Khi việc tái cấu trúc thị trường bảo hiểm hoàn thành, có thể nhiều DN sẽ có chủ nhân mới.
Hãng bảo hiểm hàng đầu của Úc, IAG đã trở thành cổ đông lớn nhất của Bảo hiểm AAA
Sau 4 tháng chính thức rút lui khỏi vị trí Tổng giám đốc, bà Đỗ Thị Kim Liên, sáng lập viên Bảo hiểm AAA thông báo thoái toàn bộ vốn khỏi doanh nghiệp này, đồng thời rời khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT Công ty. IAG, hãng bảo hiểm đến từ nước Úc đã tiếp nhận số cổ phần từ bà Liên và trở thành cổ đông lớn nhất của Bảo hiểm AAA, với tỷ lệ cổ phần sở hữu 60,9%. Sự kiện này đánh dấu dấu mốc lần đầu tiên một công ty bảo hiểm phi nhân thọ của Việt Nam trở thành thành viên của IAG, tập đoàn bảo hiểm hàng đầu của Úc.
Trong thông báo chính thức được phát đi về việc rút vốn khỏi thương hiệu Bảo hiểm AAA, bà Đỗ Thị Kim Liên cho biết, việc rút vốn này nằm trong chiến lược đầu tư tài chính mới của mình trong năm 2013. Cụ thể, bà Liên sẽ kết hợp giữa hoạt động vừa hỗ trợ, vừa tham gia tìm hiểu chuỗi giá trị của các doanh nghiệp khách hàng trước đây với hoạt động chọn đầu tư vào những lĩnh vực mang tính an toàn và bảo toàn vốn cao; dành thời gian nhiều hơn cho các hoạt động mang tính ngoại giao kết nối doanh thương kết hợp bảo trợ xã hội (bà Đỗ Thị Kim Liên hiện là Lãnh sự danh dự Cộng hòa Nam Phi tại TP. HCM). Tuy nhiên, bà Liên không quên gửi gắm, trong tương lai trung hạn, khi quay trở lại với lĩnh vực bảo hiểm, chắc chắc bà và cộng sự sẽ thiết kế được nhiều sản phẩm bảo hiểm mới phù hợp và đáp ứng sát nhất với nhu cầu của thị trường, với kỳ vọng của các doanh nghiệp và người dân Việt Nam.
Như vậy, việc bà Đỗ Thị Kim Liên chính thức rút toàn bộ vốn khỏi Bảo hiểm AAA dưới hình thức chuyển nhượng cổ phần cho Tập đoàn IAG và rời nhiệm sở sau 9 năm chèo lái Công ty không đồng nghĩa với việc bà hoàn toàn “rút chân” khỏi thị trường này. Bởi với một người đã dày dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ như bà Liên thì thị trường này vẫn đầy tiềm năng. Dù hiện tại không còn mức tăng trưởng “phi mã” như những năm trước đây, nhưng so với nhiều ngành nghề khác, lĩnh vực bảo hiểm vẫn duy trì đà tăng trưởng tốt trong năm 2012. Tổng doanh thu phí bảo hiểm năm 2012 đạt 40.968 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2011; trong đó, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ đạt 22.777 tỷ đồng, tăng 10,69% và doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ đạt 18.191 tỷ đồng, tăng 13,71% so với năm 2011 (báo cáo tại Hội nghị ngành bảo hiểm năm 2013).
Một số chuyên gia trong ngành cho rằng, sau Bảo hiểm AAA, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ có thể đón nhận nhiều thông tin về những cuộc thay tên đổi chủ khác. Báo cáo của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính về vấn đề tái cấu trúc doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cho thấy, trong tổng số 29 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, dù không có doanh nghiệp nào rơi vào nhóm 4, nhưng chỉ có 9 doanh nghiệp thuộc nhóm 1, 19 doanh nghiệp thuộc nhóm 2 và 1 doanh nghiệp rơi vào nhóm 3. Việc tái cấu trúc của doanh nghiệp duy nhất trong khối phi nhân thọ rơi vào nhóm 3 cũng đang được Cục Quản lý giám sát bảo hiểm hết sức quan tâm. Cơ quan này cũng đang yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành kế hoạch tăng vốn tái cấu trúc thực hiện phương án tăng vốn cho doanh nghiệp nhóm 3 đã được Bộ Tài chính phê duyệt trước khi kết thúc năm 2013. Trong khi đó, một số công ty bảo hiểm phi nhân thọ nằm trong nhóm 2 sau khi hoàn thành việc tái cấu trúc đang sốt sắng trong việc tìm kiếm CEO đủ tâm, đủ tầm để đưa công ty thoát khỏi cảnh thua lỗ và có thể bật lên mạnh mẽ. Trước đó vài tháng, không chỉ một vài công ty bảo hiểm trong nhóm 2, mà ngay cả trong nhóm 1, ngoài việc thông báo về những chiến lược mới cũng đã có thay đổi nhân sự lãnh đạo cấp cao.
Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ đang bước vào giai đoạn tái cấu trúc mạnh mẽ để tạo bước chuyển biến mới, phát triển bền vững hơn. Khi việc tái cấu trúc hoàn thành, có thể nhiều doanh nghiệp trong khối này không chỉ “thay da đổi thịt” khoác lên mình một chiếc áo mới, phong cách mới, mà còn có những chủ nhân mới.