Cần rõ ràng hơn về bảo hiểm tiền vay

 Các sản phẩm bảo hiểm bán qua ngân hàng chủ yếu là để đảm bảo cho ngân hàng trước các rủi ro có thể xảy ra với tài sản thế chấp hoặc với chính cá nhân người vay, nên quy định càng rõ ràng, cụ thể thì càng có lợi cho các bên.

Vì sao cần phải bảo hiểm tiền vay?

Thông tư liên tịch số 86/2014/TTLT-BTC-NHNNVN hướng dẫn hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ quy định, tổ chức tín dụng có nghĩa vụ “Giải thích cho khách hàng các sản phẩm bảo hiểm được phân phối thông qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không phải là sản phẩm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và không mang tính bắt buộc”.

Tại dự thảo Thông tư hướng dẫn hoạt động đại lý của tổ chức tín dụng cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, cơ quan soạn thảo tiếp tục giữ nguyên quy định này.

Xoay quanh nội dung trên, có quan điểm cho rằng, đây là điều cần thiết để đảm bảo tổ chức tín dụng không được bắt buộc khách hàng mua bảo hiểm cho các khoản vay.

Việc mua bảo hiểm chỉ là thỏa thuận tự nguyện giữa khách hàng và tổ chức tín dụng trong giao kết và thực hiện hợp đồng tín dụng.

Tuy nhiên, xét dưới góc độ đảm bảo an toàn cho khoản vay, nhiều quan điểm cho rằng, việc yêu cầu tổ chức tín dụng giải thích sản phẩm bảo hiểm được phân phối thông qua tổ chức tín dụng không mang tính bắt buộc là chưa phù hợp.

Các sản phẩm bảo hiểm bán qua ngân hàng chủ yếu là để đảm bảo cho ngân hàng trước các rủi ro có thể xảy ra với tài sản thế chấp hoặc với chính cá nhân người vay.

Lấy ví dụ, khi khách hàng có nhu cầu vay mua ô tô, khách hàng được ngân hàng cấp tín dụng với điều kiện phải thế chấp bằng chính chiếc ô tô đó và ngân hàng có quyền xử lý tài sản bảo đảm của khách hàng để bù đắp cho khoản vay khi khách hàng không hoàn thành nghĩa vụ trả nợ.

Tuy nhiên, nếu xảy ra rủi ro đối với chiếc xe và khách hàng không có khả năng thanh toán thì sẽ dẫn đến đến rủi ro ngân hàng không có tài sản để xử lý và không thu hồi được nợ gốc, lãi khoản vay.

Như vậy, việc đảm bảo an toàn cho chiếc xe chính là đảm bảo cho quyền lợi của cả khách hàng và ngân hàng khi cấp tín dụng và yêu cầu mua bảo hiểm phòng ngừa rủi ro cho tài sản đảm bảo là yêu cầu chính đáng.

Ðối với khoản vay tiêu dùng, tín chấp, ngân hàng thường yêu cầu khách hàng mua bảo hiểm tai nạn, sức khỏe cho chính mình nhằm phòng ngừa rủi ro tai nạn thân thể, tính mạng cho khách hàng.

Trường hợp tai nạn, rủi ro không may xảy ra với khách hàng, ngân hàng có quyền yêu cầu công ty bảo hiểm thay mặt khách hàng thanh toán khoản nợ mà khách hàng có nghĩa vụ phải trả.

Thực tế, có nhiều trường hợp vay tiền được vài tháng thì người vay bị tai nạn, không có khả năng hoàn trả tiền vay. Khoản nợ đó trở thành gánh nặng cho cả gia đình của khách hàng.

Nếu các trường hợp này có mua bảo hiểm, khoản vay sẽ được bên bảo hiểm thanh toán, góp phần giảm bớt gánh nặng cho khách hàng. Trong trường hợp này, việc đề nghị khách hàng mua bảo hiểm có thể xem là một biện pháp bảo đảm tiền vay.

Quy định nên rõ ràng hơn

Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng cho phép tổ chức tín dụng căn cứ quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng, thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan, được ban hành quy định nội bộ về cho vay, quản lý tiền vay phù hợp với đặc điểm hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng.

Một trong những nội dung trong quy định nội bộ về cho vay của tổ chức tín dụng là “Việc áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay, thẩm định tài sản bảo đảm tiền vay, việc quản lý, giám sát, theo dõi tài sản bảo đảm tiền vay phù hợp với biện pháp bảo đảm tiền vay, đặc điểm của tài sản bảo đảm tiền vay và khách hàng”.

Có thể hiểu rằng, việc đưa ra điều kiện mua bảo hiểm cho khoản vay là một biện pháp “bảo đảm tiền vay”, “quản lý, giám sát tài sản bảo đảm tiền vay” và ngân hàng được chủ động quy định điều kiện giải ngân, trong đó có điều kiện về mua bảo hiểm cho tài sản đảm bảo hoặc bảo hiểm tai nạn, sức khỏe cho cá nhân người vay vốn.

Mặc khác, nếu quy định “không mang tính bắt buộc” thì khách hàng khi vay có thể hiểu là họ không bắt buộc phải mua sản phẩm bảo hiểm mà tổ chức tín dụng đang chào bán.

Tuy nhiên, theo quy định của của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, một số sản phẩm bảo hiểm là bắt buộc như bảo hiểm cháy nổ theo Nghị định 23/2018/NÐ-CP, bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới theo Thông tư 22/2016/TT-BTC…

Ví dụ, khách hàng vay thế chấp nhà kho tại ngân hàng, nếu kho hàng thuộc danh mục rủi ro cháy nổ cao bắt buộc phải mua bảo hiểm, thì khách hàng bắt buộc phải mua bảo hiểm cháy nổ cho tài sản thế chấp.

Trên cơ sở cân đối các lợi ích mà sản phẩm bảo hiểm mang lại cho bên vay, thiết nghĩ, cơ quan soạn thảo nên xem xét tính cần thiết của quy định “không mang tính bắt buộc” trong lần điều chỉnh thông tư này, hoặc quy định các sản phẩm bảo hiểm được phân phối thông qua tổ chức tín dụng là sản phẩm không bắt buộc phải mua kèm với các sản phẩm ngân hàng mà tổ chức tín dụng là đại lý bảo hiểm, chứ không nên quy định chung chung là “không mang tính bắt buộc” như hiện hành.

Điều 6. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong hoạt động đại lý bảo hiểm – Dự thảo Thông tư hướng dẫn hoạt động đại lý của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài:
1. Tổ chức tín dụng có các quyền của đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.
2. Tổ chức tín dụng có các nghĩa vụ của đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và các nghĩa vụ sau đây:
a) Giải thích cho khách hàng các sản phẩm bảo hiểm được phân phối thông qua tổ chức tín dụng không phải là sản phẩm của tổ chức tín dụng và không mang tính bắt buộc;
b) Quản lý, lưu trữ danh sách các nhân viên thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm;
c) Cung cấp đầy đủ, chính xác và chuyển toàn bộ các khoản phí bảo hiểm thu được và các khoản thanh toán khác của khách hàng liên quan đến hợp đồng bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm;
d) Cung cấp đầy đủ, chính xác và đối chiếu các thông tin với doanh nghiệp bảo hiểm theo quy định tại Điều 8 Thông tư này;
3. Tổ chức tín dụng có các quyền, nghĩa vụ khác theo thỏa thuận tại hợp đồng đại lý bảo hiểm.
Theo baohiemxahoi.gov.vn
Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.