Theo đó, các công trình xây dựng có ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng, môi trường và các công trình có yêu cầu kỹ thuật đặc thù… sẽ phải mua bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động xây dựng. Ngoài ra, mức bồi thường tối thiểu trong trường hợp người lao động gặp rủi ro là 100 triệu đồng/người/vụ. Quy định này là hành lang pháp lý quan trọng, tạo động lực để các doanh nghiệp bảo hiểm khơi thông phân khúc bảo hiểm không còn quá mới mẻ này.
Đánh giá về rủi ro trong các hoạt động xây dựng, nhiều chuyên gia trong ngành nhìn nhận, các công trình xây dựng thường phải đối mặt với nhiều nguy cơ rủi ro khác nhau như giá trị xây lắp rất lớn; số lượng người tham gia vào dự án (bộ phận quản lý, tư vấn, kỹ sư và công nhân) nhiều; phạm vi công việc chiếm diện tích rộng, trải dài… Đặc biệt là ảnh hưởng mạnh mẽ của các hiện tượng biến đổi khí hậu, bởi Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa và chịu tác động trực tiếp của ổ bão châu Á-Thái Bình Dương, một trong 5 ổ bão lớn của thế giới.
Bảo hiểm nhà thầu thuộc nghiệp vụ bảo hiểm tài sản kỹ thuật. Doanh thu từ sản phẩm này hiện chiếm tỷ trọng còn khá khiếm tốn trong tổng doanh thu của nghiệp vụ bảo hiểm tài sản kỹ thuật.
Với các yếu tố phân tích trên, chúng ta có thể nhận thấy, các công trình xây dựng, nhất là tại khu vực ven biển, khu vực thường xuyên chịu tác động của thiên tai, lũ lụt là những đối tượng chịu rủi ro cao. Chính vì thế, việc chuyển giao rủi ro thông qua bảo hiểm được đánh giá là một giải pháp hiệu quả.
Đại diện của Bảo hiểm Bưu điện (PTI) cho biết, ngay từ năm 2004, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 33/2004/QĐ-BTC về việc ban hành quy tắc, biểu phí Bảo hiểm Xây dựng, lắp đặt. Đây là một quyết định quan trọng, mặc dù không phải là quy định bắt buộc đối với tất cả các công trình xây dựng, nhưng văn bản này đã tạo một hành lang quan trọng để các nhà đầu tư, nhà thầu và các doanh nghiệp bảo hiểm có căn cứ thực hiện đối với các công trình xây dựng.
Tuy nhiên, với việc bãi bỏ hiệu lực của quyết định trên và Quốc hội ban hành Luật Xây dựng, hiện nay, ngoài các công trình đặc thù theo Luật Xây dựng và một số các công trình có nguồn vốn tài trợ của các tổ chức nước ngoài (như WB, ADB…) được xem là bắt buộc phải mua bảo hiểm, thì hầu hết việc các công trình xây dựng khác tham gia bảo hiểm chỉ mang yếu tố thủ tục, chủ đầu tư và nhà thầu chưa thực sự quan tâm và chú trọng.
“Cũng có một số doanh nghiệp ý thức khá tốt cho việc mua sản phẩm bảo hiểm này do các công trình thường có giá trị lớn. Tuy nhiên, do trước đây không có quy định về phí sàn, nên các doanh nghiệp bảo hiểm thường phải giảm phí xuống rất thấp để cạnh tranh và thuyết phục khách hàng”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nói và cho rằng, khi Nghị định 119 có hiệu lực với quy định rõ về mức phí sàn sẽ tạo sự thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp bảo hiểm. Khách hàng mặc dù sẽ phải mua phí với mức cao hơn trước đây, nhưng điều này cũng sẽ không ảnh hưởng đến quyết định mua bảo hiểm do được hưởng các chính sách, ưu đãi tốt hơn trước đây.
Bảo hiểm nhà thầu thuộc nghiệp vụ bảo hiểm tài sản kỹ thuật. Doanh thu từ sản phẩm này hiện chiếm tỷ trọng còn khá khiếm tốn trong tổng doanh thu của nghiệp vụ bảo hiểm tài sản kỹ thuật. Các doanh nghiệp bảo hiểm hy vọng, với ý thức phòng ngừa rủi ro của doanh nghiệp ngày càng cao, cũng như yêu cầu cao từ đối tác nước ngoài của các nhà thầu về bảo hiểm công trình, và hơn hết khi quy định mới có hiệu lực thi hành, sẽ tạo ra nhiều chuyển biến mới cho các sản phẩm bảo hiểm ở phân khúc này.
“Chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu nhu cầu của thị trường, nghiên cứu đánh giá và phân loại các rủi ro tiềm ẩn để hoàn thiện và đưa ra các chương trình bảo hiểm phù hợp thực tế, với mức phí cạnh tranh. Hy vọng trong tương lai, các công trình xây dựng mang tầm cỡ quốc gia sẽ được ghi tên thương hiệu của PTI”, đại diện PTI chia sẻ.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, việc Nghị định 119 được ban hành, ngoài cơ hội, vẫn còn những thách thức đối với các công ty bảo hiểm trong việc nâng cao năng lực đáp ứng đầy đủ các nhu cầu bảo hiểm không chỉ ở mảng bảo hiểm xây dựng, lắp đặt, mà còn phải nâng cao năng lực để phát triển các sản phẩm bảo hiểm khác liên quan đến ngành này như: bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho kiến trúc sư và kỹ sư tư vấn, bảo hiểm người lao động… Hiện tại, không có nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đủ sức triển khai loại bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đặc thù như kiến trúc sư hay kỹ sư tư vấn.
Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo tinnhanhchungkhoan.vn)