Những ngày đầu triển khai thí điểm BHYT, việc vận động người dân bỏ tiền túi ra mua thẻ BHYT gặp muôn vàn khó khăn. Nhưng với tinh thần tiên phong, nỗ lực không ngại vất vả, đội ngũ những người triển khai chính sách BHYT thời đó đã vận động được nhiều người dân mua thẻ BHYT.
Cán bộ đi trước, làng nước theo sau
Năm 1989, TP.Hải Phòng là nơi đầu tiên trong cả nước được Bộ Y tế giao nhiệm vụ triển khai thí điểm mô hình BHYT. Thực hiện chủ trương này, Trung tâm Bảo hiểm sức khỏe TP.Hải Phòng đã chọn huyện Thủy Nguyên làm điểm để nhân ra diện rộng.
Ngày đó, tư duy bao cấp còn nặng nền nên việc vận động người dân bỏ tiền túi ra mua thẻ BHYT gặp muôn vàn khó khăn. Trong giai đoạn “vạn sự khởi đầu nan” đó, Trung tâm Bảo hiểm sức khỏe TP.Hải Phòng và huyện Thủy Nguyên đã thuyết phục những lãnh đạo cao nhất của địa phương hưởng ứng. Ông Đào Xuân Thạo, Chủ tịch UBND huyện lúc bấy giờ là người sở hữu tấm thẻ BHYT đầu tiên của cả nước.
Ông Thạo chia sẻ: “Những năm tháng đó hết sức khó khăn nhưng vì sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân nên chúng tôi triển khai ngay. Tôi với vai trò là trưởng ban chỉ đạo tổ chức bán và mua luôn ngay tại hội nghị. Làm lãnh đạo là phải thuyết phục. Muốn thuyết phục được thì mình phải mua trước”.
Người mua tấm thẻ BHYT thứ hai là ông Nguyễn Xuân Phiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên. Nhớ lại, ông Phiến cho hay, ngày đó mệnh giá thẻ là 4.000 đồng/người/ năm, tương đương với khoảng 5 cân gạo. Chi phí không quá nhiều, nhưng trong thời bao cấp, việc mua thẻ BHYT là điều mà nhiều người dân khó chấp nhận. Nhưng nhận thức được sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân là nhiệm vụ quan trọng đầu tiên của Chủ nghĩa xã hội nên phải gương mẫu đi đầu. Từ đó, cứ một đảng viên mua thì sau đó vận động thêm vài người nữa mua BHYT.
Những ngày đầu gian nan
Ông Bùi Thành Chi, nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo hiểm sức khỏe TP.Hải Phòng cho biết, trước khi triển khai, ông đã được cùng Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Song đi nhiều nước để học tập kinh nghiệm và thuyết phục được Chính phủ triển khai mô hình BHYT, nhưng cái gì mới cũng khó được chấp nhận ngay. Tất cả những người đi làm BHYT ngày ấy đều nhận thấy trong muôn vàn khó khăn thì khó khăn lớn nhất là làm thế nào để thay đổi tư duy, nhận thức của toàn xã hội, của cán bộ đảng viên, của cấp ủy đảng và chính quyền các cấp cũng như của chính ngành y tế lúc bấy giờ về BHYT. Từ nhận thức chưa đầy đủ đến việc triển khai quyền lợi cho người có BHYT cũng bị các nhân viên y tế thực hiện chưa tốt, chất lượng phục vụ chưa đáp ứng được yêu cầu.
Ông Đinh Trọng Thắng, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Bảo hiểm sức khỏe TP. Hải Phòng nhớ lại, để nhận được lời đồng ý mua BHYT của một công ty, ông đã phải đứng trước một lời thách đấu cầu lông của vị giám đốc công ty này và bắt buộc phải chiến thắng cả 3 trận cầu.
Bấy giờ, đội ngũ những người triển khai BHYT phải trực tiếp đến từng địa phương, từng nhà dân. Phương tiện duy nhất lúc bấy giờ là xe đạp và thường xuyên phải làm ngoài giờ, tiếp cận người mua vào buổi trưa và tối. Có ngày đạp xe hàng chục cây số, đêm khuya mới về đến nhà nhưng cũng không bán được tấm thẻ nào. “Chúng tôi đạp xe suốt ngày, thậm chí đến nhà dân còn bị chó đuổi. Phải họp với dân vào buổi tối ở sân kho lúc người dân đi làm về… Có hôm buổi trưa, nhỡ bữa phải ăn bỏng ngô thay cơm, uống nước lã để buổi chiều tiếp tục đi vận động”, ông Bùi Xuân Hướng và bà Nguyễn Thị Liên, nguyên Trưởng chi nhánh Bảo hiểm sức khỏe huyện Thủy Nguyên chia sẻ.
Tuy nhiên, với nỗ lực to lớn của những người đi tiên phong trong ngành bảo hiểm, tỷ lệ tham gia BHYT ở huyện Thủy Nguyên đã đạt tới 70%. Từ thành công này, 3 năm sau, TP. Hải Phòng đã triển khai diện rộng đối với cả hai loại hình BHYT tự nguyện và bắt buộc tại 9/12 quận, huyện, gần 2.000 công ty, xí nghiệp, trường học. Trong đó, xã Tam Đa, huyện Vĩnh Bảo có đến 90% dân số mua BHYT./.
Theo baohiemxahoi.gov.vn