BHXH tự nguyện: “Của để dành” cho người lao động tự do

Chính sách BHXH nói chung và BHXH tự nguyện nói riêng có ý nghĩa rất lớn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho những người lao động tự do khi tuổi về già. Hiểu được ý nghĩa nhân văn sâu sắc đó, nhiều năm qua, BHXH Hà Nội đã yêu cầu cơ quan BHXH các quận, huyện trên địa bàn tăng cường tuyên truyền, vận động người lao động tự do tham gia BHXH tự nguyện. Nhờ đó, tỷ lệ người dân tham gia BHXH tự nguyện tại các quận, huyện ngày càng gia tăng.

Đẩy mạnh hoạt động tư vấn trực tiếp

Nhiều năm nay, BHXH Hà Nội luôn đề cao vai trò của việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Do đó, BHXH thành phố đã chỉ đạo các quận, huyện đẩy mạnh hoạt động tư vấn trực tiếp để người dân hiểu rõ về ý nghĩa của BHXH tự nguyện mang lại. Qua những đợt tuyên truyền tập trung cùng với sự nỗ lực hết mình của cán bộ ngành bảo hiểm, tỷ lệ người dân tham gia BHXH tự nguyện tại các quận, huyện tăng lên rõ rệt. Điều đó càng thể hiện vai trò, tính nhân văn sâu sắc của ngành BHXH trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe toàn dân.

Tại quận Tây Hồ (Hà Nội), hoạt động tuyên truyền, tư vấn người lao động tự do tham gia BHXH được coi là hoạt động thường niên do BHXH quận phối với cơ quan Bưu điện và UBND các phường tổ chức. Trong các buổi tuyên truyền trực tiếp với người lao động, đại diện cơ quan BHXH quận và đại lý thu bưu điện đã tư vấn giải đáp cụ thể các thủ tục tham gia, tỷ lệ đóng, phương thức đóng, mức đóng – mức hưởng, tỷ lệ hỗ trợ của nhà nước dành cho người lao động.

Với cách tiếp cận trực tiếp với người dân như vậy, bước đầu đã tạo được niềm tin của nhân dân về chính sách BHXH tự nguyện. Bên cạnh đó, cơ quan BHXH quận và Bưu điện trung tâm 1 cũng triển khai các hình thức tuyên truyền như: Phát tờ rơi, băng rôn, áp phích nhằm cung cấp thông tin kịp thời đến người lao động.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc BHXH quận Tây Hồ cho biết: Hoạt động tư vấn, giải đáp chính sách trực tiếp tới người dân. Do vậy, thu hút được sự quan tâm của người lao động đồng thời là dịp người dân được nắm bắt rõ nét hơn về sự cần thiết và lợi ích của việc tham gia BHXH tự nguyện. Thời gian tới, BHXH quận Tây Hồ sẽ tăng cường phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên quận xây dựng kế hoạch tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng.

“Trong các buổi tư vấn trực tiếp, cơ quan BHXH sẽ niêm yết công khai tên cán bộ tư vấn, số điện thoại đại lý thu để nâng cao chất lượng phục vụ người lao động. Tạo mọi điều kiện phù hợp để người dân có thể tiếp cận BHXH tự nguyện. Đồng thời, BHXH quận cũng sẽ kiến nghị với cơ quan chức năng tại địa phương để thực hiện tuyên truyền lồng ghép nội dung BHXH tự nguyện trong các cuộc họp tổ dân phố, tại các khu chợ… Giúp người lao động hiểu được tính ưu việt của BHXH tự nguyện để chủ động tham gia”, ông Nguyễn Thanh Tùng nhấn mạnh.

Còn tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội), bên cạnh việc tổ chức các hội nghị tuyên truyền chính sách về BHXH tự nguyện tới người dân, cơ quan BHXH huyện còn giới thiệu, phổ biến các nội dung về chính sách BHXH tự nguyện đồng thời có những ví dụ minh họa cụ thể gắn liền với cuộc sống đối với các chế độ và quyền lợi được hưởng. Tại các hội nghị, ý kiến của người dân luôn được đại diện BHXH huyện giải đáp thỏa đáng, rõ ràng. Đặc biệt, sau khi kết thúc các buổi tư vấn, nhiều người dân đã đăng ký tham gia BHXH tự nguyện luôn.

Cánh cửa an sinh rộng mở

BHXH tự nguyện là loại hình bảo hiểm do người lao động tự nguyện tham gia, được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của bản thân để hưởng các chế độ theo quy định. Người dân tham gia BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu theo quy định; được trợ cấp một lần và tử tuất; được cơ quan BHXH cấp thẻ BHYT khi nghỉ hưu và hưởng quyền lợi khám, chữa bệnh như những người tham gia BHXH bắt buộc. Đặc biệt, loại hình bảo hiểm này có nhiều ưu việt trong việc giảm bớt khó khăn, rủi ro khi về già, giúp bảo đảm thu nhập, ổn định cuộc sống cho mỗi người khi hết tuổi lao động.

Chính những lợi ích thiết thực do BHXH tự nguyện mang lại nên những năm qua, tỷ lệ người dân tham gia BHXH tự nguyện không ngừng tăng lên. Số liệu thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, tính đến thời điểm hiện tại, toàn quốc có 14,724 triệu người tham gia BHXH, trong đó gồm 14,45 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, 271 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện. Không những thế, người dân cũng yên tâm hơn khi về già được hõ trợ tiền lương hưu hàng tháng.

Chị Nguyễn Kim Hạnh (Hoài Đức, Hà Nội) trước đây làm công nhân cho một doanh nghiệp sản xuất gạch trên địa bàn huyện. Thời gian đó, chị được đóng BHXH đầy đủ. Tuy nhiên cách đây gần chục năm, do điều kiện sức khỏe và hoàn cảnh gia đình, chị Hạnh nghỉ việc về nhà mở cửa hàng bán tạp hóa. Được nhân viên đại lý BHXH tư vấn, chị Hạnh chuyển sang đóng BHXH tự nguyện. Từ đó đến nay, mặc dù đã chuyển sang làm lao động tự do nhưng chị Hạnh rất yên tâm vì mình vẫn tham gia bảo hiểm đầy đủ để khi đủ 20 năm đóng BHXH sẽ được hưởng chế độ hưu trí và có thẻ BHYT khám, chữa bệnh.

Ngoài tham gia cho mình, chị Hạnh còn quyết định đóng BHXH tự nguyện cho chồng vì hiện nay anh đang làm thợ mộc với mức công lao động 270 nghìn đồng/ngày. “Tôi nghĩ trong cuộc sống mỗi người cần chuẩn bị cho mình một nguồn thu nhập cần thiết đủ để trang trải cuộc sống. Tôi rất yên tâm khi chỉ vài năm nữa đóng đủ số năm BHXH tự nguyện. Khi đó, vợ chồng tôi sẽ có lương hưu như cán bộ nhà nước, góp phần đảm bảo cuộc sống khi không còn sức lao động nữa” – chị Hạnh chia sẻ.

Để thu hút thêm nhiều người dân và lao động tham gia BHXH tự nguyện, thời gian tới, BHXH thành phố Hà Nội cần tiếp tục chỉ đạo BHXH các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền về tính ưu Việt của BHXH tự nguyện, trong đó có những giải pháp phù hợp với đối tượng là lao động tự do và người dân khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, ngành phối hợp cùng các sở, ngành liên quan tổ chức đối thoại, trao đổi, tư vấn với người dân.

Theo quy định tại Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn số 01/2016/TT-BLĐTBXH ngày 18/2/2016 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, từ năm 2018, người dân đang đóng hoặc bắt đầu đăng ký tham gia BHXH tự nguyện được ngân sách Nhà nước hỗ trợ một phần.

Theo đó, người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn; cụ thể: Bằng 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; Bằng 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo; Bằng 10% đối với các đối tượng khác.

Thời gian hỗ trợ tối đa không quá 10 năm đóng BHXH. Mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn năm 2018 là 700.000 đồng/người/tháng. Hình thức hỗ trợ bằng cách hàng quý ngân sách Nhà nước căn cứ vào danh sách đóng BHXH tự nguyện của cơ quan BHXH để chuyển tiền đóng vào quỹ BHXH, trên cơ sở mức hỗ trợ mà người dân được hưởng, và sẽ được khấu trừ số tiền phải đóng cho cơ quan BHXH.

Theo Tuổi trẻ Thủ đô

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.