Ngoài ra trong mỗi hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, các điều khoản khá dài và sử dụng nhiều từ chuyên ngành, rất khó để khách hàng có thể kiên nhẫn đọc và hiểu tất cả các điều khoản của hợp đồng.
Chính vì vậy, trong cuộc họp ngành bảo hiểm mới đây, Bộ Tài chính đã đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tiếp tục xem xét nghiên cứu giảm các điều khoản loại trừ cũng như đơn giản hóa các điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm.
Đối với việc giảm các điều khoản loại trừ, có ý kiến cho rằng, điều khoản loại trừ là yếu tố không thể thiếu trong một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, mục đích chính là để đảm bảo nguyên tắc công bằng và chính trực, phòng tránh các trường hợp cố tình trục lợi bảo hiểm, đảm bảo chi phí khách hàng phải trả để được bảo vệ trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ ở mức độ chấp nhận được, cân bằng giữa quyền lợi của khách hàng và của công ty bảo hiểm. Mỗi công ty dựa trên chiến lược kinh doanh của mình trong từng giai đoạn sẽ có mức chấp nhận bảo hiểm và loại trừ tương ứng.
Thực tế, không phải sản phẩm bảo hiểm nào cũng có nhiều điều khoản loại trừ. Đại đa số các sản phẩm bảo hiểm chính của các công ty chỉ loại trừ 3 trường hợp là tự tử trong vòng 24 tháng kể từ ngày ký hợp đồng, liên quan đến bệnh AIDS và hành vi phạm tội. Đối với các sản phẩm bảo hiểm liên quan đến tai nạn, bệnh tật thì các điều khoản loại trừ sẽ nhiều hơn nhằm mục đích làm rõ các trường hợp bồi thường, tránh trục lợi bảo hiểm, gây tổn thất cho chính quỹ bảo hiểm mà các khách hàng trung thực khác đóng góp tạo nên.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, tổng giám đốc một công ty bảo hiểm cho rằng, không công ty bảo hiểm nào có thể “bẫy” khách hàng bằng câu chữ trong hợp đồng bảo hiểm vì toàn bộ nội dung loại trừ đều được ghi rõ trong hợp đồng và phải được Bộ Tài chính phê duyệt.
“Cùng với 3 điều khoản loại trừ bảo hiểm cơ bản trên, thực tế còn có một điều khoản loại trừ quan trọng khác trong các hợp đồng bảo hiểm chính, kiểm soát các trường hợp khách hàng sau khi bị bệnh mới mua bảo hiểm. Không thể bỏ những điều khoản loại trừ này và nếu công ty bảo hiểm nhân thọ có muốn làm thì cũng không công ty tái bảo hiểm nào đồng ý nhận tái bảo hiểm. Còn lại, theo tôi nghĩ, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có thể chỉnh sửa lại cho ngắn gọn và dễ hiểu hơn”, vị tổng giám đốc trên nói và chia sẻ, những sản phẩm mới sắp ra mắt, công ty sẽ xin phép Bộ Tài chính cho bỏ bớt những điều khoản loại trừ không quan trọng.
Theo một số chuyên gia bảo hiểm, khó có thể loại bỏ hoàn toàn các điều khoản loại trừ ra khỏi hợp đồng bảo hiểm, bởi sẽ dẫn đến sự không công bằng cho các khách hàng tham gia bảo hiểm, hoặc khách hàng sẽ phải trả số phí bảo hiểm lớn hơn. Chưa kể, việc này có thể dẫn đến hành vi trục lợi bảo hiểm. Tuy nhiên, dưới góc độ quản lý nhà nước, Bộ Tài chính luôn khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm giảm thiểu các điều khoản loại trừ bảo hiểm để đảm bảo quyền lợi tối đa cho người tham gia bảo hiểm.
Chia sẻ tại một buổi giao lưu trực tuyến về bảo hiểm nhân thọ mới đây, ông Doãn Thanh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm – Bộ Tài chính cho hay, sản phẩm bảo hiểm ngày càng phức tạp nên Bộ Tài chính đã quy định các công ty bảo hiểm phải đưa đầy đủ thông tin về sản phẩm lên mạng, đồng thời phải có minh họa, hướng dẫn cụ thể để khách hàng tự đánh giá và hiểu rõ về sản phẩm.
Bộ Tài chính đang cùng Bộ Công thương hoàn tất các thuật ngữ và các nội dung chính về quy tắc, điều khoản bảo hiểm làm căn cứ để các doanh nghiệp xây dựng sản phẩm bảo hiểm. Hy vọng, trong thời gian tới, các điều khoản và câu chữ trong hợp đồng bảo hiểm sẽ đơn giản, dễ hiểu hơn.
theo tinnhanhchungkhoan.vn