Ngày 28/08/2013, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế (Koica) và Cơ quan Bảo hiểm y tế (BHYT) Hàn Quốc tổ chức Hội thảo nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện BHYT – kinh nghiệm và đề xuất xây dựng, sửa đổi chính sách từ Hàn Quốc.
Hội thảo có sự tham dự của đại diện các Bộ Y tế, Lao động – Thương binh và Xã hội, Tài chính; BHXH Việt Nam và các chuyên gia của Hàn Quốc; đại diện lãnh đạo, chuyên viên Sở Y tế, BHXH, Bệnh viên đa khoa các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Nguyên, Hòa Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa…
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế Tống Thị Song Hương nhấn mạnh: Sau 03 năm thực hiện Luật BHYT, đến nay BHYT ở Việt Nam đã bao phủ 67% dân số, trong đó người nghèo, trẻ em dưới 06 tuổi và các đối tượng chính sách xã hội đã được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ mức đóng BHYT. BHYT đã tạo ra nguồn tài chính công quan trọng cho công tác khám, chữa bệnh, cải thiện tiếp cận dịch vụ y tế, góp phần thực hiện mục tiêu công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân và đảm bảo An sinh xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, với mục tiêu BHYT toàn dân còn nhiều khó khăn, thách thức cũng như một số vấn đề nảy sinh cần được nghiên cứu để tiếp tục hoàn thiện chính sách. Để giải quyết những vấn đề còn tồn tại, Bộ Y tế đang phối hợp với các bộ, ngành và BHXH Việt Nam rà soát và sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan, kể cả Luật BHYT, đồng thời tăng cường công tác đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ xây dựng chính sách và quản lý BHYT. Việc nghiên cứu, học tập, tham khảo kinh nghiệm của các nước đã thành công trong việc thực hiện chính sách BHYT là rất cần thiết.
Hàn Quốc là một trong 04 nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã thành công trong việc bao phủ BHYT toàn dân với độ bao phủ 97% dân số. Nếu tính cả nhóm dân số được Nhà nước hỗ trợ hoàn toàn chi phí khám, chữa bệnh thì gần 100% dân số Hàn Quốc đã được BHYT bao phủ. Hàn Quốc thực hiện BHYT toàn dân trong vòng 12 năm từ năm 1977 đến năm 1989. Vì vậy, kinh nghiệm của Hàn Quốc là rất quý báu để chúng ta tham khảo, vận dụng trong điều kiện thực tế của Việt Nam.
Ông Yang In Seok, chuyên gia Cơ quan BHYT Hàn Quốc (NHIS) nhấn mạnh: Để thực hiện BHYT toàn dân tại Việt Nam, thì việc thực hiện sửa đổi, bổ sung Luật BHYT là rất quan trọng. Trong đó ông Yang In Seok đặt ra vấn đề cần đưa vào khái niệm hộ gia đình để thuận tiện công tác thu BHYT; đơn giản hóa loại hình đối tượng tham gia BHYT; giảm mức đóng và trách nhiệm đóng… quyết định phạm vi BHYT chi trả; cùng chi trả và tạm ứng, thanh toán và quyết toán phạt chậm đóng và chi trả quyền lợi BHYT cho người lao động.
Tại hội thảo, đại diện Vụ BHYT, Bộ y tế và các chuyên gia đến từ Hàn Quốc báo cáo những nghiên cứu, tổng quan về chính sách BHYT của Việt Nam và Hàn Quốc; nhận xét chính sách BHYT của Việt Nam; các đề xuất về dự thảo sửa đổi Luật BHYT của Việt Nam; xây dựng và quản lý danh mục dịch vụ kỹ thuật được BHYT chi trả; sổ tay hướng dẫn về công tác giám định và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT tại Việt Nam.
Trong khuôn khổ hôi thảo, các đại biểu đã thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT và chính sách BHYT tại Việt Nam; xây dựng và quản lý danh mục dịch vụ kỹ thuật được Quỹ BHYT thanh toán.
Hội thảo lần này là cơ hội để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của Hàn Quốc trong quá trình xây dựng và thực hiện chính sách BHYT, trong đó tập trung vào nhận xét về chính sách BHYT; tham gia dự thảo Luật; kinh nghiệm của Hàn Quốc trong việc xây dựng danh mục thuốc, quản lý giá thuốc BHYT, bao gồm cả thuốc y học cổ truyền; sổ tay thanh toán chi phí khám, chữa bệnh. Qua thảo luận Ban tổ chức sẽ tổng hợp các ý kiến phục vụ cho việc xây dựng, điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện văn bản, chính sách, pháp luật, tạo thuận lợi trong tổ chức thực hiện và đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân trong lĩnh vực BHYT./.