Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán xung quanh phản ánh này, đại diện Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Minh, một trong những doanh nghiệp bảo hiểm được triển khai bán bảo hiểm cho tàu đánh bắt hải sản xa bờ theo Nghị định 67/2014 của Chính phủ cho biết, hiện mới chỉ có Nghị quyết của Chính phủ đồng ý kéo dài thời gian thực hiện Nghị định 67 đến hết năm 2017, nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể (bằng Nghị định, thông tư), do vậy, Bảo Minh chưa thể triển khai.
“Bảo Minh không chỉ dừng triển khai bán bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67 ở Khánh Hòa, mà cũng đã dừng bán bảo hiểm theo hình thức này tại 28 tỉnh, thành phố”, đại diện Bảo Minh khẳng định.
Cũng theo vị này, thực tế, việc bán bảo hiểm thân tàu cho những ngư dân có nhu cầu vẫn được giải quyết. Ngư dân có nhu cầu bảo hiểm có thể tham gia loại hình bảo hiểm tàu cá thương mại của các công ty bảo hiểm.
Theo một số chuyên gia trong ngành, nghiệp vụ bảo hiểm tàu cá là một trong những nghiệp vụ bảo hiểm khó, tiềm ẩn rủi ro cao và khó kiểm soát, vì vậy, cơ quan quản lý cũng phải chọn lựa các doanh nghiệp bảo hiểm đứng đầu thị trường về năng lực tài chính, doanh thu, mạng lưới khai thác, nhân sự và kinh nghiệm bảo hiểm khi triển khai quy định này.
Thực tế, tỷ lệ bồi thường cho bảo hiểm tàu cá của các doanh nghiệp cũng tương đối cao. Chẳng hạn như tại Bảo Minh, tỷ lệ bồi thường với nghiệp vụ bảo hiểm tàu cá năm 2016 theo Nghị định 67 lên tới 98,03%, tỷ lệ bồi thường tàu cá ngoài Nghị định 67 là 48,35% và tỷ lệ bồi thường chung cho tàu cá là 90,18%.
“Tỷ lệ bồi thường này chứng tỏ tổn thất của tàu cá theo Nghị định 67 quá cao so với tàu cá thông thường. Với tỷ lệ tổn thất này, Bảo Minh và các doanh nghiệp đồng bảo hiểm bị lỗ gần 30%. Nếu tiếp tục triển khai chính sách này, chúng tôi cho rằng, cần tăng phí hoặc thu hẹp phạm vi bảo hiểm”, đại diện Bảo Minh cho biết.
Để việc triển khai bán bảo hiểm tàu cá nói chung và tàu cá theo Nghị định 67/2014 được triển khai thuận lợi, theo một chuyên gia trong ngành, các cơ quan chức năng cần kiện toàn hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động của tàu cá (như các quy định về đăng kiểm tàu cá, tiêu chuẩn thuyền viên, thuyền bộ của tàu cá, phạm vi hoạt động của các loại tàu cá); tăng cường công tác giám sát và quản lý việc tàu cá xuất nhập bến của lực lượng biên phòng; trang bị hệ thống đăng ký và kiểm soát hoạt động của tàu cá.
Ngoài ra, cũng cần hỗ trợ tuyên truyền và giáo dục ngư dân về chương trình bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67/2014; điều chỉnh quy tắc bảo hiểm và phí bảo hiểm cho phù hợp với tình hình tổn thất thực tế.
Ngày 7/7/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản, trong đó có chính sách bảo hiểm cho ngư dân. Theo đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm cho các tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ là thành viên tổ đội, hợp tác xã khai thác hải sản, nghiệp đoàn nghề cá, có tổng công suất máy chính từ 90CV trở lên và có xác nhận, phê duyệt đối tượng hỗ trợ của chính quyền địa phương theo đúng quy định tại Nghị định số 67/2014/NĐ-CP. Thời gian thực hiện một số chính sách trong Nghị định này như chính sách tín dụng, chính sách bảo hiểm… đến hết năm 2016.
theo tinnhanhchungkhoan.vn