Năm 2012, trong khi hầu hết doanh nghiệp khối dịch vụ tài chính, ngân hàng không hài lòng với kết quả kinh doanh, thì nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ vẫn đạt được kết quả hoạt động khả quan. Năm 2013, kỳ vọng sẽ có nhiều điểm sáng hơn cho lĩnh vực này.
Liên tục cải tiến sản phẩm, nâng cao chất lượng phục vụ và chia sẻ thành công cùng khách hàng là chiến lược thành công của Prudential
Dấu ấn tăng trưởng
Số liệu của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho thấy, năm 2012, tổng phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 18.390 tỷ đồng, tăng 14,8% so với năm 2011. Trong đó, các doanh nghiệp có thị phần lớn trên thị trường là: Prudential với 6.522 tỷ đồng, chiếm 35,5%; Bảo Việt Nhân thọ với 5.199 tỷ đồng, chiếm 28,3%; Manulife với 2.158 tỷ đồng, chiếm 11,7%.
Số lượng hợp đồng khai thác mới trong năm 2012 đạt 1.004.875 hợp đồng, tăng 14% so với năm 2011. Trong đó, Prudential khai thác được 340.671 hợp đồng, Bảo Việt Nhân thọ khai thác được 190.767 hợp đồng, Prevoir khai thác được 125.017 hợp đồng. Số lượng hợp đồng khôi phục hiệu lực (sản phẩm chính) trong năm 2012 là 89.145 hợp đồng, tăng 5% so với năm 2011. Các doanh nghiệp có số lượng hợp đồng khôi phục cao là Prudential với 73.196 hợp đồng, Manulife là 7.039 hợp đồng, Dai-ichi Life Việt Nam là 3.391 hợp đồng. Hai nhóm sản phẩm khôi phục nhiều nhất là sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp (45.373 hợp đồng) và sản phẩm bảo hiểm tử kỳ (37.051 hợp đồng).
Tính đến hết năm 2012, thị trường bảo hiểm nhân thọ có sự tham gia của 14 doanh nghiệp, các chỉ số cơ bản cho thấy, Prudential đứng ở vị trí dẫn đầu và có khoảng cách khá xa so với doanh nghiệp kế tiếp. Theo báo cáo kết quả kinh doanh của Prudential, tính đến ngày 31/12/2012, lợi nhuận chưa phân phối của Công ty là 2.031 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 32.959 tỷ đồng, tăng 16% so với năm trước.
Cơ hội và hành động
Năm 2013, khó khăn của nền kinh tế vẫn chưa chấm dứt, tiếp tục là thách thức cho lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, nhưng vượt qua thách thức, những lợi thế của lĩnh vực này đã và đang được phát huy. Thực tế, khi mua bảo hiểm nhân thọ, khách hàng thường trả phí dần dần, chứ không phải trả một lúc, do đó tác động của lạm phát không thật sự lớn. Ngoài ra, năm 2013, lãi suất tiết kiệm ngân hàng giảm mạnh so với năm trước đã có tác động tốt đến thị trường, khi bảo hiểm nhân thọ được xem là cách vừa tiết kiệm, vừa bảo vệ tài chính.
Trong khi đó, các công ty bảo hiểm nhân thọ linh hoạt trong hoạt động và đưa ra thị trường những sản phẩm đáp ứng các nhu cầu khác nhau của khách hàng, đặc biệt là chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ và quyền lợi cho khách hàng. Chẳng hạn, đầu tháng 4/2013, Prudential công bố chia bảo tức tích lũy đặc biệt trị giá 760 tỷ đồng cho các khách hàng lâu năm có hợp đồng bảo hiểm đang còn hiệu lực. Mới đây, Dai-ichi Life Việt Nam triển khai chương trình Tích lũy điểm thưởng cho khách hàng đang còn duy trì hiệu lực hợp đồng.
Năm nay, một yếu tố được mong đợi sẽ đem đến cú hích cho lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ đó là Bộ Tài chính đang ráo riết hoàn thiện các văn bản pháp luật để chuẩn bị cho sự ra đời của sản phẩm bảo hiểm hưu trí. Đây là một thị trường rất lớn hiện chưa được khai thác và nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ chia sẻ, công ty sẽ không bỏ qua cơ hội này.
Trên bình diện chung, Việt Nam vẫn còn dư địa lớn cho sự bứt phá của các doanh nghiêp bảo hiểm, do tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm nhân thọ đang ở mức khiêm tốn với gần 6% dân số. Trong thời gian tới, có thể có thêm một số doanh nghiệp bảo hiểm tham gia thị trường, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn, nhưng vẫn có nhiều lý do để kỳ vọng lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ duy trì nhịp độ tăng trưởng tốt. Tất nhiên, để đạt được kỳ vọng còn phụ thuộc rất lớn vào sự nỗ lực của mỗi doanh nghiệp.