Nằm trong Chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, thí điểm bảo hiểm thủy sản tại đồng bằng sông Cửu Long là một trong những giải pháp tài chính hỗ trợ khá hiệu quả cho những hộ sản xuất – kinh doanh trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, chương trình đang có nguy cơ phải dừng lại vì nhiều lý do, trong đó, lý do nổi bật nhất vẫn là loại hình bảo hiểm này rủi ro quá cao, khiến các doanh nghiệp bảo hiểm đang nhận thí điểm “chịu không thấu”.
Số liệu thống kê tới tháng 5/2013 của Cục Quản lý, giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho thấy, số tiền mà các doanh nghiệp bảo hiểm đã đền bù cho người nuôi trồng thủy sản là 511,1 tỷ đồng. Trong đó, riêng Tổng CTCP Tái bảo hiểm Quốc gia (Vinare) và Tập đoàn Bảo hiểm Thụy Sĩ (Swiss Re), doanh nghiệp được Chính phủ chỉ định nhiệm vụ tái bảo hiểm nông nghiệp đã phải chịu một khoản lỗ lên tới 462 tỷ đồng. Do số lượng và tỷ lệ bồi thường bảo hiểm thủy sản năm 2012 khá lớn, các doanh nghiệp bảo hiểm gốc gặp rất nhiều khó khăn trong công tác thu xếp tái bảo hiểm trong năm 2013.
Theo đại diện Tổng CTCP Bảo Minh, chỉ tính riêng trên địa bàn tỉnh Cà Mau, đã có 812/1.932 hợp đồng (tương đương 42%) phát sinh thiệt hại và doanh nghiệp đã tiến hành bồi thường 460 hợp đồng, với số tiền 28 tỷ đồng. Hiện vẫn còn 130 hồ sơ phát sinh chưa thẩm định kịp, 222 trường hợp còn lại mới nhận được thông tin tổn thất, chưa có hồ sơ. Rủi ro của bảo hiểm thủy sản quá cao, khiến Tổng công ty phải chỉ đạo các đơn vị thành viên siết chặt công tác thẩm định, đánh giá rủi ro trước, trong và sau khi tiến hành ký hợp đồng bảo hiểm thủy sản, theo nguyên tắc làm tới đâu, chắc tới đó. Thậm chí, ở một địa bàn tại tỉnh Cà Mau, sau khi thẩm định, thấy nguy cơ rủi ro quá lớn, Tổng công ty đã quyết định không ký hợp đồng bảo hiểm tiếp với những hộ nuôi trồng thủy sản ở đây.
“Nguyên tắc cơ bản của bảo hiểm là phải đánh giá rủi ro trước khi nhận bảo hiểm. Bảo Minh chỉ tiếp tục nhận bảo hiểm khi đánh giá tình hình dịch bệnh đã hết và các hộ nuôi tuyệt đối tuân thủ lịch xuống giống do cơ quan có thẩm quyền quy định”, ông Hồ Hải Đăng, Phó giám đốc phụ trách bảo hiểm nông nghiệp của Bảo hiểm Bảo Minh chia sẻ.
Đại diện các doanh nghiệp bảo hiểm đang thí điểm loại hình bảo hiểm này cũng thừa nhận, sau một thời gian thí điểm, bảo hiểm nông nghiệp, đặc biệt là bảo hiểm thủy sản đã nảy sinh nhiều vấn đề. Không chỉ về sản phẩm, mà chính sách đối với loại hình bảo hiểm này cũng cần tiếp tục hoàn thiện.
“Vì đang trong giai đoạn thí điểm sản phẩm bảo hiểm này, nên chúng ta phải vừa làm vừa sửa. Tuy nhiên, khi nhận thấy có những lỗ hổng và cần phải sửa lại một số điều khoản quy tắc bảo hiểm cho hợp lý, hợp lệ, nhiều hộ nuôi trồng thủy sản lại không chịu. Họ không chịu hiểu rằng đây chỉ là chương trình thí điểm”, đại diện một công ty bảo hiểm cho biết.
Cùng với những rủi ro lớn từ thời tiết, dịch bệnh, vấn đề trục lợi đã xuất hiện và nhiều hộ dân nuôi trồng thủy sản không chấp nhận việc sửa lại điểu khoản quy tắc bảo hiểm, các doanh nghiệp bảo hiểm còn phải đối mặt với tình trạng khó khăn về dòng tiền, không đủ nguồn để xử lý bồi thường do quá trình tái bảo hiểm kéo dài, phần phí bảo hiểm do ngân sách nhà nước hỗ trợ vẫn chưa giải ngân hết.
“Nếu chương trình tái bảo hiểm không thu xếp được thì doanh nghiệp cũng không thể mạo hiểm ký hợp đồng với người nuôi”, đại diện Bảo Minh cho biết.
Dù luôn xác định đây là một nhiệm vụ chính trị của doanh nghiệp, gắn kinh doanh với hỗ trợ người nông dân, nhưng doanh nghiệp bảo hiểm cũng không thể “nhắm mắt” chấp nhận rủi ro cao, thua lỗ khi cung cấp bảo hiểm thủy sản, làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh chung. Tiến thoái lưỡng nan đang là tình cảnh chung của các doanh nghiệp thí điểm bảo hiểm thủy sản.