Câuhỏi 292: Căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của các Hãng hàng không đối với thiệt hại của hành khách và người thứ ba khác ?
Trả lời:
Việc xác định trách nhiệm bồi thường của các hãng hàng không căn cứ vào các nguồn luật quốc tế như Công ước Vacsava, nghị định thư Lahay… và nguồn luật quốc gia như: Luật hàng không dân dụng Việt nam. Các nguồn luật một mặt quy kết trách nhiệm bồi thường của các hãng hàng không trong các trường hợp khác nhau, mặt khác cho phép các hãng hàng không được phép giới hạn trách nhiệm bồi thường đối với những loại thiệt hại nhất định. Chẳng hạn, theo Luật hàng không dân dụng của CHXHCN Việt nam, có những điểm đáng chú ý sau:
– Mức bồi thường của người vận chuyển đối với mất mát, thiếu hụt, hư hỏng hàng hóa, hành lý được tính như sau:
+ Theo thỏa thuận giữa các bên nhưng không vượt quá giá trị thực tế
+ Theo mức giá trị đã kê khai của việc nhận hàng hóa, hành lý ký gửi tại địa điểm đến. Trường hợp người vận chuyển chứng minh được giá trị kê khai cao hơn giá trị thực tế thì mức bồi thường tính theo giá trị thực tế
+ Theo giá trị thiệt hại thực tế của hàng hóa, hành lý ký gửi không kê khai giá trị
+ Theo mức giá trị thiệt hại thực tế đối với hành lý xách tay
– Trong trường hợp hàng hóa hành lý ký gửi không kê khai giá trị mà bị mất mát, thiếu hụt, hư hỏng và không xác định được giá trị thiệt hại thực tế thì mức bồi thường của người vận chuyển được tính đến mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại, quy định như sau:
+ Đối với vận chuyển hành khách, mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của hành khách là 100.000 đơn vị tính toán cho mỗi hành khách. Người vận chuyển chỉ được hưởng mức giới hạn trách nhiệm trong trường hợp chứng minh được rằng thiệt hại xảy ra không phải do lỗi của mình hoặc hoàn toàn do lỗi của bên thứ ba
+ Đối với vận chuyển hành khách, mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vận chuyển chậm là 4150 đơn vị tính toán cho mỗi hành khách
+ Đối với vận chuyển hành lý bao gồm cả hành lý ký gửi và hành lý xách tay, mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do mất mát, thiếu hụt, hư hỏng hoặc do vận chuyển chậm là 1000 đơn vị tính toán cho mỗi hành khách
+ Đối với vận chuyển hàng hóa, mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do mất mát, thiếu hụt, hư hỏng hoặc do vận chuyển chậm là 17 đơn vị tính toán cho mỗi kg hàng hóa
Đơn vị tính toán là đơn vị tiền tệ do Quỹ tiền tệ quốc tế xác định – Quyền rút vốn đặc biệt, được chuyển đổi sang đồng Việt nam theo tỷ giá chính thức do Ngân hàng nhà nước Việt nam công bố tại thời điểm thanh toán.
Câu hỏi 293: Bảo hiểm TNDS của Hãng hàng không đối với hành khách, hành lý, hàng hóa và tư trang của hành khách chịu trách nhiệm đối với những thiệt hại, chi phí nào?
Trả lời:
Đây là loại bảo hiểm TNDS theo hợp đồng vận chuyển hành khách của các Hãng hàng không. Trách nhiệm bồi thường của bảo hiểm nói chung gắn liền với trách nhiệm của người vận chuyển hàng không được điều chỉnh bởi các nguồn luật tương thích. Cụ thể, bảo hiểm chịu trách nhiệm đối với:
- Những khoản tiền mà người dược bảo hiểm phải bồi thường theo chế độ TNDS do:
– Gây thương vong cho hành khách khi họ đang ở trong máy bay hoặc đang lên xuống máy bay
– Làm mất hoặc hư hỏng hành lý, hàng hóa trong quá trình vận chuyển và bảo quản theo phiếu hành lý hoặc theo vận đơn do người được bảo hiểm phát hành
– Mất, hư hỏng tư trang, hành lý xách tay do hành khách tự bảo quản trong quá trình vận chuyển (chỉ bồi thường trong trường hợp máy bay vị tổn thất toàn bộ)
2. Án phí dân sự và các chi phí cần thiết hợp lý khác đã được người bảo hiểm thỏa thuận bằng văn bản
- Chi phí giám định tổn thất thuộc trách nhiệm bảo hiểm
Câu hỏi 294: Bảo hiểm TNDS của hãng hàng không đối với hành khách, hành lý, hàng hóa và tư trang của hành khách không chịu trách nhiệm trong những trường hợp nào?
Trả lời:
Bên cạnh những loại trừ chung áp dụng chung cho bảo hiểm thân máy bay và bảo hiểm TNDS Bảo hiểm TNDS của đối với hành khách, hành lý, hàng hóa và tư trang của hành khách không có trách nhiệm bồi thường đối với:
– Tổn thất về người và tài sản của người được bảo hiểm hoặc bên cùng tham gia kinh doanh với người được bảo hiểm khi những người này đang thi hành nhiệm vụ của họ đối với người được bảo hiểm
– Tổn thất về người và tài sản của nhân viên tổ bay khi họ đang làm nhiệm vụ trên máy bay
Câu hỏi 295: Bảo hiểm TNDS của hãng hàng không đối với người thứ ba chịu trách nhiệm đối với những thiệt hại, chi phí nào?
Trả lời:
Đây là loại bảo hiểm TNBT thiệt hại ngoài hợp đồng của người vận chuyển hàng không nên DNBH chịu trách nhiệm đối với:
– Những khoản tiền mà người dược bảo hiểm phải bồi thường theo chế độ TNDS do:
+ Gây thương vong cho người thứ ba
+ Làm hư hỏng, thiệt hại tài sản của người thứ ba do máy bay hoặc bất kỳ một người, vật thể nào từ trên máy bay rơi xuống gây ra
+ Mất, hư hỏng tư trang, hành lý xách tay do hành khách tự bảo quản trong quá trình vận chuyển (chỉ bồi thường trong trường hợp máy bay bị tổn thất toàn bộ).
– Án phí dân sự và các chi phí cần thiết hợp lý khác đã được người bảo hiểm thỏa thuận bằng văn bản
– Chi phí giám định tổn thất thuộc trách nhiệm bảo hiểm
Câu hỏi 296: Bảo hiểm TNDS của hãng hàng không đối với người thứ ba không chịu trách nhiệm trong những trường hợp nào?
Trả lời:
Bên cạnh những loại trừ chung áp dụng chung cho bảo hiểm thân máy bay và bảo hiểm TNDS, Bảo hiểm TNDS đối với người thứ ba có quy định:
1. Bảo hiểm TNDS đối với người thứ ba không có trách nhiệm bồi thường đối với:
– Tổn thất về người và tài sản của người được bảo hiểm hoặc bên cùng tham gia kinh doanh với người được bảo hiểm khi những người này đang thi hành nhiệm vụ của họ đối với người được bảo hiểm
– Tổn thất về người và tài sản của nhân viên tổ bay khi họ đang làm nhiệm vụ trên máy bay
– Tổn thất về người và tài sản xảy ra đối với hành khách khi họ đang ở trong máy bay hoặc lên xuống máy bay
– Tổn thất hoặc hư hỏng xảy ra đối với bất kỳ tài sản nào thuộc quyền quản lý và sở hữu của người được bảo hiểm
- Người bảo hiểm không chịu trách nhiệm đối với những khiếu nại phát sinh trực tiếp hoặc gián tiếp từ những hiện tượng sau:
– Tiếng động, sự chấn động âm thanh, nổ do kích sóng đột biến khi máy bay vượt tốc độ tiếng động và bất kỳ rủi ro nào khác gắn liền với những hiện tượng nói trên
– Ô nhiễm và tất cả các loại nhiễm bẩn
– Nhiễu sóng điện và sóng điện từ
– Những trở ngại trong việc sử dụng tài sản
Trừ những trường hợp nói trên là hậu quả của tai nạn bất ngờ như máy bay rơi, cháy, nổ, đâm va hoặc một tình trạng khẩn cấp được ghi nhận của máy bay trong khi bay.
Bảo Hiểm Bảo Việt