Chi trăm triệu USD cho AI, bảo hiểm nhân thọ đã ra được sản phẩm gì?

Thời gian qua, các hãng bảo hiểm nhân thọ đã chi hàng trăm triệu USD để đầu tư vào trí tuệ nhân tạo (AI) và ngân sách dành cho nền tảng này được cho là sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới khi bắt đầu phát huy hiệu quả trên thực tế.

Bắt nhịp nhanh với xu thế công nghệ hóa, từ năm 2016, AIA đã ra mắt trang giao dịch trực tuyến “MyAIA – Bảo hiểm của tôi” và đến nay, MyAIA được phát triển thành một công cụ để khách hàng dễ dàng thực hiện hơn 10 tính năng quan trọng liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, thu hút gần 100.000 khách truy cập và sử dụng.

Ðáng chú ý, AIA đã áp dụng công nghệ AI nhận dạng thông tin tự động và khuyến khích khách hàng sử dụng hợp đồng điện tử thay cho hợp đồng giấy.

“Khách hàng chỉ cần chụp hình chứng minh nhân dân, căn cước công dân hoặc hộ chiếu, thông tin sẽ được nhận dạng tự động trong 2-3 giây và độ chính xác tới 98-99%”, đại diện AIA cho hay.

AIA cũng là công ty bảo hiểm duy nhất tại Việt Nam dùng công nghệ AI trong thẩm định bồi thường. Theo đại diện Công ty, với công nghệ này, việc thẩm định sẽ hạn chế sai sót, đảm bảo tính chính xác cao vì không bị chi phối bởi cảm tính và khách hàng có thể nhận tiền bồi ngay…

Với Prudential, trọng tâm thúc đẩy công nghệ của Prudentital châu Á hiện nay là Pulse by Prudential – ứng dụng Sức khỏe được phát triển trên nền tảng AI. Pulse đang được sử dụng tại 8 thị trường châu Á và đã đạt được hơn 1 triệu lượt tải kể từ khi ra mắt năm 2019.

Một chức năng của Pulse được thiết kế riêng cho phân khúc doanh nghiệp vừa và nhỏ là PruWorks, sau khi ra mắt tại Singapore và Indonesia, hiện được cải tiến với hệ thống quản trị mới và kết nối trực tiếp nhằm nâng cao trải nghiệm của khách hàng. Prudential cũng đã ra mắt Opus tại Singapore, nhắm đến phân khúc khách hàng cao cấp (High Net Worth – HNW).

Sự đổi mới này nằm trong chiến lược khai thác phân khúc khách hàng thuộc nhóm các dịch vụ cộng thêm nhằm gia tăng sức khỏe và bảo vệ, hưu trí… Ðược biết, Pulse dự kiến ra mắt người dùng tại thị trường Việt Nam trong tháng 4 này.

Tuy mới gia nhập thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam từ năm 2016, nhưng đến nay, FWD đã đầu tư cả trăm triệu USD cho công nghệ, thực hiện số hóa toàn bộ quy trình nghiệp vụ, từ khâu tuyển dụng, đào tạo, tư vấn và nộp hồ sơ bảo hiểm, theo dõi và phát hành hợp đồng, đến bồi thường bảo hiểm…

Với FWD, chiến lược số hóa quy trình hoạt động đều được áp dụng tại các thị trường mà hãng bảo hiểm này có mặt, chẳng hạn áp dụng chi trả bồi thường qua các chuỗi cửa hàng tiện lợi tại Hồng Kông, Ma Cao, ứng dụng kỹ thuật số trong thẩm định và phân phối bảo hiểm nhân thọ tại Indonesia, sử dụng chatbot hướng dẫn quy trình bồi thường bảo hiểm du lịch yêu cầu bồi thường qua Paynow tại Singapore và tại Việt Nam, FWD tiên phong bán bảo hiểm qua trang thương mại điện tử Tiki…

Bắt đầu mở rộng hợp tác với các đối tác Fintech như Thebank.vn và Gobear nhằm đa dạng kênh phân phối, giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận và tiết kiệm thời gian trong việc lựa chọn sản phẩm bảo hiểm phù hợp, Hanwha Life có tham vọng thực hiện cuộc cách tân công nghệ thông qua việc cung cấp hàng loạt tiện ích trên nền tảng 4.0 cho khách hàng như chương trình duyệt chi trả bồi thường tự động (Jetclaim), hệ thống nộp hồ sơ yêu cầu bảo hiểm trực tuyến (E-submission), cổng thông tin khách hàng trực tuyến và rút ngắn đầu số hotline…, đặc biệt là việc thành lập bộ phận Phân tích dữ liệu lớn (Big Data) nhằm nâng cao năng lực công nghệ số, cũng như chất lượng dịch vụ khách hàng trong tương lai. Chiến lược này đang được hẫu thuẫn tối đa từ tập đoàn mẹ tại Hàn Quốc.

Trên thực tế, chiến lược số hóa quy trình nghiệp vụ trong các giao dịch bảo hiểm là một trong những ưu tiên hàng đầu của các hãng bảo hiểm nhân thọ hiện nay. Theo đại diện AIA, việc đầu tư mạnh không chỉ là để cải tiến công nghệ, mà còn nhằm thay đổi cách nghĩ, cách làm để mang lại sự tiện lợi tối đa cho khách hàng.

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.