Đề xuất hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ dân tộc thiểu số nghèo

Bộ Y tế đề xuất hỗ trợ toàn bộ chi phí đồng chi trả trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập từ tuyến huyện trở lên cho phụ nữ dân tộc thiểu số nghèo. Đây là một trong những nội dung quan trọng của dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định một số chế độ đặc thù hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ nghèo cư trú ở vùng sâu, vùng xa là người dân tộc thiểu số thực hiện sinh con đúng chính sách dân số, trừ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, vừa được Bộ Y tế đưa ra lấy ý kiến.

Theo dự thảo, Bộ Y tế đề xuất hỗ trợ toàn bộ chi phí đồng chi trả trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập từ tuyến huyện trở lên. Hỗ trợ tiền ăn trong trường hợp phải điều trị nội trú hoặc sinh con tại các cơ sở y tế công lập từ trạm y tế xã trở lên.

Ngoài ra Bộ Y tế cũng đề xuất hỗ trợ chi phí đi lại từ nhà đến trạm y tế xã, phòng khám đa khoa khu vực và ngược lại cho phụ nữ đi khám chữa bệnh, khám thai (không quá 4 lần khám/1 lần mang thai đối với thai phụ có sức khỏe bình thường), sinh con. Mức thanh toán bằng 0,2 lít xăng/km theo khoảng cách vận chuyển và giá xăng tại thời điểm sử dụng và các chi phí cầu, phà, phí đường bộ khác (nếu có) nếu sử dụng phương tiện của cơ sở khám chữa bệnh Nhà nước. Nếu có nhiều hơn một người bệnh cùng được vận chuyển trên một phương tiện thì mức thanh toán chỉ được tính như đối với vận chuyển một người bệnh. Trong trường hợp bệnh nhân tự túc phương tiện thì mức thanh toán là 0,2 lít xăng/km tính theo khoảng cách đi lại và giá xăng trong thực tế.

 CSSK 170913 02.jpg
Cán bộ y tế hướng dẫn chị em phụ nữ dân tộc thiểu số ở Lào Cai sử dụng thuốc tránh thai. Ảnh: TL

Thống kê cho thấy cả nước hiện có khoảng 1,2 triệu hộ nghèo thuộc các dân tộc thiểu số. Với cách tính bình quân 1 hộ có 1 phụ nữ, tổng số phụ nữ nghèo là người dân tộc thiểu số thuộc đối tượng được hưởng chế độ đặc biệt ước tính sẽ khoảng 1,2 triệu người.

Tình trạng sức khỏe dân cư giữa các vùng miền ở nước ta hiện đang có sự chênh lệch đáng kể, đặc biệt là đối với sức khỏe phụ nữ. Khả năng tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe của phụ nữ tại những vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn còn nhiều hạn chế. Do đó, cần thiết phải ban hành một số chính sách hỗ trợ đặc thù giúp phụ nữ nghèo là người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng khó khăn có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ y tế, góp phần thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Nguồn SK&ĐS

Bảo Hiểm Bảo Việt

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.