Có tiềm năng, có sản phẩm
Theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 90 triệu dân, trong đó có khoảng 60 triệu ở độ tuổi lao động, nhưng chỉ có khoảng 11 triệu người có thẻ bảo hiểm y tế, đồng nghĩa với việc có đến khoảng 50 triệu người chưa được bảo vệ.
Con số 50 triệu người chưa được bảo vệ chắc hẳn sẽ gây bất ngờ với nhiều người và không khỏi khiến các nhà bảo hiểm phải lưu tâm. Nếu triển khai hiệu quả, ngoài ý nghĩa đối với khách hàng, mảng hoạt động này cũng sẽ góp phần cải thiện đáng kể doanh thu cho các DN bảo hiểm.
Có thể thấy, tại các DN lớn, nhu cầu mua bảo hiểm cho người lao động luôn thường trực và chủ lao động sẵn sàng bỏ ra một lượng tiền nhất định để đóng bảo hiểm cho nhân viên của mình. Ngoài bảo hiểm xã hội mang tính bắt buộc, các DN còn mua thêm các sản phẩm bảo hiểm mang tính tự nguyện khác như một giải pháp nhằm giữ chân người tài. Thế nên, có thể hiểu, con số 50 triệu người còn lại chưa được mua bảo hiểm kia chủ yếu thuộc về các đơn vị kinh tế nhỏ.
Mới đây nhất, Generali Việt Nam đã ra mắt sản phẩm bảo hiểm Bảo nhân Khang nghiệp – Chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người lao động và sức khỏe tài chính của doanh nghiệp. Mức phí bảo hiểm bình quân của sản phẩm này là 200.000 – 300.000 đồng/tháng/thành viên. Người lao động sẽ được hưởng những quyền lợi bảo hiểm gồm: chi phí điều trị y tế do tai nạn lên đến 50 triệu đồng/vụ; chi phí điều trị y tế do bệnh lên đến 100 triệu đồng/năm; tử vong, thương tật toàn bộ và vĩnh viễn lên đến 100 triệu đồng; tử vong, thương tật do tai nạn lên đến 300 triệu đồng.
Không phân định rõ DN nhỏ hay lớn, Bảo hiểm Bảo Việt cũng từng triển khai sản phẩm bảo hiểm sức khỏe nhóm nói chung bao gồm các quyền lợi chính và quyền lợi mở rộng với nhiều hạn mức khác nhau, phù hợp với nhu cầu và ngân sách của doanh nghiệp cũng như các đối tượng người lao động.
Trước đó, Prevoir Việt Nam cũng cho ra sản phẩm bảo hiểm nhân thọ An tâm tiêu dùng dành cho tiểu thương gắn với các khoản vay của ngân hàng Sacombank. Với sản phẩm này, nếu khách hàng không may gặp rủi ro dẫn đến tử vong hoặc thương tật toàn bộ vĩnh viễn, Prevoir Việt Nam sẽ thay khách hàng chi trả cho ngân hàng toàn bộ dư nợ và lãi vay, được áp dụng cho các khoản vay tín chấp, vay tiểu thương chợ với mức vay tối đa 500 triệu đồng.
Nhưng bán không dễ
Có thể thấy, các sản phẩm ra sau đã bổ sung những điểm hấp dẫn khác mà DN đi trước không có. Chẳng hạn, sản phẩm Bảo nhân Khang nghiệp ngoài mức phí hợp lý thì thủ tục tham gia bảo hiểm khá đơn giản như không yêu cầu thẩm định y khoa và doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh mua bảo hiểm cho người lao động của mình được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp lên đến 22%.
Tuy nhiên, do đối tượng khách hàng là tiểu thương, eo hẹp về tài chính nên mọi chuyện không hẳn đơn giản. Trích một số tiền nhất định để mua bảo hiểm cho nhân viên không phải là quyết định dễ dàng, chưa kể thủ tục nhìn chung vẫn còn rườm rà, khiến khách hàng ngại giao dịch.
Chưa có số liệu chi tiết chính thức nào về mức độ tham gia bảo hiểm y tế của các tiểu thương, nhưng theo ghi nhận từ một số DN bảo hiểm đã triển khai sản phẩm này, thì kết quả vẫn còn khiêm tốn.
Giám đốc marketing tại một DN bảo hiểm phi nhân thọ cho biết, sau khi ra sản phẩm, đối tượng khách hàng mục tiêu của họ là các hàng quán lớn chuyên kinh doanh dịch vụ ăn uống như nhà hàng ăn nhanh, quán cà phê lớn…, nhưng hầu như không bán được.
Có DN bảo hiểm thì tiếp cận các DN hoạt động theo hình thức trách nhiệm hữu hạn quy mô nhỏ dưới 10 nhân viên, nhưng do kinh doanh khó khăn, việc trả lương cho nhân viên đúng hạn nhiều khi còn “méo mặt”, nói gì đến mua bảo hiểm cho họ.
Ghi nhận từ Bảo hiểm Bảo Việt, sản phẩm sức khỏe nhóm của DN này vẫn được DN lớn hoặc tầm trung đón nhận nhiều hơn so với các DN nhỏ.
Xem ra, giải pháp giúp thu hút và gìn giữ lao động có tay nghề, thể hiện sự quan tâm, tri ân của chủ DN, chủ cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, dịch vụ đối với những người lao động đang làm việc tại cơ sở của mình vẫn là câu chuyện dài của cả DN và nhà cung cấp bảo hiểm.