Giữa tâm điểm corona nói chuyện bảo hiểm: Thách thức lớn nhất vẫn là làm sao để nâng cao nhận thức của người dân về bảo hiểm

Giữa tâm điểm của dịch bệnh, nhiều công ty bảo hiểm lên tiếng cho biết họ sẵn sàng chi trả cho khách hàng bị nhiễm corona…

Dịch viêm phổi cấp do virus corona gây nên đang là tâm điểm của cả thế giới. Việt Nam cũng đã công bố dịch đối với loại bệnh này. Theo cập nhật tại thời điểm sáng ngày 02/02/2020 đã có 304 trường hợp tử vong, gần 14.500 người nhiễm bệnh tại Trung Quốc còn tại Việt Nam cũng ghi nhận 7 trường hợp dương tính với virus corona.

Giữa tâm điểm của dịch bệnh, nhiều công ty bảo hiểm lên tiếng cho biết họ sẵn sàng chi trả cho khách hàng bị nhiễm corona. Tuyên bố này đã khiến cho hoạt động bán bảo hiểm nhân thọ trở nên sôi động hơn so với bình thường.

Chị Minh Thuý, tư vấn viên của một công ty bảo hiểm lớn cho biết, từ sau Tết đến nay chị nhận được nhiều cuộc gọi của bạn bè, người thân về việc mua bảo hiểm do lo sợ dịch bệnh. Tuy nhiên bên công ty chị cũng phải xem xét kỹ tình hình và theo đúng nguyên tắc xét duyệt hồ sơ chứ không bán vội vàng cho mọi khách hàng.

“Mấy ngày nay mọi người gọi cho tôi để hỏi về bảo hiểm và các quyền lợi nếu chẳng may bị cúm corana. Tuy nhiên sau khi tôi tư vấn rằng tham gia bảo hiểm ngoài những lời khai trung thực trong hồ sơ về sức khoẻ bản thân, bên công ty sẽ phải xác minh những lời khai ấy mới xem xét có bán bảo hiểm cho khách hàng hay không. Nếu hồ sơ là đạt thì bảo hiểm còn có  nguyên tắc là phải sau thời gian chờ hiệu lực mới được quyền lợi bảo hiểm, thời gian chờ có thể từ 1- 3 tháng tuỳ công ty, thì cũng có nhiều người chần chừ không mua”, chị Thuý kể.

Với kinh nghiệm 10 năm trong nghề, chị cho biết thêm, tâm lý của người dân đối với bảo hiểm vẫn còn khá thờ ơ. Ngoài bộ phận những người có tài chính mạnh và hiểu biết sâu về tài chính sẵn sàng bỏ tiền mua bảo hiểm, thì phần đông mọi người đều e ngại khi phải bỏ ra vài chục triệu đồng mỗi năm để đóng bảo hiểm vì nghĩ rằng đó là “tiền chết”, là “bị lừa”, và đến khi tình hình cấp bách, chẳng hạn như hiện nay, thì mới tìm đến bảo hiểm.

Chia sẻ trên của chị Thuý là đúng với thực trạng hiện nay của thị trường bảo hiểm nhân thọ. Trong một cuộc phỏng vấn với chúng tôi mới đây, ông Gaurav Sharma, Tổng giám đốc công ty bảo hiểm BIDV MetLife cho biết, thị trường bảo hiểm Việt Nam rất tiềm năng và sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới. Tuy nhiên thách thức lớn nhất với các công ty bảo hiểm đó là làm sao để nâng cao nhận thức của người dân về bảo hiểm, làm sao để mở rộng, chia sẻ ý thức của người dân về bảo hiểm nhân thọ và an toàn tài chính, nhất là khi có vấn đề về sức khỏe.

Ông Sharma kể câu chuyện khi ông đến Ninh Thuận cách đây mấy tháng, có ghé thăm một gia đình nông dân, người vợ bị bệnh ung thư và họ cần 200 triệu nhưng anh nông dân này không có nguồn thu nhập nào nên buộc phải bán đất. “Giá như có bảo hiểm thì gia đình anh ấy đã có tiền chi trả cho việc chữa bệnh và không phải bán nhà cửa” – ông nói.

CEO của BIDV MetLife còn dẫn chứng số liệu cho thấy mỗi ngày ở Việt Nam phát hiện hàng trăm ca ung thư, tương đương với hàng trăm gia đình cần tiền để chữa bệnh. Đối với các gia đình nhiều tiền thì khoản tiền đó không đáng nhưng với người nghèo thì vô cùng lớn. Và ông băn khoăn rằng vấn đề trên thị trường chưa ai có thể giải thích cho những người nghèo như vậy hiểu được. Họ (tức là người bán bảo hiểm) mới chỉ quan tâm đến người giàu, đến khách vip, đến người có điều kiện trong khi những người cần tiền thực sự thì lại không. Vì thế trọng trách của các công ty bảo hiểm là phải mở rộng thị trường và kết nối, tiếp cận được với các khách hàng như vậy.

Trở lại với câu chuyện về dịch cúm corona hiện nay, nhiều người thực sự lo sợ nếu chẳng may xảy ra. Thị trường khẩu trang, nước rửa tay “nóng” vì nhu cầu rất lớn, chen chúc nhau để mua khiến cho những cửa hàng kinh doanh được dịp đẩy giá lên cao gấp 3-4 lần ngày thường. Song, cũng như câu chuyện bảo hiểm, việc phải tự bảo vệ bản thân và gia đình bằng cách tăng sức đề kháng thì lại ít người chú ý.

Theo cafef.vn

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.