Hội thảo “Bảo hiểm xã hội ở Việt Nam trong những năm đổi mới và định hướng phát triển”, do Ban Kinh tế Trung ương và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tổ chức, đã diễn ra ngày 15/9, tại Hà Nội.
Quang cảnh hội thảo |
Theo ông Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, bảo hiểm xã hội (BHXH) đóng vai trò trụ cột chính trong hệ thống chính sách an sinh xã hội và tạo nền tảng bền vững cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Trong những năm qua, công tác bảo hiểm xã hội đã đạt được những bước tiến quan trọng, góp phần ổn định đời sống của người lao động trong quá trình lao động và nghỉ hưu, hoặc khi gặp rủi ro. Ngoài nhóm chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc, chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện bước đầu đã thu hút lao động khu vực phi chính thức tham gia. Chính sách bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm hưu trí bổ sung cũng đã được triển khai…
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, thực hiện chính sách, BHXH bộc lộ nhiều bất cập, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp nợ và trốn đóng bảo hiểm xã hội còn nhiều; quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm chưa chặt chẽ… Tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đến nay là hơn 11 triệu người; trong khi nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc có thể lên tới 16 triệu người. Một trong những nguyên nhân khiến BHXH chưa thút hút người dân tham gia là do công tác quản lý còn nặng tính hành chính bao cấp. Do đó, bên cạnh việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, tổ chức bộ máy sớm chuyển sang hệ thống dịch vụ để phục vụ người lao động, đồng thời phải triển khai cải cách quy trình nghiệp vụ, tăng cường năng lực cán bộ kết hợp song hành với đổi mới công nghệ thông tin.
Theo ông Đỗ Văn Sinh, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, do chưa có chế tài mạnh nên tình trạng nợ BHXH hoặc không thực hiện thi hành án về đòi nợ khá dai dẳng. Tính đến ngày 31/8, tổng nợ BHXH, BHYT, BHTN là 11.651,7 tỷ đồng. Trong đó riêng nợ BHXH gần 8.000 tỷ đồng. Các cơ quan BHXH đã khởi kiện gần 4.000 vụ doanh nghiệp nợ BHXH ra tòa án với số nợ 1.790 tỷ đồng nhưng mới chỉ xử được 20%. Trong số đã xử thì số vụ thi hành án mới chị đạt 20%. Bên cạnh đó, hiện có hơn 54.000 doanh nghiệp bỏ trốn, phá sản, ảnh hưởng tới quyền lợi của khoảng 714.000 lao động và chưa có giải pháp bảo đảm quyền lợi, chính sách cho người lao động.
Lãnh đạo BHXH Việt Nam đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan cần nghiên cứu trình Chính phủ ban hành quy định về xử lý tiền nợ BHXH tồn đọng kéo dài, không còn khả năng trả nợ, của các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản hoặc chủ bỏ trốn để kịp thời giải quyết chế độ BHXH đối với người lao động.
Theo bà Nguyễn Thị Minh, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, trong thời gian tới, BHXH Việt Nam xác định nhiệm vụ trọng tâm là triển khai các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng doanh nghiệp nợ và trốn đóng BHXH, tăng cường quản lý để sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội tối ưu nhất.
Bảo Hiểm Bảo Việt (theo baotintuc.vn)