Bên cạnh việc tập trung khai thác những nghiệp vụ bảo hiểm còn mang lại doanh thu, đặc biệt trong mảng bán lẻ, những quy định mới về việc bán bảo hiểm qua ngân hàng hay Nghị định 68/2014/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ ngày 25/8/2014 bổ sung thêm quy định bảo hiểm bảo lãnh là một nghiệp vụ của bảo hiểm phi nhân thọ…, là cơ sở pháp lý cần thiết để các doanh nghiệp bảo hiểm triển khai những nghiệp vụ mới.
Quy định này cũng là tiền đề để thực hiện mục tiêu đa dạng hóa sản phẩm bảo hiểm trong chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm giai đoạn 2011 – 2020 của Bộ Tài chính. Cùng với mở rộng sản phẩm, chất lượng dịch vụ và lợi ích của khách hàng cũng là những mục tiêu quan trọng của các công ty bảo hiểm trong thời gian tới.
Ông Tôn Lâm Tùng, Tổng giám đốc Bảo hiểm BIC cho rằng, tốc độ tăng trưởng 7,3% trong nửa đầu năm đã cho thấy những nỗ lực của các doanh nghiệp bảo hiểm vượt qua khó khăn, thách thức để tái cơ cấu, tăng cường năng lực cạnh tranh, phát triển an toàn và hiệu quả.
Theo ông Tùng, năm 2014 vẫn sẽ là một năm thử thách với các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ. Tuy nhiên, trên cơ sở những nỗ lực của các doanh nghiệp trong các tháng đầu năm, cùng với vai trò của Nhà nước trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt, khi Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, sẽ tạo cú hích cho ngành tài chính ngân hàng, góp phần giải quyết những ách tắc, qua đó, tác động tích cực tới thị trường bảo hiểm.
“TTCK thời gian qua đã có dấu hiệu khởi sắc trở lại cũng là cơ hội để các công ty bảo hiểm đa dạng hóa danh mục đầu tư, nâng cao mức sinh lời. Vì thế, mục tiêu tăng trưởng hai con số của toàn thị trường sẽ không phải là quá khó”, ông Tùng nhận định và cho biết, để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 2014, trong các tháng cuối năm, BIC tiếp tục đẩy mạnh mảng bán lẻ và xác định đây là giải pháp quan trọng để thúc đẩy doanh thu. Ngoài ra, BIC sẽ tập trung đẩy mạnh hoạt động kinh doanh của toàn hệ thống bằng các giải pháp phù hợp với từng địa bàn, đơn vị thành viên. Khai thác lợi thế của hệ thống BIDV để đẩy mạnh kênh bán hàng bancassurance cũng là chiến lược lâu dài của BIC.
Với mục tiêu đạt 1.600 tỷ đồng doanh thu bảo hiểm gốc trong năm 2014 và dự kiến tổng doanh thu đạt 2.000 tỷ đồng, Bảo hiểm PTI cũng đang có nhiều giải pháp mạnh cho kế hoạch 6 tháng cuối năm. Ông Nguyễn Đức Bình, Phó tổng giám đốc PTI cho biết, PTI sẽ tiếp tục tập trung vào việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình khai thác, giám định bồi thường, để gia tăng lợi ích cho khách hàng. Bên cạnh đó, trên cơ sở đặc thù của từng sản phẩm, PTI sẽ chuẩn hóa lại các quy trình từ khâu khai thác, giám định, bồi thường…, đảm bảo chất lượng dịch vụ đạt chuẩn mực và đồng nhất trên toàn hệ thống.
“Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ 6 tháng cuối năm sẽ không có nhiều biến động lớn về tăng trưởng. Nhu cầu về các sản phẩm bảo hiểm có tính đại chúng như bảo hiểm con người, bảo hiểm tài sản, bảo hiểm xe cơ giới… khá bão hòa, trong khi bảo hiểm xây dựng lắp đặt không kỳ vọng tăng trưởng cao vì kinh phí đầu tư công vẫn hạn chế. Dự kiến, thị trường đạt mức tăng trưởng 9 – 10%”, ông Bình nhận định.
Trao đổi với ĐTCK về khả năng về đích với tăng trưởng doanh thu đạt 2 con số, giám đốc maketing một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài cho rằng, điều này là khá chắc chắn vì thị trường đang có rất nhiều tín hiệu lạc quan. Vị đại diện trên cũng cho biết, doanh nghiệp của ông đã nhận được rất nhiều lời mời hợp tác để bán bảo hiểm xe ô tô từ các hãng xe và cả từ các nhà băng.
“Không phải công ty bảo hiểm nào cũng được đối tác chủ động tiếp cận để hợp tác bán sản phẩm bảo hiểm. Sản phẩm tốt, dịch vụ tốt và mang lại lợi nhuận cao cho đối tác trong dài hạn chính là yếu tố tạo ra thương hiệu sản phẩm bảo hiểm được ưa thích”, vị giám đốc trên tiết lộ.
Ông Nguyễn Đức Bình, Phó tổng giám đốc bảo hiểm PTI cũng cho rằng, chỉ khi doanh nghiệp đảm bảo chất lượng dịch vụ tốt, mới có thể làm chủ được tương lai của doanh nghiệp.