Đánh giá triển vọng của MIC khi cổ phiếu này được đưa lên sàn chứng khoán, ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, việc MIC niêm yết là một động thái tích cực, tạo tính đại chúng cao hơn cho Tổng công ty.
Tính đến thời điểm hiện tại, thị trường chứng khoán có 7 công ty bảo hiểm niêm yết trên sàn chứng khoán, gồm BVH của Tập đoàn Bảo Việt, BIC của Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm BIDV, BMI của Tổng công ty cổ phần Bảo Minh, PGI của Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex, PTI của Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện, PVI của Công ty cổ phần PVI và VNR của Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (Vinare).
Xét về thị giá, các cổ phiếu bảo hiểm hiện có thể chia làm 3 nhóm. Nhóm dưới gồm các cổ phiếu có thị giá quanh mệnh giá, như BIC, PTI hay PGI; nhóm trên là các cổ phiếu có thị giá cao, như BVH hay VNR; còn lại là nhóm cổ phiếu tầm trung, như BMI và PVI.
Để xác định mức giá cho cổ phiếu sắp niêm yết, nhà đầu tư thường so sánh một số chỉ số cơ bản của công ty đó với các doanh nghiệp cùng ngành. Trong đó, các thông số liên quan đến lợi nhuận là yếu tố được xem xét đầu tiên.
Xét về tình hình kinh doanh của MIC trong năm vừa qua, tổng công ty này đạt được kết quả ở mức khá khiêm tốn so với các doanh nghiệp cùng ngành.
Cụ thể, trong năm 2013, MIC đạt tổng lợi nhuận trước thuế 41,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 30,9 tỷ đồng. Năm 2014, MIC dự kiến tổng doanh thu toàn Tổng công ty đạt 900 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ bảo hiểm đạt 850 tỷ đồng và doanh thu đầu tư 50 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế dự kiến 60 tỷ đồng; cổ tức 7%…
Với mức lợi nhuận sau thuế gần 30,9 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận trên vốn của MIC chỉ đạt khoảng 6,18%. Tỷ lệ này thấp hơn khá xa so với nhóm cổ phiếu bảo hiểm có thị giá cao như Bảo Việt hay Vinare.
Cụ thể, trong năm 2013, lợi nhuận sau thuế của Bảo Việt đạt gần 1.234 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn đạt trên 18%. Trong khi đó, Vinare cũng có lợi nhuận sau thuế khá tốt, đạt 298 tỷ đồng; mức lợi nhuận này tương ứng với tỷ suất lợi nhuận trên vốn điều lệ đạt tới 29%.
Với những chỉ số kinh doanh cơ bản như trên, khi niêm yết, MIC sẽ khó có thể “so găng” với nhóm cổ phiếu bảo hiểm thuộc tốp trên, nếu như không có được sự bứt phá ngoạn mục về kinh doanh trong năm 2014.
Vậy, tình hình kinh doanh của MIC so với các công bảo hiểm nằm trong nhóm thị giá thấp như BIC, PGI hay PTI ra sao?
Trong năm 2013, BIC đạt lợi nhuận sau thuế 96,4 tỷ đồng. Với kết quả lợi nhuận này, chỉ số lợi nhuận trên vốn điều lệ của BIC đạt khoảng 14%. Trong khi đó, PTI đạt lợi nhuận sau thuế 54,8 tỷ đồng, tương ứng với tỷ suất lợi nhuận trên vốn gần 11%.
Như vậy, nếu xét về tỷ suất lợi nhuận trên vốn điều lệ, thì cả BIC và PTI đều cao hơn so với MIC. Với thực tế thị giá của BIC và PTI hiện chỉ quanh mức mệnh giá, thì cổ phiếu MIC nhiều khả năng sẽ giao dịch dưới mệnh giá sau khi niêm yết.
Mặc dù vậy, tỷ suất lợi nhuận chỉ là một trong nhiều yếu tố để tham chiếu và thị giá cổ phiếu sau khi niêm yết còn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.
Giải thích về con số lợi nhuận khá khiêm tốn của MIC, ông Nguyễn Quang Hiện, Chủ tịch HĐQT MIC cho biết, thời gian qua, mặc dù doanh số của MIC tăng trưởng khá tốt, nhưng MIC đã dành một khoản lớn để đưa vào quỹ dự phòng. Cụ thể, năm 2013, quỹ dự phòng của MIC đã tăng từ 300 tỷ đồng lên gần 400 tỷ đồng và dự kiến 2014 sẽ tăng tiếp lên 450 tỷ đồng. “Riêng quỹ dự phòng của MIC đã có quy mô xấp xỉ vốn điều lệ”, ông Hiện nói.
Ngoài ra, MIC còn có lợi thế là doanh nghiệp quân đội. Năm 2013, Viện Kiểm sát và Toà án Quân đội đã hỗ trợ MIC điều tra, phát hiện một số vụ trục lợi bảo hiểm lớn. Đánh giá về khía cạnh này, ông Phùng Đắc Lộc cho biết, đây là một thế mạnh của MIC mà doanh nghiệp ngoài quân đội khó có thể làm được.