Việc chạy theo doanh thu bằng mội giá của nhiều DN bảo hiểm đã dẫn đến tình trạng lỗ dai dẳng kéo dài.
11 năm liên tiếp, bảo hiểm tàu thủy có mức bồi thường lớn hơn doanh thu phí, 3 năm liền bảo hiểm tài sản và thiệt hại phải bồi thường 100%. Cạnh tranh không lành mạnh vẫn diễn ra thường xuyên trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ và một lần nữa trở thành vấn đề nhức nhối tại Hội nghị thường niên 2013 đầu tuần này của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam.
Với nghiệp vụ bảo hiểm tàu thủy, báo cáo của Hiệp hội chỉ ra, nhiều DN bảo hiểm sẵn sàng đón nhận những chủ tàu còn nợ phí của DN bảo hiểm khác, hoặc có lịch sử tổn thất nhiều. Một số DN bảo hiểm thậm chí còn hạ phí, hoặc tiếp tục cho nợ phí để giành giật khách hàng, bất chấp hiện tượng nợ phí đang gia tăng trở thành gánh nặng cho nhà bảo hiểm.
Trong khi đó, mặc dù cơ quan quản lý đã đưa ra khuyến cáo về tình trạng mượn bằng cấp chuyên môn của thuyền bộ, không đủ trang thiết bị, biên chế thuyền bộ, mất an ninh an toàn hàng hải, nhưng các DN bảo hiểm chưa quan tâm.
Nghiệp vụ bảo hiểm tài sản và thiệt hại “ghi dấu” 3 năm liền có tỷ lệ bồi thường, kể cả khiếu nại chưa giải quyết xấp xỉ 100%. Có những trường hợp DN cạnh tranh bằng cách hạ phí xuống chỉ còn 1/5 tổng dự toán cho công trình, hoặc cạnh tranh bằng việc mở rộng điều khoản bảo hiểm sang cả lĩnh vực bảo hiểm xe cơ giới, tai nạn con người.
Ông Trịnh Quang Tuyến, Chủ tịch Hiệp hội cho biết, nghiệp vụ bảo hiểm này đã lỗ 4 – 5 năm nay. Cũng theo báo cáo của Hiệp hội, năm 2012, mặc dù tín dụng, đầu tư công, vốn FDI đều giảm cùng với đầu tư toàn xã hội trên GDP giảm, nhưng doanh thu của nghiệp vụ bảo hiểm tài sản và thiệt hại vẫn tăng trưởng 7%, đạt 4.810 tỷ đồng.
Ngoài ra, một loạt nghiệp vụ khác chịu tỷ lệ bồi thường cao như bảo hiểm xe cơ giới bồi thường 53,4% doanh thu phí, bảo hiểm sức khỏe và tai nạn con người bồi thường 45,7%, cao hơn rất nhiều so với mức 25% đến dưới 40% được cho là tỷ lệ hợp lý để đảm bảo DN bảo hiểm không bị lỗ. Tại nghiệp vụ bảo hiểm cháy nổ rủi ro, mức bồi thường trong phần trách nhiệm giữ lại có xu hướng ngày càng gia tăng. Tỷ lệ này đã tăng mạnh lên 38% so với mức 27% trong năm ngoái, theo số liệu của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm.
Nhiều ý kiến chỉ trích việc chạy theo doanh thu bằng mọi giá của nhiều DN bảo hiểm đã dẫn đến tình trạng lỗ dai dẳng kéo dài như trên. Các DN bảo hiểm này chi sai tỷ lệ hoa hồng bảo hiểm và đi kèm thêm các chính sách khác đối với đại lý, còn đối với đối tượng bảo hiểm không chú trọng đánh giá rủi ro chỉ để giành giật khách hàng nhằm tăng doanh thu.
“Có vị tổng giám đốc người nước ngoài nói với tôi rằng, họ đã cố gắng tuân thủ nâng phí bảo hiểm lên theo quy định, nhưng đều phải chào thua DN bảo hiểm trong nước”, ông Trịnh Quang Tuyến nói.
Theo thống kê của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, tổng cộng thị trường bảo hiểm phi nhân thọ có 17/29 DN lỗ hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong năm qua. Tổng lợi nhuận của khối bảo hiểm phi nhân thọ là âm 161,9 tỷ đồng, trong khi năm 2011 cũng đã lỗ 194,7 tỷ đồng.
Hầu hết những DN phải bồi thường cao cũng là những DN lỗ nặng nề trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm: Liberty lỗ 166 tỷ đồng, AAA lỗ 110 tỷ đồng, AIG lỗ 105 tỷ đồng, VASS lỗ 90 tỷ đồng, trong khi đó Cathay lỗ 50 tỷ đồng và Groupama lỗ 40 tỷ đồng. Một số DN khác lỗ nhẹ hơn như Bảo Long, QBE, Bảo hiểm Hùng Vương, MSIG, BIC.
Trong số 17 DN lỗ nghiệp vụ này có 7 DN có kết quả lỗ trước thuế, khi mà lãi đầu tư không đủ để bù đắp số lỗ do hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Những DN này gồm Liberty, AIG, AAA, Groupama,Cathay và ACE. Riêng VASS lỗ cả hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc và hoạt động tài chính.
“Khi làm việc với lãnh đạo Bộ Tài chính, lãnh đạo Bộ hỏi chúng tôi quản lý làm sao lại để DN lỗ nghiệp vụ như thế”, ông Trịnh Thanh Hoan, Cục trưởng Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm chia sẻ trong Hội nghị về vấn đề lỗ nghiệp vụ của DN bảo hiểm phi nhân thọ. Ông Hoan cho biết, sắp tới, cơ quan quản lý sẽ phạt nặng các DN vi phạm quy định về cạnh tranh, với mức phạt được nâng lên gấp nhiều lần mức hiện tại, khi quy định mới về xử phạt trong lĩnh vực bảo hiểm của Cục được hoàn tất.
Bảo Hiểm Bảo Việt (theo ĐTCK)