Việc BIC bổ sung hàng loạt nhân sự mới từ FairFax tham gia sâu vào bộ máy quản trị điều hành cũng như chuyển trụ chính vào phía Nam dù chưa có tác động nhiều đến cục diện thị trường, nhưng quyết tâm “bình định” thị trường phía Nam của BIC cũng khiến nhiều doanh nghiệp đang hoạt động mạnh tại thị trường này phải cẩn trọng hơn.
Trao đổi với ĐTCK, một chuyên gia trong ngành nhìn nhận, việc “Nam tiến” của BIC có gây xáo trộn gì về thị phần đang ổn định của các doanh nghiệp hiện tại hay không còn phụ thuộc vào chiến lược cạnh tranh và đội ngũ quản lý của họ. Nếu BIC không thay đổi gì thì việc dời trụ sở chính cũng không có ảnh hưởng nhiều và đội ngũ lãnh đạo cần có thời gian để thích ứng với môi trường mới. Do đó, việc chuyển văn phòng chính chỉ có thể ảnh hưởng gián tiếp đến việc kinh doanh của công ty mà thôi.
“Tuy nhiên, xét về phong cách kinh doanh, BIC đang được đánh giá là công ty phát triển khá bài bản và chắc chắn. Bên cạnh đó, thị phần của họ cũng chưa tới 4%. Có thể việc Nam tiến này của BIC sẽ khiến thị trường sôi động hơn một chút, nhưng sẽ không thể tạo ra sóng gió gì ghê gớm như những doanh nghiệp phát triển bằng việc “bán máu”, vị chuyên gia trên đánh giá.
Được biết, đầu năm 2016, BIC đã khai trương thêm một công ty thành viên là BIC Bến Thành. Ông Trần Hoài An, Tổng giám đốc BIC cho biết, từ năm 2006 đến nay, doanh thu phí bảo hiểm của BIC tại địa bàn TP. HCM đã tăng trưởng rất ấn tượng, đạt bình quân hơn 45%/năm. Hai công ty thành viên của BIC đang hoạt động tại địa bàn (BIC Hồ Chí Minh, BIC Sài Gòn) cũng nằm trong nhóm các công ty thành viên xuất sắc và có tốc độ tăng trưởng cao nhất hệ thống BIC. Việc chuyển trụ sở chính vào TP. HCM của công ty này dự kiến sẽ hoàn tất trong năm 2016.
Trong khi đó, nằm trong nhóm những doanh nghiệp có thị phần lớn nhất thị trường, PTI tiếp tục nổi lên như một nhân tố đáng chú ý cả về tốc độ tăng trưởng và quyết tâm mở rộng thị phần. Báo cáo số liệu mới nhất từ Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho thấy, PTI đã vượt qua Bảo hiểm PJICO giữ vị trí thứ 4 với doanh thu ước đạt 2.432 tỷ đồng, tăng 41,5% so với cùng kỳ, chiếm 7,59% thị phần. Bảo hiểm PJICO chiếm 6,96% thị phần.
PTI cũng đang là nhân tố “đe dọa” sát sườn của Bảo Minh. Dù thị phần của hai doanh nghiệp này còn chênh nhau hơn 1% (thị phần doanh thu của Bảo Minh năm 2015 theo thống kê của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính là 8,88%), nhưng với tốc độ đầu tư và phát triển như hiện nay của PTI thì việc tiếp tục vươn lên vị trí mới không phải là không thể. Trong khi đó, nhiều năm qua, Bảo Minh dù vẫn tăng trưởng, nhưng nếu so với quy mô và tốc độ tăng trưởng của thị trường thì tốc độ tăng trưởng của Bảo Minh còn rất khiêm tốn. Được biết, cùng với việc phấn đấu đạt tổng doanh thu 3.600 tỷ đồng, tăng trưởng 11% so với cùng kỳ, năm 2016, Bảo Minh đưa ra mục tiêu tiếp tục duy trì vị trí Top 3 trên thị trường bảo hiểm Việt Nam.
Sự rượt đuổi về thị phần sẽ tiếp tục căng thẳng giữa Bảo Minh, PTI và PJICO. Đây là 3 doanh nghiệp có thị phần doanh thu chênh lệnh nhau với khoảng cách khá ngắn. Thị phần thứ 1 và thứ 2 sẽ khó có sự thay đổi, bởi PVI đang nắm rất chắc vị trí số 1. Bảo Việt dù muốn lấy lại ngôi vị này sẽ phải mất khá nhiều thời gian và công sức.
Được biết, các doanh nghiệp như PVI, Bảo Việt, Bảo Minh, PTI và PJICO hiện đang nắm giữ 62,79% thị phần doanh thu phí gốc của thị trường, hơn 37% thị phần thuộc về 24 doanh nghiệp và 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài tại Việt Nam.
Năm 2015, tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc của thị trường phi nhân thọ ước đạt 32.038 tỷ đồng, tăng 17,18% so với cùng kỳ năm 2014.