Bộ Y tế cần xác định rõ nhiệm vụ để tập trung phát triển BHYT

Chiều 03/10, Ủy ban Về các vấn đề Xã hội thẩm tra báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện nghị quyết 68 /2013/QH13 đẩy mạnh chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân. Ủy viên trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh chủ trì phiên họp.

Báo cáo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân, Bộ Y tế đã chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam và các Bộ, ngành liên quan xây dựng, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến BHYT. Tổ chức triển khai và thực hiện đồng bộ các biện pháp, giải pháp được đưa ra trong Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020.

Đối với thực hiện mục tiêu hoàn thiện đầu tư các trạm y tế xã ở vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, Bộ Y tế đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở, trang thiết bị cho các trạm y tế xã vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn. Theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, việc đầu tư cho các cơ sở y tế nói chung, các trạm y tế vùng đặc biệt khó khăn thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương, ngân sách trung ương chỉ mang tính hỗ trợ. Theo thống kê, cả nước có khoảng gần 65% số trạm y tế xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã nhưng nhiều trạm vẫn cần phải cải tạo, nâng cấp nên còn khoảng 35% số trạm y tế xã cần phải đầu tư, nâng cấp.

Về hoàn thiện gói dịch vụ cơ bản do BHYT chi trả, triển khai mở rộng mô hình bác sĩ gia đình, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 39/2017/TT-BYT quy định gói dịch vụ y tế cơ bản cho tuyến y tế cơ sở bao gồm gói dịch vụ khám chữa bệnh do quỹ BHYT chi trả và gói dịch vụ y tế cho chăm sóc sức khỏe, dự phòng và nâng cao sức khỏe do ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác chi trả.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban về các vấn đề Xã hội cơ bản tán thành với những kết quả đạt được của ngành Y tế, tuy nhiên Ủy ban chỉ ra rằng vẫn còn tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHYT của một số chủ sử dụng lao động xảy ra ở hầu hết các địa phương; công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách về BHYT chưa được nhận thức đúng mức, do đó hiệu quả tuyên truyền chưa cao. So với chỉ tiêu mà Nghị quyết đề ra, thì việc thực hiện đã đạt và vượt mục tiêu, những nội dung đạt và vượt đa số là khu vực dùng ngân sách, còn người dân tự đóng thì tăng thấp. Bên cạnh đó, việc đầu tư, nâng cấp trạm y tế xã vẫn còn nhiều vướng mắc, nếu Chính phủ không có định hướng đầu tư rõ ràng thì khó có thể đạt được mục tiêu này vào năm 2020; quá tải ở khu vực ngoại trú còn cao. Ngoài ra, công tác tuyên truyền về các lĩnh vực của ngành y còn chưa đồng bộ và toàn diện, nội dung và hình thức tuyên truyền chưa phong phú, hấp dẫn, tác động chưa mạng đến nhận thức của người dân, người lao động và lãnh đạo doanh nghiệp.

Do đó, Ủy ban đề nghị Chính phủ, cụ thể là Bộ Y tế xác định rõ nhiệm vụ để tập trung phát triển BHYT; triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối dữ liệu trong quản lý và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT để người dân tham gia và hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT; đổi mới cơ chế tài chính và phương thức; nâng cao y đức, chuyên môn nghiệp vụ của y sĩ, bác sĩ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về BHYT tới toàn dân. Đồng thời đề nghị các địa phương tăng cường đầu tư ngân sách cho việc thực hiện chính sách, pháp luật về khám chữa bệnh và bảo hiểm y tế, nhất là đầu tư cho trạm y tế xã ở vùng có điều kiện kinh tế- xã hội toàn dân.

Kết luận nội dung làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh đề nghị Bộ Y tế tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp; phối hợp hiệu quả với các Bộ, ngành có liên quan để hoàn thành tốt các mục tiêu mà Nghị quyết 68/2013/QH13 đã đề ra. Trên cơ sở các ý kiến thảo luận, Ủy ban về các vấn đề Xã hội sẽ hoàn thiện các báo cáo một cách kỹ lưỡng về nội dung và kỹ thuật văn bản để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội trong phiên họp tới./.

Theo baohiemxahoi.gov.vn

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.