tội danh và khung hình phạt của Ðiều 213 với các điều 353 hoặc 355 khi một người có hành vi thông đồng với người thụ hưởng bảo hiểm.

Cơ quan điều tra phải rất khó khăn để lựa chọn điều luật áp dụng giữa 3 điều là: Gian lận trong kinh doanh bảo hiểm (Ðiều 213, Tội tham ô tài sản (Ðiều 353) Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Ðiều 355).

Hệ lụy của những bất cập trên đây là gì?

Pháp luật quy định như vậy rất khó cho cơ quan điểu tra khi xem xét tội danh gian lận trong kinh doanh bảo hiểm và rất dễ dẫn đến oan sai.

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.