Phùng Đắc Lộc – Tổng Thư ký HHBHVN
Nền kinh tế xã hội Việt Nam năm 2013 còn gặp nhiều khó khăn ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Nút thắt tín dụng và hàng tồn kho làm cho sản xuất kinh doanh tăng trưởng chậm. Nhu cầu bảo hiểm tài sản mới đầu tư hoặc mở rộng sản xuất kinh doanh giảm đi rõ rệt trong khi giá trị tài sản hiện có để tham gia bảo hiểm giảm đi bình quân 10% sau khi trừ khấu hao làm phí bảo hiểm giảm rõ rệt. Ba tháng đầu năm 2013 thị trường bảo hiểm phi nhân thọ có doanh thu giảm 5% so với cùng kỳ năm 2012. Để tăng trưởng doanh thu, nhiều Doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH), chi nhánh của DNBH tìm cách có thêm khách hàng mới bằng cách giành giật khách hàng từ các DNBH khác. Điều này không làm tăng thêm giá trị tăng trưởng của toàn thị trường thậm chí có khi còn nguy hại nếu như giành giật khách hàng bằng thủ đoạn hạ phí bảo hiểm phi kỹ thuật thấp hơn xác suất rủi ro bồi thường cho phép. Cuộc cạnh tranh bằng cách trên khiến cho không ít DNBH phải chịu thua lỗ về nghiệp vụ bảo hiểm. Trong bối cảnh đầu tư tài chính (bằng vốn chủ sở hữu, dự phòng nghiệp vụ) có tỉ suất sinh lời không cao và tiềm ẩn đầy rủi ro giảm giá đầu tư không thể gánh cho lỗ từ nghiệp vụ bảo hiểm gây khó khăn tài chính cho các DNBH. Nếu thua lỗ dẫn tới mất vốn, làm cho vốn chủ sở hữu thấp hơn vốn pháp định thì liệu DNBH có thể kêu gọi cổ đông góp thêm vốn trong khi cổ tức chi trả không cao được không? Nhiều nghiệp vụ bảo hiểm thua lỗ nhiều năm liền tính chung cho toàn hệ thống như tàu biển 12 năm, xây dựng lắp đặt 4 năm, xe cơ giới 4 năm, tai nạn và sức khỏe con người 5 năm. Đã đến lúc các DNBH phải chặn đứng hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh bằng hạ phí bảo hiểm, xử lý nghiêm các cán bộ chi nhánh vi phạm hạ phí bảo hiểm không đúng quy định của DNBH. Đồng thời các DNBH có thể căn cứ vào điều 40 nghị định 124 khi sản phẩm bảo hiểm có nhiều năm thua lỗ ảnh hưởng đến quyền lợi khách hàng và an toàn tài chính của các DNBH thì có thể đề nghị Bộ Tài chính phê chuẩn lại quy tắc, điều khoản và biểu phí bảo hiểm để đảm bảo an toàn tài chính cho cả DNBH và khách hàng.
Trục lợi bảo hiểm là hành vi có chủ ý nhằm làm sai lệch thời gian, địa điểm, đối tượng, nguyên nhân và mức độ tổn thất để được chi trả tiền bảo hiểm nhiều hơn giá trị thiệt hại thực tế hoặc thiệt hại không thuộc phạm vi được bảo hiểm.
Trong việc giải quyết bồi thường DNBH có thể phát hiện ra những vụ trục lợi bảo hiểm mang tính chất gian lận hoặc lạm dụng bảo hiểm để loại trừ các yếu tố mang tính chất gian lận hoặc lạm dụng để từ chối bồi thường. Song nhiều khi do sức ép phải bồi thường trong vòng 15 ngày kể từ khi nhận được đầy đủ bộ hồ sơ yêu cầu bồi thường không đủ thời gian xác minh và đưa ra những lý do từ chối một phần hoặc toàn bộ tiền bồi thường, áp lực đưa ra báo chí, kiện cáo lên cơ quan quản lý nhà nước, tòa án nên chấp nhận bồi thường. Thực tế không ít vụ trục lợi bảo hiểm có bộ hồ sơ yêu cầu bồi thường quá hoàn hảo nhưng tổn thất xảy ra trước khi mua bảo hiểm hoặc có ý định dựng hiện trường giả, gắn hồ sơ tai nạn giao thông của một vụ khác vào để yêu cầu bồi thường, có đủ giấy tờ xác nhận của cơ quan có thẩm quyền. DNBH có thể tìm thấy dấu hiệu nghi ngờ có trục lợi bảo hiểm nhưng quá trình điều tra công phu và tốn nhiều thời gian, công sức. Trục lợi bảo hiểm làm gia tăng chi phí bồi thường, ảnh hưởng khả năng tài chính và uy tín của DNBH. Vì vậy phòng chống trục lợi bảo hiểm trước hết phải từ DNBH: Từ khâu thiết kế sản phẩm bảo hiểm sao không có kẽ hở để kẻ gian lợi dụng đến quá trình quản lý nghiệp vụ khai thác bảo hiểm, giám định bảo hiểm, giải quyết bồi thường đến kiểm soát nội bộ và chuyên môn hóa. Ngoài ra, các DNBH cần có sự hợp tác của các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan chức năng nơi có thẩm quyền xác nhận thời gian địa điểm đối tượng, nguyên nhân và mức độ thiệt hại, nơi cung cấp những hồ sơ, chứng từ phục vụ cho giải quyết bồi thường phải đảm bảo được tính trung thực, chính xác.
Đã đến lúc các DNBH phải hợp sức cùng phòng chống trục lợi bảo hiểm. Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam nên thành lập ban chuyên trách về phòng chống trục lợi bảo hiểm bao gồm các trưởng phòng ban bồi thường của các Doanh nghiệp bảo hiểm.
Bảo Hiểm Bảo Việt