Hơn 70% số tiền đầu tư của bảo hiểm đổ vào trái phiếu Chính phủ và tiền gửi ngân hàng

Theo Luật kinh doanh bảo hiểm, việc đầu tư vốn của doanh nghiệp bảo hiểm phải bảo đảm an toàn, hiệu quả và đáp ứng được yêu cầu chi trả thường xuyên cho các cam kết theo hợp đồng bảo hiểm.

Chính vì vậy, doanh nghiệp bảo hiểm chỉ được sử dụng vốn nhàn rỗi của mình để đầu tư ở Việt Nam trong các lĩnh vực sau đây: Mua trái phiếu Chính phủ; Mua cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp; Kinh doanh bất động sản; Góp vốn vào các doanh nghiệp khác; Cho vay theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng; Gửi tiền tại các tổ chức tín dụng.

Cục quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, với yêu cầu đặc thù của hoạt động kinh doanh bảo hiểm là luôn phải bảo đảm năng lực tài chính nhằm đáp ứng cam kết dài hạn của các hợp đồng bảo hiểm (đặc biệt trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ), các doanh nghiệp bảo hiểm luôn ưu tiên lựa chọn các tài sản tài chính có tính an toàn cao và thời hạn dài, như trái phiếu Chính phủ và tiền gửi ngân hàng với tỷ trọng đầu tư từ 70% trở lên.

Chẳng hạn như Chubb Life, Báo cáo tài chính năm 2022 cho thấy, trong gần 10.000 tỷ đầu tư trái phiếu thì có đến 90% là trái phiếu Chính phủ và trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh. Đây là mức rất thận trọng so với thị trường chung.

Bên cạnh đó, các chỉ số về lưu chuyển dòng tiền cũng thể hiện việc công ty luôn tận dụng các cơ hội đề đầu tư hiệu quả vốn nhàn rỗi nhằm đảm bảo lợi ích tối ưu cho khách hàng. Cụ thể, lợi nhuận từ hoạt động đầu tư năm 2022 đạt 860 tỷ đồng.

Trong năm 2022, Công ty đã đóng góp vào Ngân sách Nhà nước thông qua thuế và các khoản khác trên 287 tỷ đồng. Công ty cũng chi trả gần 1.360 tỷ đồng cho quyền lợi bảo hiểm, tăng 52% so với năm 2021.

Cũng trong năm 2022, hơn 86% khách hàng của Chubb Life nhận chi trả quyền lợi bảo hiểm thuộc nhóm từ 50 tuổi trở xuống và 85% trường hợp được giải quyết quyền lợi trong 5 năm đầu tiên của hợp đồng, đặc biệt, 32% được nhận chi trả chỉ ngay trong năm thứ nhất.

Theo Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, trong năm 2022, tất cả các doanh nghiệp nhân thọ đang hoạt động tại thị trường Việt Nam đều đáp ứng tốt yêu cầu về biên khả năng thanh toán theo quy định. Tỷ lệ biên khả năng thanh toán là một trong những chỉ số quan trọng, thể hiện “sức khỏe” tài chính của công ty bảo hiểm.

19 công ty bảo hiểm nhân thọ có mặt tại thị trường Việt Nam đều có tỷ lệ biên khả năng thanh toán cao hơn từ vài chục đến vài trăm phần trăm so với biên khả năng thanh toán tối thiểu. Chẳng hạn như Chubb Life, cuối năm 2022, vốn chủ sở hữu đạt trên 5.170 tỷ đồng, tăng thêm 21% so với cuối năm 2021 và gấp 6,4 lần vốn pháp định. Biên khả năng thanh toán của hãng bảo hiểm này luôn đạt ở mức rất cao và đạt tỷ lệ 230% biên khả năng thanh toán theo yêu cầu luật định.

Ngoài các chỉ số kinh doanh, lợi nhuận, biên khả năng thanh toán… vì là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên các doanh nghiệp bảo hiểm phải đảm bảo vốn điều lệ tối thiểu bằng mức vốn pháp định. Theo quy định hiện hành, với hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe (trừ bảo hiểm liên kết, hưu trí) thì vốn pháp định là 600 tỷ đồng; kinh doanh bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm liên kết hoặc hưu trí là 800 tỷ đồng; kinh doanh bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm liên kết và hưu trí là 1.000 tỷ đồng.

Tại Việt Nam, phần lớn công ty bảo hiểm nhân thọ là doanh nghiệp nước ngoài với tiềm lực tài chính mạnh nên vốn điều lệ đều lớn hơn hàng chục lần so với vốn pháp định. Việc đảm bảo các chỉ số tài chính “khỏe mạnh” cũng là minh chứng cho nỗ lực thực hiện cam kết mang đến giá trị thực cho khách hàng của các công ty bảo hiểm- đem đến sự bảo vệ toàn vẹn cho mọi người dân trước những rủi ro của cuộc sống.

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.