Điều kiện hưởng và mức hưởng Bảo hiểm tự nguyện

Cơ sở pháp lý: Luật BHXH, Nghị định 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008 của Chính phủ và Thông tư số 32/2010/TT-BLĐTBXH ngày 25/10/2010 của Bộ Lao động Thương binh&Xã hội; Công văn số 1615/BHXH-CSXH ngày 02/6/2009, công văn số 691/BHXH-CSXH ngày 01/3/2011 của BHXH Việt Nam)

1. Điều kiện hưởng BHTN được quy định như thế nào?
Người thất nghiệp được hưởng BHTN khi có đủ các điều kiện sau:

– Đã đóng BHTN từ đủ mười hai tháng trở lên trong vòng hai mươi bốn tháng trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật.
Tháng đóng BHTN của người lao động được tính nếu người sử dụng lao động và người lao động đã đóng BHTN, người lao động đã thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc ít nhất 01 ngày trong tháng đó.
– Đã đăng ký thất nghiệp với Trung tâm Giới thiệu việc làm thuộc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây được viết tắt là Trung tâm Giới thiệu việc làm) khi mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật.
– Chưa tìm được việc làm sau mười lăm ngày tính theo ngày làm việc kể từ ngày đăng ký thất nghiệp với Trung tâm Giới thiệu việc làm theo quy định (ngày thứ nhất trong mười lăm ngày nêu trên là ngày ngay sau ngày người lao động đăng ký thất nghiệp, tính theo ngày làm việc).
Ngày làm việc áp dụng cho tất cả các trường hợp nêu trên là ngày làm việc từ ngày thứ hai đến hết ngày thứ sáu hằng tuần.

 

2. Trợ cấp thất nghiệp được quy định như thế nào?
* Mức trợ cấp thất nghiệp:
Mức trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHTN của sáu tháng liền kề trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật.

Trường hợp những tháng cuối cùng trước khi thất nghiệp, người lao động có thời gian gián đoạn đóng BHTN thì sáu tháng liền kề để tính mức trợ cấp thất nghiệp là bình quân của sáu tháng đóng BHTN trước khi người lao động mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật.
* Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp:
– Ba tháng, nếu có từ đủ mười hai tháng đến dưới ba mươi sáu tháng đóng BHTN.

– Sáu tháng, nếu có từ đủ ba mươi sáu tháng đến dưới bảy mươi hai tháng đóng BHTN.
– Chín tháng, nếu có từ đủ bảy mươi hai tháng đến dưới một trăm bốn mươi bốn tháng đóng BHTN.
–  Mười hai tháng, nếu có từ đủ một trăm bốn mươi bốn tháng đóng BHTN trở lên.
Tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp nêu trên được tính theo dương lịch. Mỗi tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày người lao động bắt đầu hưởng trợ cấp thất nghiệp đến ngày đó của tháng sau trừ một ngày.
* Thời điểm hưởng các chế độ BHTN: được tính từ ngày thứ mười sáu và tính theo ngày làm việc kể từ ngày đăng ký thất nghiệp theo quy định.

3. Hỗ trợ học nghề cho người hưởng trợ cấp thất nghiệp được quy định như thế nào?
* Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp có nhu cầu học nghề được hỗ trợ học nghề thực hiện thông qua các cơ sở dạy nghề. Không hỗ trợ bằng tiền để người lao động tự học nghề.

Mức hỗ trợ học nghề cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bằng mức chi phí học nghề trình độ sơ cấp theo quy định của pháp luật về dạy nghề.
Trường hợp người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp có nhu cầu học nghề với mức chi phí cao hơn mức chi phí học nghề trình độ sơ cấp theo quy định của pháp luật thì phần vượt quá mức chi phí học nghề trình độ sơ cấp do người lao động chi trả.
* Thời gian được hỗ trợ học nghề phụ thuộc vào thời gian đào tạo nghề của từng nghề và từng người lao động, nhưng không quá sáu tháng. Thời gian bắt đầu để được hỗ trợ học nghề tính từ ngày người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng.
Trong thời gian được hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định, nếu người lao động có nhu cầu học nghề thì phải làm đơn đề nghị hỗ trợ học nghề, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội quyết định hỗ trợ học nghề trong thời hạn mười ngày tính theo ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn đề nghị hỗ trợ học nghề của người lao động.
Trường hợp người lao động đã hưởng hết thời gian được hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định mà vẫn tiếp tục học nghề hoặc mới tham gia học nghề theo quyết định của Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thì vẫn được hỗ trợ học nghề cho đến hết thời gian học nghề.
* Chi phí hỗ trợ học nghề do BHXH Việt Nam chi trả.

 

4. Hỗ trợ tìm việc làm cho người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được quy định như thế nào?
* Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được Trung tâm Giới thiệu việc làm tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí. Việc hỗ trợ tìm việc làm phải phù hợp với trình độ đào tạo, kinh nghiệm làm việc của người lao động.

* Thời gian người lao động được hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm quy định tại khoản 2 Điều 18 của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP, được hướng dẫn thực hiện như sau:
 Thời gian người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được Trung tâm Giới thiệu việc làm hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm tính từ ngày người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng và không quá tổng thời gian mà người lao động đó được hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quyết định của Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội.
* Chi phí cho tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp do BHXH Việt Nam chi trả.

5. Thực hiện BHYT đối với người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được quy định như thế nào?
Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng được hưởng chế độ BHYT theo quy định của pháp luật về BHYT. Trường hợp chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động không được hưởng BHYT và phải trả lại thẻ BHYT cho tổ chức BHXH nơi cấp thẻ.

BHXH Việt Nam đóng BHYT cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp./.
Bảo Hiểm Bảo Việt
Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.