Theo Chiến lược phát triển ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đến năm 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phấn đấu đến 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH); 35% tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và trên 80% dân số tham gia bảo hiểm y tế (BHYT).
Một trong các giải pháp của Chiến lược là phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT.
Cụ thể, cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, đoàn thể, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về quyền lợi và nghĩa vụ, mức đóng, mức hưởng, phương thức tham gia, thủ tục tham gia BHXH, BHYT, BHTN.
Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và các địa phương rà soát tất cả các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng và trả công cho người lao động (nhất là doanh nghiệp ngoài quốc doanh), yêu cầu họ cung cấp đầy đủ các thông tin, tài liệu liên quan đến trách nhiệm tham gia BHXH, BHYT, BHTN, trên cơ sở đó xác định rõ đối tượng bắt buộc tham gia BHXH, BHYT, BHTN theo quy định.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với UBND các cấp trong việc quản lý và lập danh sách trẻ em dưới 6 tuổi để bảo đảm việc phát hành thẻ BHYT cho đối tượng này kịp thời.
Tăng cường quản lý quỹ BHXH
Giải pháp khác của Chiến lược là củng cố và tăng cường quản lý quỹ BHXH, BHYT. Cụ thể, tăng cường đôn đốc thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ, chống thất thu, nợ đọng tiền đóng BHXH, BHYT bắt buộc.
Mặt khác, cần kiểm soát chặt chẽ các thủ tục chi trả các chế độ, nhất là chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và trợ cấp thất nghiệp đảm bảo đúng đối tượng, đúng chế độ theo quy định, hạn chế trục lợi BHXH.
Tăng cường công tác giám định việc thực hiện khám bệnh, chữa bệnh BHYT, nhất là việc áp dụng giá thuốc, vật tư y tế và dịch vụ y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT để hạn chế, ngăn chặn tình trạng lạm dụng dịch vụ kỹ thuật cao, thuốc bệnh đắt tiền.
Theo báo điện tử chính phủ
Bảo Hiểm Bảo Việt