Là doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động trong cả 3 lĩnh vực bảo hiểm độc lập là bảo hiểm nhân thọ (PVI Sun Life), bảo hiểm phi nhân thọ (Bảo hiểm PVI) và tái bảo hiểm (PVI Re), Chủ tịch HĐQT PVI Holdings, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, PVI đã chuẩn bị cho hội nhập quốc tế từ lâu.
“Do đặc thù là quản lý rủi ro cho ngành dầu khí, nên vấn đề hội nhập đã được PVI xác định ngay từ khi thành lập. Bởi lúc đó, PVI đã làm việc với nhiều đối tác quốc tế. Vì vậy, có thể khẳng định rằng, hội nhập TPP không còn quá xa lạ với chúng tôi. Với PVI, giai đoạn chuẩn bị đã qua, giờ chỉ tính thế nào để làm tốt hơn nữa”, ông Tuấn nói.
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, CEO một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cũng cho hay, TPP không có quá nhiều khác biệt nếu so với các cam kết hội nhập mà các doanh nghiệp bảo hiểm đã ký trước, vấn đề chỉ là thêm thách thức và cơ hội.
Còn theo lãnh đạo một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ khác, với đặc thù chuyên cung cấp sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng tư nhân, trong khi khối doanh nghiệp bảo hiểm có tới 17/18 là doanh nghiệp nước ngoài, nên về cơ bản, công ty ông hầu như không chịu ảnh hưởng gì từ TPP và cũng không chuẩn bị gì nhiều, bởi đã và đang hoạt động theo chuẩn mực quốc tế được áp từ công ty mẹ ở nước ngoài.
Như vậy, đối với các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, hiện đã không còn là thời điểm để chuẩn bị cho TPP, mà là lúc tập trung giải quyết những khó khăn, thách thức của ngành nói chung và từ TPP.
“Nhân sự giỏi trong ngành bảo hiểm vẫn luôn khan hiếm và nếu có thêm các doanh nghiệp bảo hiểm mới (từ ảnh hưởng của TPP), thì cạnh tranh về nhân sự càng gay gắt. Bên cạnh đó, do nhu cầu tăng trưởng nên chi phí kinh doanh đã tăng cao, đặc biệt là chi phí lương cho nhân viên và các kênh bán hàng. Đây cũng là một khó khăn khác của doanh nghiệp bảo hiểm”, CEO một doanh nghiệp bảo hiểm nhấn mạnh.
Trên thực tế, sự gia nhập thị trường bảo hiểm Việt của các tập đoàn, công ty tài chính nước ngoài thông qua việc lập hay góp vốn vào công ty bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam, khiến câu chuyện hội nhập TPP không còn mới, ngay cả với khối phi nhân thọ với số lượng công ty bảo hiểm ngoại ít hơn so với khối nhân thọ.
Theo tổng hợp của Đầu tư Chứng khoán, hiện thị trường bảo hiểm Việt Nam có 25 doanh nghiệp bảo hiểm có vốn đầu tư nước ngoài, bao gồm 14 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ (3 công ty liên doanh và 11 công ty 100% vốn ngoại), 11 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ (3 công ty liên doanh và 8 công ty 100% vốn ngoại). Trong đó, nếu xét riêng các doanh nghiệp thuộc khối TPP thì có 16 doanh nghiệp bảo hiểm.
Mặc dù vậy, các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước lại khá tự tin trước lo ngại bị mất thị phần sau khi TPP chính thức có hiệu lực, nhất là với một số mảng thuộc lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ có tính phức tạp, đòi hỏi chuyên môn cao như bảo hiểm hàng không, bảo hiểm công nghiệp.
Lãnh đạo một doanh nghiệp bảo hiểm lớn phân tích, thị trường bảo hiểm Việt đã rộng mở đón các nhà bảo hiểm ngoại từ lâu. Doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài hoạt động tại thị trường bảo hiểm Việt với hai tư cách: nhà bảo hiểm gốc (bán sản phẩm bảo hiểm) và nhận tái bảo hiểm (cho các doanh nghiệp bảo hiểm Việt tại nước ngoài). Như vậy, liệu họ có cần thiết phải tốn thêm nhiều chi phí để thành lập công ty bảo hiểm mới ở Việt Nam, khi mà trước và sau TPP họ vẫn được phép hoạt động với các tư cách này? Do đó, thị phần không phải là yếu tố thực sự quan ngại.
Cũng theo vị lãnh đạo này, tất cả các doanh nghiệp bảo hiểm, bất kể nội hay ngoại, hãy chủ động trong việc hội nhập, không nên bị động chờ TPP.
Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo tinnhanhchungkhoan.vn)