Trong khi hoạt động đầu tư của các DN bảo hiểm nhân thọ từ đầu năm đến nay được Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đánh giá là an toàn, thì hoạt động đầu tư của khối DN bảo hiểm phi nhân thọ khiến cơ quan này lo ngại.
Bảo Minh được yêu cầu nghiêm túc trích lập dự phòng khoản đầu tư trái phiếu vào Vinashin
Nợ khó đòi và rủi ro đầu tư
Chỉ tính riêng các khoản nợ khó đòi cùng một số khoản đầu tư rủi ro, kể từ đầu năm đến nay, Bộ Tài chính đã có không ít công văn chỉ đạo, yêu cầu các DN bảo hiểm khối phi nhân thọ thực hiện nghiêm túc các quy định liên quan. Tình hình nợ phí và đầu tư tài chính kém hiệu quả khiến các DN bảo hiểm phải trích lập dự phòng lớn.
Mới đây, Bộ Tài chính yêu cầu ABIC rà soát, đánh giá khả năng thu hồi và có giải pháp đối với khoản tiền gửi tại Công ty Cho thuê tài chính I (ALC I) và Công ty cho thuê tài chính II (ALC II), thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. Với riêng khoản nợ của ALC II, không chỉ ABIC, mà các DN bảo hiểm khác như PTI, PJICO… cũng “dính” vào.
Bảo hiểm Hàng không thì “dính” vào khoản tiền gửi quá hạn thanh toán tại Công ty TNHH một thành viên Cho thuê tài chính công nghiệp tàu thủy và Công ty tài chính công nghiệp tàu thủy, nên bị Bộ Tài chính yêu cầu rà soát, đánh giá khả năng thu hồi và có giải pháp đối với khoản tiền gửi quá hạn thanh toán này. Bảo Minh thì bị yêu cầu nghiêm túc thực hiện trích lập quỹ dự phòng bắt buộc; rà soát, đánh giá khả năng thu hồi và có giải pháp đối với khoản đầu tư trái phiếu của Vinashin.
Một nguồn tin cho biết, tại một DN bảo hiểm lớn, tổng công nợ phí bảo hiểm gốc tính đến 30/6/2013 là 400,7 tỷ đồng, trong đó công nợ từ năm 2012 trở về trước là 260 tỷ đồng, mới thu hồi và xử lý trong năm 2013 được 152,3 tỷ đồng. Nhóm nghiệp vụ có tỷ lệ thu công nợ thấp nhất là bảo hiểm tàu, khách hàng nợ chủ yếu là các công ty tàu biển, những công ty này khả năng tài chính rất kém như Vinashin, Vinalines, Nosco, Falcon.
Nợ phí bảo hiểm, nợ khó đòi là thực trạng chung đáng báo động, thậm chí khiến một số DN bảo hiểm đối mặt với nguy cơ mất vốn. Theo số liệu mà ĐTCK có được, một DN bảo hiểm top đầu có công nợ phát sinh trong 6 tháng đầu năm 2013 lên đến trên 650 tỷ đồng, trong đó nợ khó đòi 107 tỷ đồng. Đại diện DN này thừa nhận, nếu không có giải pháp quyết liệt với khoản công nợ thì nguy cơ mất vốn và rủi ro tài chính là rất lớn. Bảo hiểm Hàng không có nợ phải thu tính đến 31/12/2012 là 410 tỷ đồng, trong đó nợ từ bảo hiểm gốc là 140 tỷ đồng.
Giải pháp của doanh nghiệp
Theo các DN bảo hiểm, công ty sẽ tập trung đòi nợ, đồng thời theo dõi sát sao tình hình kinh tế nói chung, TTCK nói riêng để có sự điều chỉnh đầu tư hợp lý.
Bảo hiểm Hàng không cho biết, Công ty tiếp tục trích lập dự phòng tổng cộng 12 tỷ đồng đối với khoản nợ của Vinashin và khoản đầu tư trái phiếu tại STL. Việc tập trung xử lý công nợ nhằm minh bạch tài chính đã làm tăng mức trích lập dự phòng khó đòi. Từ nay đến cuối năm, Công ty sẽ xử lý dứt điểm tồn tại về tài chính, xử lý triệt để công nợ.
Một DN bảo hiểm khác cho hay, sẽ gắn trách nhiệm của các lãnh đạo đơn vị thành viên, phòng ban nghiệp vụ về việc để nợ tồn đọng cao, kiên quyết không làm tăng công nợ khó đòi. Thời gian qua, công tác đòi nợ được tập trung thực hiện, nhưng do tâm lý sợ mất khách hàng nên không thực hiện kiên quyết, tiếp tục gia hạn nợ.
“Chúng tôi đã thành lập Ban chỉ đạo xử lý công nợ, trực tiếp giám sát bởi Ban điều hành, Ban quản lý giám sát và xử lý công nợ, đồng thời ghi nhận công nợ theo đúng Thông tư 124, Thông tư 125 của Bộ Tài chính, trong đó đưa ra các giải pháp, phân loại nợ và xử lý công nợ theo từng nhóm nợ. Hàng tháng yêu cầu các đơn vị báo cáo tình hình công nợ, trong đó phân loại nợ theo các nhóm nợ để sớm thu hồi”, lãnh đạo một DN bảo hiểm nói.
Không chỉ đối với các khoản thu khó đòi, Bộ Tài chính cũng liên tiếp có công văn yêu cầu các DN bảo hiểm thực hiện nghiêm túc chế độ hạch toán kế toán/đầu tư:
* Yêu cầu SVIC, VNI, GIC, Cathay, Bảo Ngân, Bảo Long, Bảo Việt, Phú Hưng hạch toán dự phòng bồi thường đối với phần trách nhiệm giữ lại theo đúng quy định và báo cáo Bộ Tài chính việc điều chỉnh số liệu hạch toán dự phòng bồi thường trên bảng cân đối kế toán. * Đề nghị Liberty và Bảo hiểm AIG Việt Nam trích lập dự phòng dao động lớn theo đúng quy định. * Yêu cầu Bảo hiểm Toàn Cầu trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi và xử lý khoản ủy thác đầu tư đúng quy định. * Yêu cầu Bảo hiểm PVI nghiêm túc thực hiện sử dụng dự phòng dao động lớn để bồi thường theo đúng quy định. * Yêu cầu Bảo hiểm Phú Hưng rà soát, đánh giá khả năng thu hồi và có giải pháp đối với khoản đầu tư bất động sản vào CTCP Đầu tư Thủ Thiêm chưa hoàn thành thủ tục chuyển nhượng quyền sở hữu và đầu tư chưa niêm yết. * Yêu cầu PJICO chấm dứt việc cho vay trực tiếp. * Đề nghị Bảo Long trích lập dự phòng bồi thường loại 2 theo công thức đã được Bộ Tài chính chấp thuận và chấm dứt việc cho cán bộ vay tiền. |