Bảo Hiểm Trách Nhiệm Người Thuê Tàu Phần2: Các trách nhiệm mà người thuê tàu có thể phải đối mặt

Tổn thất hoặc hư hỏng hàng hóa trên tàu

Đây là rủi ro đáng chú ý nhất đối với người thuê tàu. Trong trường hợp rủi ro này xảy ra, người thuê tàu sẽ đối mặt với trách nhiệm pháp lý dưới hai hình thức. Trước tiên, người thuê có thể bị buộc trực tiếp chịu trách nhiệm trước chủ hàng theo các quy định trong vận đơn hoặc theo luật liên quan (phụ thuộc vào nơi tai nạn xảy ra, hoặc nơi tàu hoạt động, hoặc điều khoản vận đơn), người thuê có thể bị tòa án phán quyết là “người vận chuyển” theo vận đơn. Thứ hai, người thuê tàu có thể phải chịu trách nhiệm cho hư hỏng đối với hàng hóa, do vậy người thuê phải bồi thường thay cho chủ tàu, cho chủ tàu danh nghĩa, cho bên thuê lại tàu của mình hoặc theo hợp đồng hay giấy lưu khoang.

Bên thuê định hạn thường phải bồi thường thay cho chủ tàu theo hợp đồng thuê đối với hàng hóa bị thiệt hại do lỗi của công nhân bên thuê tàu xếp hàng tồi, chằng buộc hoặc thực hiện không an toàn. Bên thuê chuyến chịu rủi ro tương tự khi họ thuê theo điều kiện FIOS. Theo Thỏa thuận Liên hội P&I Tương hỗ, cho dù có hoặc không được đưa vào Hợp đồng thuê NYPE, người thuê tàu định hạn có nghĩa vụ gánh chịu hoặc 50% hoặc 100% tổn thất hàng hóa trong một số trường hợp nhất định.

Mặc dù người thuê tàu có thể yêu cầu chủ tàu hay chủ tàu danh nghĩa hoặc bên thuê lại tàu bồi thường toàn bộ thiệt hại hàng hóa, nhưng người thuê vẫn phải đối mặt với rủi ro nếu không thể thực hiện việc thu đòi.

Thương tật cá nhân 

Theo hợp đồng thuê tàu lưu khoang hoặc ô, chuyến, trong thời gian người thuê có trách nhiệm toàn bộ hoặc một phần đối với việc trả tiền công nhân và các hoạt động xếp dỡ khác, người thuê tàu có thể sẽ phải chịu trách nhiệm về các rủi ro chết hoặc thương tật đối với những người tham gia các hoạt động đó – cho dù đó là công nhân bốc xếp, nhân viên cảng khác hoặc một thành viên thủy thủ đoàn.

Ở nhiều quốc gia, đặc biệt là ở Hoa Kỳ, tòa án sẵn sàng tuyên bố người thuê hoàn toàn chịu trách nhiệm về cái chết và thương tích cá nhân, hoặc họ có thể quyết định tuyên bố cả chủ tàu và người thuê cùng chịu trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại.

Người thuê tàu cũng có thể bị tuyên bố phải chịu trách nhiệm cho cái chết hoặc thương tích gây ra trong quá trình vận chuyển, bốc và dỡ hàng hóa nguy hiểm, đặc biệt đối với các hàng hóa có nhãn mác không chính xác.

Ô nhiễm

Thoạt nhìn, ô nhiễm dường như hoàn toàn là trách nhiệm của chủ tàu. Tuy nhiên trên thực tế, đó lại là rủi ro đáng kể cho người thuê tàu, vì trong thuê tàu định hạn nhiên liệu chạy tàu là của bên thuê tàu. Ở một số nước, quyền tài phán, luật về ô nhiễm dầu – đặc biệt là tại Hoa Kỳ – định nghĩa “người khai thác” của bên thuê tàu phải chịu các rủi ro và trách nhiệm của bên thuê tàu một cách đầy đủ rộng khắp cho cả bên thuê tàu. Do vậy, trách nhiệm trực tiếp đối với ô nhiễm dầu là một rủi ro thực sự cho người thuê tàu. Bên thuê định hạn có thể bị tuyên bố phải chịu trách nhiệm về ô nhiễm trong khi tiếp nhiên liệu, kể cả tiền phạt, nếu sự cố tràn dầu do con tàu cung cấp nhiên liệu gây ra. Người thuê tàu không nên trông cậy hoàn toàn vào việc khiếu nại chủ tàu cấp nhiên liệu bởi lẽ điều này không phải lúc nào cũng có thể thực hiện được.

Rủi ro ô nhiễm nghiêm trọng nhất đối với người thuê có thể phát sinh từ lệnh của người thuê tàu điều tàu đi tới một cảng không an toàn, nếu con tàu gặp phải một tai nạn và tràn nhiên liệu hoặc hàng hóa. Có thể kể đến như vụ tai nạn tàu dầu Aegean Sea bị mắc cạn và gãy làm đôi tại Tây Ban Nha vào năm 1992 làm tràn khoảng 74.000 tấn dầu ra biển. Chủ tàu đã khiếu nại chống lại người thuê tàu liên quan tới ô nhiễm do hàng chở trên tàu tới 65 triệu đô la Mỹ.

Thiệt hại cho thân tàu 

Trách nhiệm của người thuê tàu đối với tổn thất hay thiệt hại cho tàu thuê có thể từ các khiếu nại tương đối nhỏ xuất phát từ lỗi của công nhân bốc dỡ, tới tổn thất toàn bộ của tàu. Với các khiếu nại nghiêm trọng đối với ô nhiễm dầu, người thuê tàu có thể phải chịu trách nhiệm bồi thường cho chủ tàu đối với tổn thất toàn bộ của tàu vì yêu cầu tàu đến một cảng không an toàn. 

Một rủi ro không kém phần nghiêm trọng là tổn thất hoặc thiệt hại đối với tàu và tất cả hay một phần của hàng hóa chuyên chở, do tính chất nguy hiểm của hàng hóa mà người thuê tàu đã xếp trên tàu, cho dù là hình thức thuê tàu theo thời gian, chuyến, lưu khoang hoặc ô. Sự tự bốc cháy hàng rời, cháy hoặc nổ của hàng hoá theo IMO được xếp trong công-ten-nơ, hóa lỏng của than bùn hoặc hàng cô lỏng là những ví dụ về các nguyên nhân gây thương vong gần đây liên quan đến thiệt hại nghiêm trọng hoặc tổn thất của tàu thuê. Người thuê có thể bị tuyên bố phải chịu trách nhiệm bồi thường cho chủ tàu đối với việc đã xếp/vận chuyển hàng nguy hiểm, và sau đó không thể thực thi các quyền truy đòi đối với người xếp hàng.

Thiệt hại cho máy móc của tàu do bên thuê tàu sử dụng nhiên liệu kém chất lượng cũng có thể là nguyên nhân dẫn tới khiếu nại đáng kể cho người thuê tàu.

Phạt tiền 

Nói chung, bên thuê đối mặt với các rủi ro bị phạt tiền đối với hàng hóa ở chừng mực tương tự như khiếu nại đối với hàng hóa tổn thất, hư hỏng. Phạt tiền cũng có thể là một phần của khiếu nại đòi bồi thường của chủ tàu hoặc chủ tàu danh nghĩa hoặc bên thuê lại tàu chống lại người thuê tàu.

Tổn thất chung, cứu hộ và phí đặc biệt 

Bên thuê tàu định hạn sẽ đề nghị đặt tài sản riêng của mình lên tàu dưới hình thức nhiên liệu, công-ten-nơ không phải là hàng hóa và các thiết bị khác như thiết bị chằng buộc.

Vì thế, người thuê có thể phải đối mặt với nguy cơ đóng góp tổn thất chung hoặc trả chi phí cứu hộ và các chi phí đặc biệt đối với tài sản đó trên tàu nếu con tàu gặp nạn. Bởi lẽ việc thu đòi từ chủ tàu các khoản đóng góp hoặc chi phí kể trên có thể không thực hiện được do quy định tại các điều khoản ngăn ngừa trong hợp đồng thuê tàu.

Chi phí pháp lý và các chi phí liên quan 

Cho dù người thuê tàu có thể tránh được trách nhiệm cuối cùng đối với những rủi ro nêu trên, song việc gánh chịu các chi phí pháp lý và các chi phí khác trong việc tự bảo vệ mình trước các khiếu nại là không tránh khỏi. Đối với những sự cố tai nạn lớn liên quan đến tử vong hoặc thương tích cá nhân nghiêm trọng, làm thiệt hại nghiêm trọng đến hàng hóa, gây ô nhiễm hay tổn thất hoặc thiệt hại nghiêm trọng cho tàu, các chi phí pháp lý và chi phí có liên quan sẽ là rất đáng kể.

Bên thuê tàu thường bị tuyên bố họ tham gia vào mối quan hệ hợp đồng trong kinh doanh con tàu nhiều hơn chủ tàu.

Sẽ có ít nhất một hợp đồng thuê tàu, bởi có thể là hai hợp đồng nếu tàu được cho thuê lại. Ngoài ra còn có các hợp đồng bốc xếp, giấy lưu khoang, vận đơn hoặc giấy gửi hàng, thỏa thuận đại lý… Số hợp đồng càng nhiều sẽ tiềm tàng rủi ro càng lớn đối với các tranh chấp giữa người thuê và các bên trong hợp đồng. Cách giải quyết tranh chấp bằng luật pháp hay dưới hình thức khác có thể đòi hỏi các khoản phí đáng kể, đặc biệt nếu khiếu nại giữa người thuê, chủ tàu và chủ tàu danh nghĩa hoặc bên thuê lại tàu có liên quan.

TÓM LẠI

Ngành vận tải biển đang đứng trước thực tế là môi trường trách nhiệm ngày càng trở nên khó lường, đồng thời hoạt động của ngành này đang trở nên khó điều tiết hơn bao giờ hết, đặc biệt trong lĩnh vực an toàn và ô nhiễm. Hình phạt và chi phí áp dụng đối với thiệt hại ô nhiễm môi trường đã tăng lên không chỉ ở Mỹ mà trên phạm vi toàn thế giới. Mức bồi thường cho rủi ro chết và thương tật cũng tăng cao. Bên cạnh đó, chế độ trách nhiệm đối với vận chuyển đường biển đã trở nên chặt chẽ hơn và các cơ hội cho các nhà khai thác tàu – đặc biệt là người thuê – để giới hạn trách nhiệm của họ theo luật thích hợp đã giảm. Vì vậy, bên thuê tàu theo thời gian, chuyến, lưu khoang và ô đối mặt rủi ro đang ngày càng tăng, dù là trực tiếp đối với bên thứ ba hoặc thông qua trách nhiệm và bồi thường theo hợp đồng. Trong một số trường hợp, các rủi ro và trách nhiệm này đủ lớn để làm suy yếu hoặc phá hủy năng lực tài chính của ngay cả những người thuê tàu có nền tảng tài chính vững chắc nhất. Đó chính là lý do tại sao ngày càng có nhiều người thuê tàu nhận ra sự cần thiết phải được bảo vệ bằng các giải pháp bảo hiểm./.

Hết.

Kỹ sư Hàng hải: Nguyễn Duy Luyến

Trưởng phòng Bảo hiểm Hàng hải QBE Việt Nam.

Bảo Hiểm Bảo Việt

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.