Ông Lê Văn Diễn (c1abinhhoact@…) hỏi: Giáo viên tham gia bảo hiểm thất nghiệp, nhưng không có thời kỳ nào thất nghiệp. Vậy, khi nghỉ hưu sẽ được hưởng gì từ chế độ bảo hiểm thất nghiệp?
Giải đáp vấn đề này, ông Nguyễn Hùng Cường, Phó Trưởng ban Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có ý kiến như sau:
Pháp luật hiện hành về Bảo hiểm xã hội quy định bảo hiểm thất nghiệp áp dụng bắt buộc đối người lao động là công dân Việt Nam làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc mà các hợp đồng này không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng với người sử dụng lao động (bao gồm cả những người được tuyển dụng vào làm việc tại các đơn vị sự nghiệp của nhà nước trước ngày Nghị định số 116/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ) và với người sử dụng lao động có sử dụng từ 10 lao động trở lên.
Điều kiện để được hưởng bảo hiểm thất nghiệp là khi đã đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi thất nghiệp (Luật Bảo hiểm xã hội quy định người thất nghiệp là người đang đóng bảo hiểm thất nghiệp mà bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng chưa tìm được việc làm), ngoài ra phải đăng ký thất nghiệp với cơ quan lao động khi bị mất việc làm, chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc và chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày đăng ký với cơ quan lao động.
Với quy định trên, trường hợp người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, nhưng trong quá trình làm việc đến khi nghỉ hưu mà không có thời kỳ nào bị thất nghiệp thì không hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định./.
Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng cảm ơn Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có thông tin trả lời công dân qua Cổng TTĐT Chính phủ.
Nguồn baodientuchinhphuvn
Bảo Hiểm Bảo Việt