Có lẽ không ở đâu mà người dân lại nghĩ ra cách “nuôi tôm bảo hiểm” như ở Việt Nam.
Nói về định nghĩa bảo hiểm là gì, những người quan tâm đến loại hình tài chính đã có mặt hàng trăm năm trên thế giới này đều hiểu rằng, bảo hiểm là biện pháp chia sẻ rủi ro của một người hay của số ít người cho cả cộng đồng những người có khả năng gặp rủi ro cùng loại. Và mua bảo hiểm thực chất là mua sự an tâm, là đổi lấy cái sự không chắc chắn có khả năng xảy ra thiệt hại bằng sự chắc chắn thông qua việc bù đắp bằng tài chính.
Tuy nhiên, với tâm lý “mất tiền mua mâm, phải đâm cho thủng”, không ít khách hàng đã và đang tìm cách để tận thu. Đã có không chỉ 1 hay 2 công ty bảo hiểm từng phải dừng bán ra thị trường những sản phẩm mà họ đã dày công nghiên cứu để mang lại những lợi ích thiết thực nhất cho khách hàng của mình, lý do cũng chỉ vì khách hàng trục lợi quá nhiều. Với tư duy mua bảo hiểm mà không lấy được tiền thì rõ ràng là phí nên nhiều khách hàng đã nghĩ ra “trăm mưu ngàn kế” để quyết lấy tiền bảo hiểm.
Thế nên mới có những câu chuyện “cười ra nước mắt” về những xu hướng bất thường trong việc nằm viện và khám chữa bệnh của nhiều khách hàng mua bảo hiểm. Trường hợp khách hàng (bệnh nhân) Trần Quốc T. có hồ sơ khai báo nhập viện điều trị tại trung tâm y tế huyện T, tỉnh Thừa Thiên Huế từ ngày 26/11/2011 – 06/12/2011 là một ví dụ. Qua xác minh tại trung tâm y tế huyện T, các bác sĩ ở phòng kế hoạch tổng hợp khẳng định khách hàng (bệnh nhân) có nằm viện điều trị, có hồ sơ bệnh án gốc lưu trữ rõ ràng. Tuy nhiên, khi công ty bảo hiểm tiến hành xác minh tại địa phương nơi cư trú của khánh hàng (bệnh nhân) thì phát hiện ra ông T. đang đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc, nghĩa là đang ở nước ngoài trong khoảng thời gian nhập viện điều trị nội trú tại trung tâm y tế huyện T…
Đây chỉ là một trong muôn vàn câu chuyện “biết rồi nói mãi” về trục lợi bảo hiểm. Mức độ gian lận bảo hiểm đã đến hồi báo động, với tính chất ngày càng tinh vi… Trong nhiều trường hợp, dù biết rõ mười mươi công ty đang bị trục lợi, nhưng vì nhiều lý do, trong đó có việc hệ thống pháp luật chưa đủ chế tài để răn đe, các công ty bảo hiểm vẫn phải “ngậm đắng nuốt cay”.
Những người làm trong ngành bảo hiểm nhân thọ vẫn xót xa nói với nhau rằng, mua bảo hiểm là để đề phòng những xui rủi không may ập đến trong cuộc đời, nếu khách hàng muốn “thắng” bảo hiểm thì sẽ “thua” cuộc đời. Tuy nhiên, khi mua bảo hiểm, không phải khách hàng nào cũng thông suốt được như thế. Vì có những khách hàng nhiều “mưu”, nên giờ các công ty bảo hiểm cũng phải nghĩ “kế’ cho mình. Từ chối bán bảo hiểm ở những địa phương phát hiện ra quá nhiều vụ trục lợi hay ngừng bán sản phẩm mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng nhưng dễ bị trục lợi là hai trong số những biện pháp mà một số doanh nghiệp bảo hiểm đã phải làm. Mới đây, một công ty bảo hiểm phi nhân thọ đã kiên quyết không cấp hợp đồng bảo hiểm cho một số hộ dân nuôi trồng thủy sản không đúng quy trình kỹ thuật, thậm chí cố tình bỏ bớt công đoạn nuôi thả vì “đã mua bảo hiểm”. Việc làm cứng rắn của công ty bảo hiểm này đã vấp phải phản ứng dữ dội của người dân và cả chính quyền sở tại. Tuy nhiên, với quan điểm không thể nhận bảo hiểm trái với nguyên tắc cơ bản của bảo hiểm, công ty này vẫn kiên quyết từ chối.
Phó giám đốc phụ trách bảo hiểm nông nghiệp của một công ty bảo hiểm phi nhân thọ chia sẻ, thực tế, vì có bảo hiểm nên người dân mới thả tôm trái vụ, nếu không có bảo hiểm, họ sẽ “treo” ao, “phơi” ao đúng theo quy trình. Điều này chứng tỏ người dân cũng ý thức được rủi ro cao như thế nào, và cũng lý giải vì sao công ty không thể nhận bảo hiểm.
“Có lẽ không ở đâu mà người dân lại nghĩ ra cách ‘nuôi tôm bảo hiểm, nuôi cá bảo hiểm’ như ở ViệtNam”, vị phó giám đốc trên cười buồn.
Xét cho cùng, việc ngưng bán sản phẩm hay không cấp đơn bảo hiểm cho khách hàng là việc “cực chẳng đã” của các công ty bảo hiểm, nhưng khi khách hàng kiên quyết trục lợi thì công ty cũng không còn cách nào khác. Và kết cục của câu chuyện này là, không chỉ công ty bảo hiểm thiệt hại mà những khách hàng thực sự có nhu cầu cũng bị vạ lây.