“Đất cằn” bảo hiểm nông nghiệp

Lỗ nhưng sẽ vẫn quyết tâm làm đang là câu chuyện của bảo hiểm nông nghiệp (BHNN). Nghiệp vụ này giống như mảnh đất cằn mà cả cơ quan quản lý lẫn doanh nghiệp đều đang nỗ lực cải tạo.

Kết quả lỗ trong thí điểm bảo hiểm nông nghiệp là điều đã được lường trước, các DN  rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của Nhà nước

Bồi thường 153%

Tổng kết chương trình thí điểm BHNN tính đến ngày 30/4/2013 của Bộ Tài chính thống kê, tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc là 304,3 tỷ đồng, nhưng tổng giá trị đã giải quyết bồi thường lên tới 466,8 tỷ đồng – tỷ lệ bồi thường 153%. Ngoài ra, giá trị còn phải bồi thường là 44,3 tỷ đồng.

Con số lỗ này thực chất đến từ mảng bảo hiểm cho ngành thủy sản. Tổng giá trị đã giải quyết bồi thường của mảng này lên tới 458,1 tỷ đồng và giá trị còn phải bồi thường là 41,2 tỷ đồng, vượt xa so với tổng số phí bảo hiểm là 199,4 tỷ đồng.

Trong khi đó, bảo hiểm cho cây lúa và vật nuôi có kết quả khả quan hơn nhiều. Cây lúa thu về tổng số phí là 65,1 tỷ đồng, đã bồi thường 6,3 tỷ đồng và còn phải bồi thường 2,8 tỷ đồng. Vật nuôi thu về số phí bảo hiểm 38,7 tỷ đồng, đã bồi thường 2,4 tỷ đồng và còn phải bồi thường 258 triệu đồng.

Ba doanh nghiệp tham gia thí điểm BHNN gồm Tập đoàn Bảo Việt, Tổng CTCP Bảo Minh và Tổng công ty Tái bảo hiểm quốc gia (Vinare), mỗi đơn vị ghi nhận số lỗ từ vài tỷ đến vài chục tỷ đồng tại nghiệp vụ này. Vinare báo cáo lỗ 19,7 tỷ đồng nghiệp vụ BHNN trong năm tài chính 2012 (tổng lợi nhuận trước thuế của Công ty là hơn 300 tỷ đồng). Trong năm này, Công ty có số phí nhận đã phát sinh là 86,8 tỷ đồng.

Tập đoàn Bảo Việt báo cáo, trong kết quả kinh doanh hợp nhất 2012, số lỗ thuần hoạt động kinh doanh BHNN 5,6 tỷ đồng (tổng lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn là 1.861 tỷ đồng). Trong năm này, Bảo hiểm Bảo Việt đã thu số phí bảo hiểm gốc là 126,8 tỷ đồng và đã nhượng tái 120 tỷ đồng trong số này, so với chi bồi thường bảo hiểm gốc là 52,5 tỷ đồng. Đặc biệt, các tổn thất chưa giải quyết phải lập dự phòng bồi thường lên tới 195 tỷ đồng.

Tổng CTCP Bảo Minh không báo cáo chi tiết về kết quả của nghiệp vụ này trong báo cáo hợp nhất, nhưng tại báo cáo tổng kết thí điểm BHNN, Bảo Minh cho biết, trong năm 2012, Công ty đã thu phí gốc là 58,7 tỷ đồng và bồi thường 34,4 tỷ đồng. Tình hình dường như khó khăn hơn trong 4 tháng đầu năm 2013, khi mà trong thời gian này, doanh thu phí gốc của Bảo Minh đạt 58,9 tỷ đồng, nhưng số tiền bồi thường đã lên tới 69,7 tỷ đồng.

Tuy nhiên, lỗ nặng nề nhất lại là các nhà tái bảo hiểm quốc tế nhận tái cho các nhà bảo hiểm trong nước, điển hình là Swiss Re. Trong năm 2012, nhà tái bảo hiểm Thụy Sỹ này đã lỗ hơn 10 triệu USD (210 tỷ đồng) tại nghiệp vụ này, theo báo cáo thí điểm của Vinare. Swiss Re cũng là công ty nhận tái bảo hiểm lớn nhất cho các nhà bảo hiểm trong nước, với tỷ lệ nhận tái lên tới 57% tổng rủi ro. Ngoài ra, 26% rủi ro khác do các nhà nhận tái bảo hiểm quốc tế khác đảm nhận. Tổng cộng trong năm 2012, các nhà nhận tái BHNN theo chương trình thí điểm bị lỗ gần 300 tỷ đồng.

“Kinh doanh BHNN theo chương trình thí điểm trong năm 2012 có kết quả rất xấu”, Vinare đánh giá trong báo cáo, đồng thời kiến nghị cơ quan quản lý bù lỗ cho các doanh nghiệp tại nghiệp vụ này. Công ty cũng đồng thời đề nghị Nhà nước đề ra quy chế sẽ chịu trách nhiệm cùng doanh nghiệp nếu tỷ lệ tổn thất vượt quá một mức nhất định nào đó.

“Trong tình hình khó khăn như hiện nay, việc kinh doanh bảo hiểm hầu như không có lợi nhuận, nay DN lại phải chịu khoản lỗ do thực hiện thí điểm BHNN là gánh nặng với DN”, báo cáo viết.

Tình trạng lỗ đang có nguy cơ trở nên nghiêm trọng hơn trong năm 2013, khi mà các nhà tái bảo hiểm giảm việc nhận tái cho nghiệp vụ này. Vinare cho biết, hiện nay chương trình tái bảo hiểm của năm 2013 vẫn chưa thu xếp xong và còn tới 20% rủi ro chưa được bảo vệ. Đối với 20% này, dự kiến trường hợp xấu nhất, các nhà bảo hiểm sẽ phải bồi thường số tiền lên đến 1.035 tỷ đồng, gây rủi ro nghiêm trọng cho sức khỏe tài chính của doanh nghiệp.

Sửa chữa …

Kết quả lỗ của BHNN trong thời gian thí điểm là điều đã được lường trước – ngay cả trên thế giới, nghiệp vụ này được coi là nghiệp vụ hết sức phức tạp, việc triển khai vô cùng khó khăn và chủ yếu là lỗ. Mỗi bước đi nhìn lại là một lần rút ra những điều có thể làm để thoát khỏi sự lỗ “mặc nhiên” đó, trong đó sự hỗ trợ của Nhà nước cả về chính sách và tài chính là rất quan trọng, bởi nghiệp vụ này mang tính an sinh xã hội rất cao.

Ngày 8/5/2013, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định 1042/QĐ-BTC để sửa đổi bổ sung ở quy tắc, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm tôm, cá cho sát hơn với thực tế. Việc sửa đổi này diễn ra sau khi báo cáo của các doanh nghiệp và địa phương liên tục nhấn mạnh về tình trạng lỗ nghiêm trọng ở mảng bảo hiểm thủy sản và những kẽ hở trong các quy định liên quan đến mảng này: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không có quy định khống chế mật độ thả nuôi (vì thả nuôi với mật độ càng dày thì nguy cơ phát sinh bệnh dịch càng cao, làm tăng tỷ lệ bồi thường); Bộ Tài chính trong Quyết định 3035/QĐ-BTC và Quyết định 2114/QĐ-BTC quy định tỷ lệ thiệt hại và mức bồi thường chưa chặt chẽ, dẫn đến mức bồi thường còn cao hơn giá trị đầu tư thực tế từ 1,2 – 1,5 lần,  điều này góp phần dẫn đến tình trạng một bộ phận người tham gia bảo hiểm thiếu quan tâm chăm sóc tôm cá, tính toán trục lợi từ chương trình bảo hiểm.

Trước đó, ngày 6/5/2013, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư 57/2013/TT-BTC nâng mức hỗ trợ với hộ cận nghèo lên 90% thay cho mức 80% trước kia, đồng thời cho phép các hộ nông dân, cá nhân, tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm vật nuôi thì vẫn được hưởng một số cơ chế, chính sách hỗ trợ thêm khác.

Cùng trong thời gian này, các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn đang kiến nghị thêm các chính sách hỗ trợ bao gồm: bù lỗ cho doanh nghiệp tham gia thí điểm BHNN, Chính phủ tham gia bảo hiểm cùng doanh nghiệp và sẽ chịu trách nhiệm nếu tổn thất vượt quá các mức nhất định, giảm tỷ trọng doanh thu phí bảo hiểm thủy sản để chiếm không quá 50% tỷ trọng doanh thu toàn nghiệp vụ và nâng cao doanh thu phí bảo hiểm lúa và vật nuôi.

… và làm tiếp

Thực tế, mặc dù lỗ lớn nhưng các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn lên kế hoạch mở rộng mạnh mẽ hoạt động BHNN trong năm 2013. VinaRe lên kế hoạch, năm 2013, doanh thu phí nhận thực hiện BHNN là 180 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần doanh thu phí nhận thực hiện của năm 2012. Tập đoàn Bảo Việt lên kế hoạch phí bảo hiểm đạt 250 tỷ đồng trong năm 2012, cũng gấp đôi so với con số thực hiện của năm vừa qua.

Tập đoàn Bảo Việt viết trong báo cáo thường niên 2012: “Bảo Việt tham gia BHNN với quan điểm không vì lợi nhuận mà xác định đây là một nhiệm vụ chính trị, thực hiện theo tinh thần doanh nhân với nông dân và tinh thần doanh nghiệp nhà nước với chủ trương của Chính phủ”. Trong khi đó, ông Trịnh Quang Tuyến, Chủ tịch HĐQT Vinare trong cuộc họp ĐHCĐ của Công ty mới đây đã phát biểu, ông kỳ vọng BHNN sẽ không còn lỗ trong “thời gian không xa”.

Hải Linh
Bảo Hiểm Bảo Việt
Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.