Niềm tin với Bảo Việt chính là sự phát triển bền vững vì lợi ích của cổ đông, người lao động, đối tác, khách hàng và xã hội cộng đồng
Từ niềm tin vào hòa bình, thống nhất đất nước
Sự ra đời và phát triển của Công ty Bảo hiểm Việt Nam (nay là Tập đoàn Tài chính – Bảo hiểm Bảo Việt) ban đầu gắn liền với những nhiệm vụ của Ngành Tài chính cách mạng lúc bấy giờ là đảm bảo an toàn tài sản của Nhà nước, bổ sung phúc lợi của người lao động, thúc đẩy hoạt động ngoại thương và giao thông vận tải, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, đẩy mạnh chiến tranh cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.
Ngay từ việc đặt tên gọi của Bảo Việt, với việc lựa chọn và nhấn mạnh tên công ty là “Bảo hiểm Việt Nam” hồi đó không những đã bao hàm ý nghĩa toàn quốc, mà còn thể hiện được tinh thần tự tôn dân tộc, nhất là thể hiện được ước vọng và tầm nhìn xa rộng với niềm tin hòa bình thống nhất là khi non sông thu về một mối, tên gọi Bảo hiểm Việt Nam sau khi hòa bình thống nhất sẽ vẫn có giá trị lâu bền, vẫn sử dụng được và dễ dàng cho việc giao dịch quốc tế.
Việc thành lập Bảo Việt từ năm 1964 đã nhằm thực hiện sứ mệnh đáp ứng yêu cầu bảo hiểm hàng hải phục vụ phát triển của ngành ngoại thương trong điều kiện bao vây cấm vận do chiến tranh, đề phòng và hạn chế tổn thất và xây dựng và phát triển Quỹ bảo hiểm Nhà nước, góp phần nâng cao phúc lợi đời sống nhân dân.
Truyền thống vàng của Bảo Việt là sự đoàn kết. Bảo Việt khởi đầu từ sự đoàn kết, từ triết lý tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống khi gặp rủi ro tổn thất. Bảo Việt từng bước trưởng thành, vượt qua khó khăn, thành công nối tiếp thành công trong kinh doanh, phục vụ sản xuất cũng từ định hướng phát huy truyền thống, niềm tin và triết lý cao đẹp đó.
Bảo Việt đã đặc biệt chú trọng công tác tuyển dụng, đào tạo cán bộ ngay từ những ngày đầu thành lập. Do công tác bảo hiểm liên quan đến chính sách đối ngoại của Nhà nước, nên mọi cán bộ của Công ty đều ra sức phấn đầu rèn luyện chuyên môn, vững vàng về tư tưởng chính trị. Đến năm 1975, số cán bộ của Công ty đã lên tới 30 người.
Điểm chung giữa các cán bộ Bảo Việt ngay từ khi mới thành lập là ý thức rõ rệt về sứ mệnh vẻ vang của mình; họ thực sự cầu thị, không quản ngại khó khăn gian khổ, say mê, chu đáo với công việc được giao, nhanh chóng nhập cuộc, thu nhận những tri thức, kinh nghiệm làm bảo hiểm phong phú, lâu đời của các nước (Anh, Mỹ, Trung Quốc, Hungari, Tây Đức, Liên Xô…), đề cao việc tự học ngoại ngữ, tự đào tạo nghiệp vụ chuyên môn, từng bước trang bị kiến thức cơ bản về các lĩnh vực liên quan như ngoại thương, ngân hàng, giao thông vận tải, thống kê, pháp luật…
Hồi ấy, hầu như ai cũng có cuốn sổ tay nghiệp vụ của riêng mình, ghi chép tỉ mỉ, chi tiết nội dung các buổi học tập chuyên đề, trao đổi thông tin với các chuyên gia nước ngoài. Học lý thuyết đến đâu, cán bộ Bảo Việt xem xét, lựa chọn vận dụng vào thực tiễn Việt Nam đến đó. Người Bảo Việt vừa học vừa làm nghiệp vụ; vừa tiếp thu tri thức mới, vừa tìm tòi, ấp ủ, xây dựng chiến lược hoạt động kinh doanh trước mắt và lâu dài ở Việt Nam.
Từ chưa biết nghiệp vụ, người Bảo Việt đã tự lực thực hiện được các nghiệp vụ cơ bản của bảo hiểm hàng hóa, tàu biển và trưởng thành nhanh chóng trong thực tế, trở thành các cán bộ nòng cốt trong các công ty bảo hiểm thành viên của Bảo Việt sau này. Khó khăn thời chiến cùng với tinh thần hợp tác xã hội chủ nghĩa đã tạo ra một tập thể Bảo Việt đoàn kết, thương yêu nhau, cùng nhau xây dựng doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh, với phong cách phục vụ khách hàng nhanh chóng, thuận tiện và chu đáo, tận tình.
Khi được tiếp xúc gặp gỡ với những thế hệ cán bộ Bảo Việt đầu tiên, tinh thần ham học, tinh thần say mê với nghề nghiệp luôn toát ra một cách trẻ trung, cháy bỏng mặc dù tuổi tác và thời gian đã in đậm lên mái tóc, khóe mắt và làn da. Những tinh thần, tư tưởng này vẫn được kế thừa qua các thế hệ và đã tạo được sự khác biệt duy nhất có ở Bảo Việt so với các doanh nghiệp khác trên thị trường sau này và chính là động lực cốt lõi cho sự phát triển Bảo Việt suốt 50 năm qua.
Trước 1975, do hoạt động trong điều kiện khó khăn của thời chiến, việc xây dựng logo (thời bấy giờ còn gọi là phù hiệu) mặc dù đã được nhắc đến, song chưa trở thành yêu cầu bức thiết đối với Bảo Việt. Việc xây dựng logo đầu tiên của Bảo Việt, ngay từ thời đó gắn liền với mục tiêu tạo dựng hình ảnh, khẳng định thương hiệu, thúc đẩy việc quảng bá, tuyên truyền hình ảnh Bảo Việt trong nước và trên thị trường bảo hiểm thế giới.
Khi kỷ niệm 10 năm thành lập Bảo Việt, yêu cầu về xây dựng logo đã trên được đặt lên vai ông Trịnh Doanh (sau này là Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 1996-2001). Sau một thời gian làm việc với một lòng say mê hiếm có, logo đầu tiên của Bảo Việt đã được đưa vào sử dụng với hình ảnh quả cầu tượng trưng cho hoạt động đối ngoại, hoạt động quốc tế của Bảo Việt với mục tiêu mở rộng quan hệ thương mại quốc tế, phát triển năng lực cạnh tranh trong phạm vi toàn cầu. Các hình ảnh tàu thủy, hàng không, bánh răng cưa tượng trưng cho các nghiệp vụ bảo hiểm.
Về ý nghĩa phối hợp màu sắc của logo thì màu vàng trong biểu trưng thể hiện sự giàu có, với niềm tin Bảo Việt luôn là người bạn giúp khách hàng may mắn, sung túc, thịnh vượng trong cuộc sống, đồng thời gửi thông điệp tới khách hàng: có thể tin tưởng vào khả năng tài chính vững chắc của Bảo Việt. Màu trắng thể hiện cam kết về trách nhiệm đạo đức nghề nghiệp của Bảo Việt đối với khách hàng và đối tác. Màu xanh hòa bình thể hiện mục đích kinh doanh Bảo Việt là đảm bảo sự bình yên cho khách hàng trước những rủi ro. Đã có thời kỳ, các phương tiện giao thông đã được bắt buộc phải gắn logo của Bảo Việt thì mới được lưu hành như một bằng chứng đảm bảo sự tin tưởng khi tham gia giao thông.
Sau này, tới khi kỷ niệm 45 năm ngày thành lập, Bảo Việt đã tiếp tục thay đổi logo truyền thống sang logo với dòng chữ BAOVIET và quả cầu vàng để tiếp tục thể hiện những định hướng chiến lược phát triển mới của Bảo Việt là tiếp tục kế thừa các giá trị và sứ mệnh truyền thống và thể hiện được tính chuyên nghiệp, hiện đại, công nghệ cao và quốc tế hóa trong hoạt động kinh doanh cũng như một tuyên bố về sự chuyển đổi từ hoạt động kinh doanh của một công ty bảo hiểm sang một tập đoàn tài chính-bảo hiểm. Thương hiệu của Bảo Việt, theo một tổ chức nghiên cứu quốc tế khảo sát năm 2013, là thương hiệu số 1 trên thị trường bảo hiểm Việt Nam.
Bảo Việt hiện nay đang phục vụ khoảng 12 triệu khách hàng một năm, tương đương với gần 15% dân số của Việt Nam. Đây là một sứ mệnh an sinh có tầm ảnh hưởng quốc gia đang được thực hiện bởi một công ty bảo hiểm. Để thực hiện sứ mệnh này, Bảo Việt đã liên tục có những bước đột phá để phát triển và mở rộng mạng lưới phục vụ, cung cấp đa dạng các sản phẩm dịch vụ.
Có thể kể đến những bước phát triển đầu tiên khi mở rộng mạng lưới từ việc thành lập chi nhánh đầu tiên tại Hải Phòng (1965), tiếp quản hệ thống bảo hiểm miền Nam (1975), mở rộng phát triển mạng lưới qua thành lập Bảo Việt Đà Nẵng (1977), Bảo Việt Vũng Tàu (1978), Bảo Việt Nghĩa Bình (nay là Bình Định, 1979), Bảo Việt Quảng Ninh (1980), Bảo Việt Hà Nội và Bảo Việt Phú Khánh (1980). Việc thành lập các “Bảo Việt tại các tỉnh” tiếp tục mở rộng và lan rộng. Có thể nói, tới năm 1995, Bảo Việt đã hiện diện trên hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước. Việc mở rộng mạng lưới là điều kiện tiền đề cơ bản để Bảo Việt có thể đưa được dịch vụ bảo hiểm với một chất lượng bảo đảm tới mọi tỉnh, thành phố trên cả nước.
Song song với mở rộng mạng lưới toàn quốc, Bảo Việt cũng tập trung vào phát triển các sản phẩm dịch vụ bảo hiểm. Bắt đầu từ bảo hiểm hàng hải truyền thống, Bảo Việt đã mở rộng các nghiệp vụ bảo hiểm hàng không (1976), bảo hiểm dầu khí (1979), bảo hiểm xe tự động (1978), bảo hiểm tai nạn hành khách (1980), bảo hiểm nông nghiệp (1982), bảo hiểm vật chất và trách nhiệm dân sự chủ thuyền (1986), bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới (1988), bảo hiểm vật chất xe cơ giới (1991), bảo hiểm du lịch (1993), bảo hiểm học sinh (1991-1992), bảo hiểm trợ cấp nằm viện và phẫu thuật (1993), bảo hiểm công trình xây dựng (1994). Cứ như vậy, Bảo Việt đã liên tục là doanh nghiệp tiên phong phát triển các loại sản phẩm đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế xã hội. Tới nay, Bảo Việt đã có danh mục sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ đa dạng nhất, với gần 100 loại sản phẩm và dịch vụ.
Tới năm 1996, một bước ngoặt trong sự phát triển của Bảo Việt đó là Bảo Việt đã nghiên cứu đón đầu và phát triển bảo hiểm nhân thọ, một loại hình bảo hiểm nhiều tiềm năng và hoàn toàn mới mẻ tại Việt Nam. Sự phát triển của bảo hiểm nhân thọ ban đầu còn gắn với hệ thống của bảo hiểm phi nhân thọ, nhưng sau đó đã được tách ra hạch toán độc lập (2003) như một doanh nghiệp nhà nước độc lập trực thuộc Tổng công ty với hệ thống 61 đơn vị phụ thuộc chuyên kinh doanh bảo hiểm nhân thọ tại tất cả các tỉnh và thành phố trên toàn quốc. Tới nay, Bảo Việt Nhân thọ với hệ thống đại lý khoảng 50.000 người và mạng lưới toàn quốc đã góp phần đưa các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ tới mọi người dân.
Không chỉ là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực bảo hiểm, Bảo Việt còn xác định sứ mệnh của mình trong phục vụ nhu cầu tài chính đa dạng của khách hàng. Bảo Việt là doanh nghiệp thành lập công ty chứng khoán đầu tiên tại Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư chứng khoán của khách hàng. Tiếp sau đó, Bảo Việt đã tiếp tục thành lập Công ty Quản lý quỹ Bảo Việt, góp vốn thành lập Ngân hàng Bảo Việt, Công ty Đầu tư Bảo Việt. Các mảng dịch vụ tài chính, đầu tư này của Bảo Việt ngày càng chiếm vai trò quan trọng trong đáp ứng nhu cầu tài chính đa dạng của khách hàng.
Niềm tin góp phần kiến tạo và phát triển thị trường tài chính-bảo hiểm Việt Nam
Trong giai đoạn từ năm 1965 tới 1993 là giai đoạn Bảo Việt thực hiện vai trò của bảo hiểm nhà nước do Bảo Việt là doanh nghiệp bảo hiểm nhà nước duy nhất của ngành tài chính Việt Nam. Do vậy, có thể nói vai trò, hoạt động của Bảo Việt trong giai đoạn này cũng là vai trò, hoạt động của ngành bảo hiểm Việt Nam trong phục vụ đời sống kinh tế quốc dân.
Mặc dù là một doanh nghiệp nhà nước, Bảo Việt đã rất năng động và liên tục đổi mới cơ chế quản lý nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh mở rộng mạng lưới phục vụ khách hàng. Ví dụ, tới năm 1993, Bảo Việt đã có tới 53 công ty trực thuộc và mạng lưới đại lý tại các tỉnh thành trên cả nước và phục vụ hơn 10 nghiệp vụ bảo hiểm truyền thống; phát triển các quan hệ tái bảo hiểm. Bảo Việt cũng đã mở rộng liên kết, liên doanh với các công ty nước ngoài như thành lập BAVINA (1992)), thành lập Inchinbrok (1993).
Ngày 18/12/1993, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định 100/CP về kinh doanh bảo hiểm, theo đó, thị trường bảo hiểm được đa dạng hóa, mở cửa, hội nhập thị trường bảo hiểm. Tuy nhiên, việc kiến tạo thị trường không đơn giản khi mà doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài thì chưa vào Việt Nam còn doanh nghiệp trong nước thì chưa có đủ kinh nghiệm để tự thành lập.
Ngày 28/11/1994, Bảo Việt tách Công ty Bảo hiểm Thành phố Hồ Chí Minh – một công ty thành viên hạch toán phụ thuộc, giữ tỷ trọng gần 15% doanh thu toàn Tổng công ty cùng toàn bộ bộ máy nhân sự lãnh đạo và nhân viên nghiệp vụ, trụ sở, phương tiện, cơ sở khách hàng truyền thống để thành lập một doanh nghiệp nhà nước mới, hạch toán độc lập với tên thương mại là Bảo Minh.
Ngày 27/9/1994, khi Bộ Tài chính quyết định thành lập Công ty Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (VINARE), Bảo Việt đã “đóng góp” 9 cán bộ chủ chốt của mình để làm trụ cột trong Công ty Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam. Tháng 11/1995, Bảo Việt cũng đã khởi xướng và cùng các cổ đông thành lập Công ty Cổ phần Bảo hiểm Nhà Rồng (tên thương mại là Bảo Long), kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ. Bảo Việt là cổ đông góp 27% vốn điều lệ với vai trò là cổ đông duy nhất có kinh nghiệm về kinh doanh bảo hiểm. Tới tháng 8/1996, Bảo Việt cũng góp vốn thành lập Công ty Liên doanh Bảo hiểm Quốc tế Việt Nam (VIA) và nắm giữ 51% (nay là Baoviet -Tokio Marine sau khi một đối tác thoái vốn).
Tới năm 1996, Bảo Việt cũng là doanh nghiệp đầu tiên kiến tạo thị trường bảo hiểm nhân thọ khi tiên phong triển khai kinh doanh bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam. Tới năm 1999, khi thị trường tài chính phát triển hơn, Bảo Việt cũng là doanh nghiệp đầu tiên tham gia kiến tạo thị trường đầu tư chứng khoán cùng việc việc thành lập Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt. Bảo Việt cũng là một trong những tổ chức tài chính đầu tiên phát triển theo mô hình tập đoàn tài chính-bảo hiểm với mô hình “siêu thị tài chính” cung cấp các dịch vụ kết hợp bảo hiểm-tài chính cho người dân.
Phát triển bền vững và giữ vững niềm tin với cổ đông, người lao động, đối tác, khách hàng và xã hội cộng đồng
Với bản lĩnh của người luôn đi tiên phong trong đổi mới và phát triển, năm 2007, Bảo Việt là một trong những doanh nghiệp đầu tiên thực hiện cổ phần hóa và đã cổ phần hóa một cách thành công với sự tham gia của cổ đông chiến lược nước ngoài. Năm 2009, Bảo Việt cũng đã thực hiện niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Việc cổ phần hóa và niêm yết trên thị trường chứng khoán đã đặt ra cho Bảo Việt những trách nhiệm mới. Đó là trách nhiệm với các cổ đông (không chỉ cổ đông Nhà nước) và trách nhiệm về tính minh bạch trong quản trị, công khai thông tin và đáp ứng lợi ích của các bên liên quan (stakeholders) và cộng đồng, bảo vệ môi trường.
Trong chiến lược phát triển bền vững, Bảo Việt khẳng định sứ mệnh “bảo đảm sự bình an, thịnh vượng và lợi ích lâu dài cho khách hàng, nhà đầu tư, người lao động và cộng đồng”. Ba yếu tố đóng vai trò nền tảng cho phát triển bền vững của Bảo Việt là tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội. Việc thực hiện mục tiêu kinh tế (đạt sự tăng trưởng bền vững về doanh thu và lợi nhuận, đóng góp vào ngân sách quốc gia qua nộp thuế, đảm bảo quyền lợi của cổ đông về cổ tức và giá trị cổ phiếu) được kết hợp với việc thực hiện các mục tiêu khác về mặt xã hội và môi trường nhằm đảo bảo sự cân bằng giữa lợi ích của các bên liên quan tới hoạt động trong hiện tại và tương lai, bảo đảm chiến lược phát triển dài hạn và bền vững của Bảo Việt.
Như vậy, có thể nói, cùng với yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới đã đặt ra những vấn đề mới về phát triển bền vững và sự phát triển bền vững này chỉ có thể có được khi Bảo Việt giữ vững được niềm tin không chỉ là cổ đông, mà còn là của các bên liên quan, xã hội đối với hoạt động của Bảo Việt.
”Thông điệp chúng tôi-Vì niềm tin các bạn”
Nhạc sỹ Nguyễn Cường, khi được mời sáng tác một ca khúc cho Bảo Việt chia sẻ: bản chất của ngành bảo hiểm, quan hệ bảo hiểm là người mua bảo hiểm tin tưởng và gửi gắm niềm tin của mình vào Bảo Việt. Họ đã thể hiện niềm tin ấy bằng việc đưa tiền cho Bảo Việt để mua một lời hứa, lời cam kết. Bảo Việt nhận tiền của khách hàng và có trách nhiệm thực hiện lời hứa và lời cam kết của mình. Với thời gian xuyên hai thiên niên kỷ, Bảo Việt đã trân trọng giữ vững niềm tin của mình ấy, đem lại hạnh phúc con người. Lời bài hát có đoạn:
“Các bạn đã trao và chúng tôi đã nhận
Mang niềm tin ấy, xuyên thiên niên kỷ chúng tôi đi
Thông điệp chúng tôi-vì niềm tin các bạn
Bảo Việt chúng tôi-vì hạnh phúc con người”
– Trích lời bài hát “Bảo Việt, Vì niềm tin các bạn”- Nhạc sĩ Nguyễn Cường
50 mươi năm qua, việc nhìn lại một chặng đường lịch sử đáng tự hào cũng là để bước sang một chặng đường mới. Niềm tin có được ngày hôm nay phải trải qua một quá trình, một sự nỗ lực, cố gắng và thử thách của lớp lớp các thế hệ Bảo Việt. Việc xây dựng được lòng tin đã khó, việc giữ vững được niềm tin còn khó hơn nhiều. Điều này tiếp tục đặt trọng trách lên vai các lãnh đạo, cán bộ của Bảo Việt hiện nay để xây dựng, phát triển doanh nghiệp dựa trên những giá trị cốt lõi của Bảo Việt là con người “giỏi chuyên môn, vững vàng về tư tưởng chính trị”, “ý thức rõ rệt về sứ mệnh của mình; thực sự cầu thị, không quản ngại khó khăn gian khổ; say mê, chu đáo với công việc được giao, nhanh chóng nhập cuộc, thu nhận những tri thức, kinh nghiệm và tri thức mới”, nhằm tiếp tục xây dựng một môi trường làm việc minh bạch, công tâm, dựa trên hiệu quả công việc, đoàn kết, chuyên nghiệp, hiện đại và tuân thủ của một đội ngũ thống nhất để kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của Bảo Việt 50 năm qua.