Dừng bảo hiểm Covid-19 vì nhiều yếu tố khó lường

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều, 30/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhất trí với đề xuất của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch bệnh Covid-19 là yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm không giới thiệu, hoặc không triển khai gói bảo hiểm liên quan đến bảo hiểm đối với bệnh Covid-19. Những người bị nhiễm được Nhà nước khám và điều trị miễn phí.

Nhiều yếu tố khó lường

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán về lý do nên ngừng triển khai gói bảo hiểm liên quan đến Covid-19, một chuyên gia lâu năm trong ngành nói rằng, có nhiều nguyên nhân nên dừng việc triển khai sản phẩm liên quan đến Covid-19.

Trước tiên, sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu, thị trường tái bảo hiểm quốc tế đã xác nhận tuyên bố của WHO. Như vậy, các rủi ro liên quan đến dịch Covid-19 có thể sẽ không thể thu xếp tái bảo hiểm ra nước ngoài, nếu doanh nghiệp bảo hiểm bán sản phẩm bảo hiểm Covid-19 sẽ tự chịu trách nhiệm chi trả cho tất cả khách hàng.

Trong khi dịch bệnh do Covid-19 gây ra ngày càng diễn biến khó lường, khả năng lây nhiễm tăng cao bảo hiểm sẽ khó đảm bảo nguyên tắc “số đông bù ít” và có thể ảnh hưởng tới khả năng cân đối tài chính. Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng hơn là có thể xảy ra là tình trạng trục lợi để được hưởng bảo hiểm.

Điều này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng chi trả của doanh nghiệp bảo hiểm, mà còn khiến dịch bệnh khó kiểm soát. Tình trạng này đã được nhìn nhận tại một số thị trường bảo hiểm có triển khai sản phẩm này. Vì mức phí bảo hiểm quá thấp, ai cũng có thể mua được, thậm chí còn được bảo hiểm tặng…, nên việc trục lợi được nhìn nhận có khả năng xảy ra.

Trước đó, hồi đầu tháng 3/2020, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cũng đã có văn bản lưu ý các doanh nghiệp bảo hiểm, đặc biệt khối nhân thọ trong việc triển khai tuyên truyền hướng dẫn rõ ràng về các chính sách, quyền lợi bảo hiểm liên quan đến dịch bệnh, người tham gia bảo hiểm được tăng cường tránh trường hợp hiểu lầm với các quyền lợi đã được Nhà nước đảm bảo theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm…

Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm tuân thủ đúng quy tắc, điều khoản, biểu phí đã được Bộ Tài chính phê chuẩn. Trường hợp sửa đổi, bổ sung quy tắc, điều khoản sản phẩm bảo hiểm nhằm hỗ trợ thêm quyền lợi cho các khách hàng mắc bệnh Covid-19 (miễn thời gian chờ, chi trả thêm quyền lợi, tạm hoãn/gia hạn đóng phí bảo hiểm…) hoặc triển khai sản phẩm bảo hiểm mới có quyền lợi liên quan đến dịch bệnh, các doanh nghiệp bảo hiểm phải nộp hồ sơ xin phê chuẩn sản phẩm, sửa đổi sản phẩm theo đúng quy định pháp luật.

Dừng bán bảo hiểm Covid -19, hợp đồng đã cấp vẫn được đảm bảo quyền lợi

Được biết, khi dịch bệnh Covid-19 bắt đầu lan rộng, hàng loạt công ty bảo hiểm phi nhân thọ trong nước và cả một số công ty bảo hiểm nhân thọ đã tung ra rất nhiều sản phẩm “ăn theo” Corona. Các gói sản phẩm rất đa dạng, linh hoạt với nhiều mức giá, quyền lợi khác nhau hoặc tăng các gói hỗ trợ nhằm thu hút khách hàng.

Về cơ bản, mức phí của các sản phẩm này rất rẻ, nên ngay sau khi đưa ra thị trường sản phẩm được nhiều rất nhiều khách hàng cả cá nhân và doanh nghiệp mua cho nhân viên của mình.

Tuy nhiên, khác với các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong nước ồ ạt bung ra các gói bảo hiểm liên quan đến Covid-19, đa số các tập đoàn bảo hiểm nước ngoài tỏ ra khá thận trọng với việc phát triển các gói sản phẩm này.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, CEO một công ty bảo hiểm nhân thọ nước ngoài nói rằng, khi dịch Covid-19 bùng nổ và các doanh nghiệp bảo hiểm bắt đầu đưa những sản phẩm bảo hiểm Covid-19 đầu tiên ra thị trường, tập đoàn bảo hiểm này yêu cầu công ty bảo hiểm tại tất cả các thị trường không được ra sản phẩm bảo hiểm liên quan đến Covid-19 .

Với kinh nghiệm hàng trăm năm phát triển, các tập đoàn bảo hiểm tài chính đã sớm nhận thấy các yếu tố khó lường khi phát triển dòng sản phẩm này.

Ngay sau khi có chỉ đạo của Bộ Tài chính. hầu hết các công ty bảo hiểm phi nhân thọ đang triển khai sản phẩm bảo hiểm covid-19 đã có thông báo tới khách hàng đang làm thủ tục ký kết hợp đồng là sản phẩm đã ngừng triển khai theo chỉ đạo của Chính Phủ.

Đối với các hợp đồng bảo hiểm đã phát hành liên quan đến sản phẩm bảo hiểm Covid-19 nhà bảo hiểm vẫn phải tiếp tục thực hiện các hợp đồng đã ký kết, cho dù có yêu cầu dừng của Chính phủ.

Được biết, hiện tại cơ quan chủ quản của các doanh nghiệp bảo hiểm là Bộ Tài chính cũng đang họp bàn để có thông tin chính thức và hướng xử lý cụ thể về vấn đề này tới các doanh nghiệp bảo hiểm.

Người Việt Nam tham gia Bảo hiểm y tế (BHYT) được Quỹ BHYT chi trả, người không có BHYT được ngân sách nhà nước chi trả.

Bộ Y tế bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) gây ra vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, việc phòng, chống bệnh dịch này được thực hiện theo quy định với bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm. Như vậy, những người bị nhiễm sẽ được khám và điều trị miễn phí.

Theo đó, người Việt Nam tham gia Bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ được Quỹ BHYT chi trả chi phí trị bệnh, người không tham gia BHYT được ngân sách nhà nước chi trả. BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố cùng với cơ sở KCB chuẩn bị đầy đủ lượng thuốc men liên quan đến việc KCB, nhu cầu sử dụng thuốc của người bệnh.

Đặc biệt, đối với các bệnh nhân bị cách ly, dù là cách ly tập trung hay tại nhà có nhu cầu khám chữa bệnh, ngoài chi phí đặc trị cho Covid-19 còn những chi phí còn lại của người có thẻ BHYT sẽ được cơ quan BHXH chi trả 100%.

Theo BHXH Việt Nam, quỹ BHYT sẽ thanh toán chi phí cho những người có thẻ BHYT đi khám khi có triệu chứng nghi ngờ như sốt, ho, khó thở và xét nghiệm chẩn đoán bệnh trong trường hợp âm tính với virus Corona. Nếu có kết quả dương tính và cần điều trị tiếp, toàn bộ chi phí điều trị và xét nghiệm cũng do ngân sách nhà nước chi trả.

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.