Những tấm biển bán bảo hiểm xe máy “siêu rẻ” 20.000 đồng/năm đang xuất hiện nhan nhản trên nhiều tuyến đường tại Hà Nội. Chỉ khi những người đi đường dừng lại bởi muốn tranh thủ cơ hội mua bảo hiểm siêu rẻ mới thấy mình bị… lừa.
Hành nghề bán bảo hiểm rong chỉ cần một tấm biển đặt di động. Ảnh: Mai Hạnh
Mập mờ “siêu khuyến mại”!
Những tuyến đường đang xuất hiện dày đặc biển bán bảo hiểm xe máy siêu rẻ là đường Hồ Tùng Mậu, đường Hoàng Minh Giám, đầu đường Khuất Duy Tiến, đường Phạm Hùng đoạn gần siêu thị Big C… Không bàn ghế, không địa điểm cố định, nhân viên bán bảo hiểm chỉ cần một tấm biển, có thể trưng ở bất cứ đâu từ quán nước ven đường, gốc cây hay cạnh bờ tường nghĩa trang…
Dừng xe trước một tấm biển quảng cáo bán bảo hiểm với giá 20.000 đồng/năm, chúng tôi mới biết thực chất biển quảng cáo này chỉ là một chiêu câu khách.
Hỏi mua bảo hiểm ở đường Hồ Tùng Mậu, Từ Liêm (Hà Nội), chúng tôi được cô gái khá trẻ bán bảo hiểm tư vấn: “20.000 đồng/năm là bảo hiểm cho người ngồi sau xe máy. Còn bảo hiểm bắt buộc cho xe máy vẫn có giá 66.000 đồng/năm. Nếu chị mua kèm thì rẻ còn một nửa”. “Mua kèm nghĩa là thế nào?”. “Là mua cả bảo hiểm bắt buộc và bảo hiểm cho người ngồi sau với giá 60.000 đồng/năm. Với giá này bảo hiểm bắt buộc chỉ còn 50.000 đồng/năm còn bảo hiểm cho người ngồi sau xe máy chỉ còn 10.000 đồng/năm”.
Đến một điểm bán bảo hiểm khác trên đường Khuất Duy Tiến, chúng tôi cũng nhận được lời giải thích tương tự. Người bán còn cho biết: “Nếu mua 3 cái trở lên thì chỉ lấy 45.000 đồng/năm thôi. Nếu lấy thêm bảo hiểm cho người ngồi sau thì chỉ lấy 10.000 đồng/năm”.
Thực chất, số tiền 20.000 đồng/năm niêm yết trên biển quảng cáo là chi phí mua bảo hiểm tự nguyện cho người ngồi trên xe có giá trị trong vòng 2 năm, mỗi năm là 10.000 đồng, không phải giá của bảo hiểm xe máy như phần lớn những người nhìn thấy biển quảng cáo bán bảo hiểm này nghĩ.
Khi làm thủ tục bán bảo hiểm cho một khách hàng qua đường, nhân viên bán hàng bảo người mua tự điền vào chỗ trống các mục ngày mua, thông tin số xe… Nếu mua 1 năm, chỉ cần chú ý không ghi thời hạn quá tháng 12/2014. Mua thời hạn 2 năm thì “có thể lách được”(?!)…
Thấy chúng tôi hoài nghi về tính hợp pháp của tờ giấy chứng nhận mua bảo hiểm thì người bán trấn an: “Bảo hiểm em bán có dấu đàng hoàng, có rủi ro là được bảo hiểm giải quyết ngay. Hơn nữa chẳng may bị tuýt còi, cảnh sát giao thông hỏi là chị có giấy tờ đầy đủ”.
“Nhân viên” là sinh viên
Theo tìm hiểu chúng tôi, phần lớn những nhân viên bán bảo hiểm trên đoạn đường này đều là sinh viên. Họ làm công việc này là do có nhân viên của một trung tâm trung gian đến tận kí túc xá để tìm người bán bảo hiểm ăn phần trăm theo thỏa thuận.
Bạn Hà Thị Loan, quê Bắc Giang, sinh viên năm thứ 3, Trường ĐH Thương mại bán bảo hiểm được gần 2 tháng nay cho biết: “Bọn em phải đặt cọc để lấy bảo hiểm, không có lương cố định mà chỉ đi bán bảo hiểm ăn phần trăm. Hôm nào đắt hàng em cũng bán được từ 20- 30 cái. Hôm ngồi vêu cả buổi sáng chỉ có người ghé đến hỏi rồi đi nhưng có khi một nhóm thanh niên ghé lại họ mua cho hàng chục chiếc. Biển quảng cáo là bọn em cũng được phát, ngồi trống hơ trống hoắc thế này không có chữ hút khách cũng khó bán lắm ạ”, Loan cho biết.
Nhân viên bán bảo hiểm bịt kín mặt khi gặp khách
Không chỉ được rao bán, khuyến mãi ngay trên vỉa hè, ngoài đường, loại bảo hiểm này còn được công khai chào mời trên các diễn đàn, trang mạng. Chỉ với từ khóa “bán bảo hiểm trách nhiệm bắt buộc mô tô, xe máy” đã ra hơn 6,3 triệu kết quả, trong đó có khá nhiều địa chỉ bán bảo hiểm qua mạng với giá rẻ bất ngờ cùng những khuyến mãi khi mua với số lượng lớn. Trong khi đó, theo quy định mức phí bảo hiểm đối với xe máy từ 50cc trở xuống là 55.000 đồng/năm, trên 50cc là 60.000 đồng/năm. Đặc biệt, nghiêm cấm mọi hành vi khuyến mại loại hình bảo hiểm bắt buộc này.
Gặp rủi ro dễ “trắng tay”
Chúng tôi gọi tới số hotline tư vấn miễn phí của website baohiempijjco.org- chuyên bán bảo hiểm ô tô, xe máy qua mạng thì được biết: Theo quy định của Bộ Tài chính, doanh nghiệp bảo hiểm không được khuyến mãi sản phẩm bảo hiểm xe máy bắt buộc dưới mọi hình thức và phải bán đúng giá. Chính vì thế, công ty bảo hiểm không áp dụng bất kỳ một chương trình khuyến mãi đối với bất kỳ loại bảo hiểm xe máy nào.
Với bảo hiểm tự nguyện (không bắt buộc chủ xe cơ giới phải mua), doanh nghiệp được tùy ý in theo mẫu riêng nhưng phải khác màu với phần bảo hiểm bắt buộc để dễ phân biệt và không in giá bán vì các doanh nghiệp được ấn định giá bán khác nhau. Việc đề biển bán hàng là do các chủ bán bảo hiểm “xả hàng” ở bảo hiểm tự nguyện.
Được biết, theo quy định của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đối với trường hợp mua – bán bảo hiểm bắt buộc dưới mức giá quy định của Bộ Tài chính, khi phát sinh rủi ro, quyền lợi của người mua bảo hiểm vẫn không bị ảnh hưởng vì đây là sản phẩm do Nhà nước ban hành nên các doanh nghiệp phải tuân thủ, bồi thường đúng mức quy định. Tuy nhiên, nếu mua phải hàng giả, người dân sẽ không được hưởng bồi thường. Khi đó, công ty bảo hiểm có quyền từ chối thanh toán bảo hiểm.
Quá nhiều điểm mập mờ khi mua bảo hiểm bán rong kiểu này, việc sử dụng bảo hiểm trôi nổi trên thị trường dễ dẫn đến tình trạng khách hàng trắng tay khi xảy ra rủi ro.
Nguồn:giadinh.net.vn
Bảo Hiểm Bảo Việt