Để hạn chế những rủi ro trong sản xuất nông nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 315/QĐ-TTg về việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011 – 2013 tại 21 tỉnh, thành phố.
Để cung cấp cho người dân một cái nhìn tổng quát, chính xác và đầy đủ về bảo hiểm nông nghiệp, Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến với sự tham dự của các khách mời:
– Ông Hồ Xuân Hùng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
– Ông Tăng Minh Lộc, Cục trưởng Cục kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
– Ông Nguyễn Quang Phi, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt.
– Ông Hoàng Xuân Điều, Trưởng ban Bảo hiểm nông nghiệp Bảo hiểm Bảo Việt.
MC: Một nghịch lý là Việt Nam là nước nông nghiệp nhưng bảo hiểm nông nghiệp chiếm tỉ trọng rất nhỏ, nhỏ đến nỗi nhiều người không biết đến bảo hiểm nông nghiệp có tồn tại ở Việt Nam hay không. Đây là điều thiệt thòi cho nông dân. Do đâu có tình trạng này thưa Thứ trưởng?
Ông Hồ Xuân Hùng: Bảo hiểm nông nghiệp không phải nước nào cũng làm, nhiều nước lân cận cũng chưa triển khai. Vì sao như vậy thì trong sản xuất nông nghiệp có 2 mâu thuẫn lớn, một là rủi ro cao hiệu quả thấp, hai là sản xuất phân tán với thị trường lớn. Công tác bảo hiểm đặt ra nhằm giải quyết mâu thuẫn thứ nhất, tức là giảm rủi ro cho gnười sản xuất nông nghiệp.
Phải nói là rủi ro của nông nghiệp nước ta lớn hơn nhiều so với các nước khác. Trước đây chúng ta cũng đã thực hiện bảo hiểm nông nghiệp, nhất là những năm 80 của thế kỷ trước. Hiện nay đã có nhưng không đáng kể. Một là do nền kinh tế còn khó khăn, hai là công tác bảo hiểm chưa phát triển như về chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp bảo hiểm phát triển. Thêm vào đó, người dân Việt Nam chưa coi trọng đóng bảo hiểm, chưa đủ lực để tham gia bảo hiểm.
Tất cả những điều này khiến bảo hiểm chưa phát triển, thậm chí nhiều người dân chưa hiểu thế nào là bảo hiểm, họ được hưởng lợi như thế nào từ bảo hiểm. Đây là một thách thức lớn đối với chúng ta.
MC: Thưa Cục trưởng Cục kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, rất nhiều địa phương, bà con nông dân chỉ mới nghe tin đồn về bảo hiểm nông nghiệp. Vậy làm thế nào để bảo hiểm nông nghiệp tiếp cận được với bà con nông dân một cách chính xác, kịp thời và đẩy đủ?
Ông Tăng Minh Lộc: Thực tế, BHNN là vấn đề mới, cho nên không chỉ với nông dân mà ngay cả cán bộ liên quan ở các cấp cũng chưa hiểu một cách thấu đáo. Do vậy, chúng ta phải thông tin một cách đầy đủ với nhiều hình thức. Trước hết, với các tỉnh được chỉ định thực hiện chính sách bảo hiểm này, phải thành lập ban chỉ đạo, tổ công tác từ cấp tỉnh, huyện, xã và đội ngũ này phải được tập huấn kỹ để có thể tổ chức hướng dẫn lại cho người nông dân.
Đối với người dân, phải thông tin đầy đủ thế nào là BHNN, tại sao, nên tham gia, đối tượng nào được tham gia, công ty nào trực tiếp giúp thực hiện BHNN, thủ tục ra sao, cơ quan nào tư vấn giúp đỡ, để được bảo hiểm bồi thường thì phải làm sao, khi sự cố xảy ra, nếu xảy ra tranh chấp, báo cho ai, ai thụ lý.
Chỉ khi thành viên ban chỉ đạo, tổ công tác ở các cấp hiểu sâu thì mới hướng dẫn cho dân được và người dân hiểu sâu thì mới nắm rõ trách nhiệm và quyền lợi của mình…
Theo tôi, ngay cả cơ quan bảo hiểm cũng cần hiểu như vậy để tạo ra trách nhiệm và quyền lợi tương đồng, quan hệ giữa bảo hiểm và người dân mới bền chặt.
Trước hết, theo tôi, đối với các địa phương, phải tập huấn cho cán bộ, rồi mới hướng dẫn người dân tham gia. Trong Tổ công tác có thành viên khuyến nông của các địa phương, tài liệu trước hết sử dụng tại QĐ 315, Thông tư hướng dẫn 47 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, gồm các nội dung cơ bản như xác định đối tượng cây trồng, vật nuôi đưa vào bảo hiểm, quy mô, quy trình sản xuất, điều kiện thiên tai dịch bệnh nào đưa bảo hiểm…
Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tới đây chúng tôi cũng sẽ biên soạn cẩm nang về vấn đề này một cách dễ hiểu nhất.
MC: Bảo hiểm nông nghiệp thực ra rất khó định lượng? Để làm tốt việc này cần có sự chuẩn bị tốt từ nhiều phía mà quan trọng là từ các cơ quan nhận bảo hiểm. Cách đây nhiều năm, mô hình bảo hiểm nông nghiệp đã từng được triển khai nhưng sau đó lại phá sản do bảo hiểm thu không đủ chi. Vậy hiện tại, công việc này hiện tiến hành ra sao để thành công chứ không thể thất bại, thưa lãnh đạo Tổng công ty Bảo Việt? Khó khăn hiện nay gặp phải là gì?
Ông Nguyễn Quang Phi: Bảo Việt gắn bó với bảo hiểm nông nghiệp đã trên dưới 20 năm. Trong quá trình triển khai, chúng ta thấy rủi ro rất lớn vì thiên tai thường xuyên xảy ra, người nông dân do điều kiện kinh tế và đặc thù canh tác nên quy mô sản xuất nhỏ, manh mún, dẫn đến hiệu quả bảo hiểm không cao. Đó là những lý do chính khiến bảo hiểm nông nghiệp dần thu hẹp và chỉ cầm chừng ở một số công ty bảo hiểm lớn.
Nhưng theo Quyết định 315 của Thủ tướng thì chúng tôi thấy có một số thuận lợi từ cơ chế, chính sách cũng như cách tiếp cận. Từ đó, BHNN có hướng mở mới, tạo công cụ cho người nông dân quản lý rủi ro và tìm kiếm nguồn tài chính bù đắp.
Tôi xin nói thêm về chính sách. Quyết định 315 hỗ trợ 100% phí bảo hiểm cho nông dân nghèo, hỗ trợ 80% cho nông dân cận nghèo và hỗ trợ 60% cho nông dân không thuộc diện nghèo, cận nghèo tham gia thí điểm BHNN. Tức là tất cả các đối tượng tham gia BHNN đều được hỗ trợ. Đây là cơ hội và điều kiện tiên quyết để triển khai thành công bảo hiểm nông nghiệp.
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính cũng rất chủ động tham giá quá trình này. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Thông tư hướng dẫn quy trình, quy phạm, tạo sân chơi cho người nông dân cũng như các công ty bảo hiểm có thể phối hợp giải quyết các sự cố sau này.
Ngoài ra, cho đến thời điểm này, chúng tôi cho rằng sự chủ động tham gia của các cấp chính quyền là điều kiện tiên quyết để thực hiện thành công chương trình thí điểm.
Về sản phẩm bảo hiểm, trước kia chúng ta có cách tiếp cận truyền thống, bảo hiểm với mọi rủi ro ngẫu nhiên và không lường trước được. Nhưng lần này, qua quá trình nghiên cứu và rút kinh nghiệm Việt Nam cũng như quốc tế, chúng ta có cách tiếp cận khả thi họa và mang tính chất hỗ trợ.hơn, đảm bảo bảo hiểm cho những rủi ro mang tính thảm
Ví dụ, trước kia, với cây lúa, chúng ta bảo hiểm mọi thảm họa và đến tất cả mọi hộ nông dân. Tuy nhiên, lần này, chúng tôi sẽ kiến nghị với Bộ Tài chính tiếp cận theo hướng bảo hiểm theo chỉ số, tức là theo chỉ số thời tiết hoặc chỉ số sản lượng. Điều này sẽ ưu tiên bồi thường cho những tổn thất mang tính thảm họa, ảnh hưởng trên diện rộng.
Còn với thủy sản, chúng ta sẽ triển khai theo đơn vị rủi ro cơ sở là cấp xã. Việc này đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính ủng hộ và chúng tôi hy vọng sẽ góp phần tạo điều kiện cho chúng tôi có một sản phẩm bảo hiểm gần người dân và khả thi hơn.
Bảo Việt sẵn sàng tham gia chương trình này và quan điểm là không vì lợi nhuận. Mặc dù là một doanh nghiệp, song chúng tôi cũng xác định đây là một nhiệm vụ chính trị của doanh nghiệp, thực hiện theo tinh thần doanh nhân với nông dân và tinh thần doanh nghiệp nhà nước với chủ trương của Chính phủ.
Ông Hồ Xuân Hùng: Tôi nói thêm một điều là trước đây chưa thành công vì 2 lý do. Thứ nhất là hành lang pháp lý để hoạt động chưa đầy đủ. Thứ hai, vai trò bà đỡ của Chính phủ chưa phát huy được. Trong bối cảnh như thế thì việc tồn tại được một thời gian đầu đã là quá tốt.
MC: Thưa Thứ trưởng, tại sao không thí điểm trên 1-2 tỉnh, khi làm tốt chúng ta hãy nhân rộng mô hình. Nếu đã là thí điểm mà còn trải rộng trên 21 tỉnh thành liệu có quá sức không?
Ông Hồ Xuân Hùng: Tôi nghĩ hoàn toàn không quá sức, vì thứ nhất, nếu chúng ta chỉ thí điểm trên 1-2 tỉnh thì thành công không có tác dụng trên diện rộng vì tính tiểu vùng khí hậu của nông nghiệp rất rõ, đối với cả cây trồng và vật nuôi….
Thứ 2, thực ra là lựa chọn triển khai ở 20 tỉnh bởi Nghệ An tham gia 2 lĩnh vực. Các địa phương này đại diện cho vùng sản xuất hàng hóa với đặc trưng sinh thái rõ rệt.
Thứ 3, ngay trong một tỉnh, cũng không phải thực hiện ở phạm vi toàn tỉnh, mà chỉ chọn địa bàn phù hợp với Quyết định 315 của Thủ tướng. Với tính đặc thù cao như vậy, nên không thể nói là quá sức hay không.
Xin nói thêm là vai trò bà đỡ của Chính phủ thể hiện rất rõ, với quyết tâm cao nhằm thực hiện bằng được bảo hiểm cho nông nghiệp.
Trịnh Thu Nga (27 tuổi, Tiên Du, Bắc Ninh): Muốn tham gia bảo hiểm nông nghiệp thì chúng tôi phải tìm đến đâu để mua. Xin cơ quan bảo hiểm cho biết thủ tục mua thế nào?
Ông Hoàng Xuân Điều: Chúng tôi đã thiết kế sản phẩm BHNN phục vụ cho tất cả các đối tượng, từ người nghèo tới cận nghèo và tới các hộ sản xuất chăn nuôi, các tổ chức sản xuất nông nghiệp. Bảo hiểm được triển khai tới tận thôn, xã. Do đó, chị có thể yên tâm tham gia bảo hiểm ở địa phương của mình.
MC: Thưa Thứ trưởng, hiện tại Nhà nước cam kết hỗ trợ 100% phí bảo hiểm cho nông dân nghèo, hỗ trợ 80% cho nông dân cận nghèo và hỗ trợ 60% cho nông dân không thuộc diện nghèo, cận nghèo tham gia thí điểm BHNN. Điều đó đã tạo điều kiện để người nông dân hăng hái tham gia. Còn về phía doanh nghiệp bảo hiểm, họ được hỗ trợ như thế nào trong khi hoạt động trong lĩnh vực có rất nhiều rủi ro?
Ông Hồ Xuân Hùng: Thứ nhất, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính lựa chọn doanh nghiệp đủ sức tham gia, không phải doanh nghiệp nào cũng dược tham gia.
Thứ hai, nguyên tắc bảo hiểm là số đông bù số ít. Nếu biết cách tổ chức vận động tốt, tôi tin tưởng rằng nhất định bảo hiểm sẽ đủ để trang trải chi phí. Hơn nữa, như anh Nguyễn Quang Phi vừa nói, doanh nghiệp tham gia không phải vì mục tiêu lợi nhuận, nhưng không để doanh nghiệp lỗ. Đây là một doanh nghiệp đã được Bộ Tài chính cân nhắc kỹ và nhất định sẽ thành công.
Lê Văn Tấn (Hà Trung-Thanh Hóa): Thưa đại diện công ty bảo hiểm Bảo Việt, tôi đang có 1 đàn bò 27 con. Nếu tôi tham gia bảo hiểm nông nghiệp thì nếu có rủi ro liệu tôi có nhận được bồi thường của cơ quan bảo hiểm. Và liệu cách đánh giá của cơ quan bảo hiểm có làm chúng tôi bị thiệt thòi hay không. Ví dụ như con bò đáng giá 9 triệu đồng mà cơ quan bảo hiểm chỉ bồi thường có 5 triệu đồng?
Ông Hoàng Xuân Điều: Bảo hiểm là hợp đồng giữa doanh nghiệp bảo hiểm và người tham gia. Các quy tắc này được doanh nghiệp bảo hiểm xây dựng và thiết kế cho người dân, được Bộ Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông qua, do vậy quyền lợi và nghĩa vụ của người dân được thể hiện rất rõ trong các quy tắc bảo hiểm.
Nếu như vật nuôi tham gia bảo hiểm mà xảy ra rủi ro thuộc phạm vi bảo hiểm như thiên tai, dịch bệnh sẽ được bồi thường với mức được quy định rõ trong quy tắc bảo hiểm. Do vậy, việc bồi thường 5 hay 9 triệu đồng cũng đã được quy định trong quy tắc và việc xác định giá trị vật nuôi khi tham gia bảo hiểm cũng được quy định theo giá thị trường.
Có thể nói rằng, quy tắc bảo hiểm bảo đảm quyền lợi hài hòa giữa 3 nhà (nhà nước, người dân và doanh nghiệp bảo hiểm). Nhà nước hỗ trợ phí cho người dân tham gia bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm không vì mục tiêu lợi nhuận và người dân cũng tham gia đóng phí một phần. Do vậy, có thể nói, đây là chính sách phục vụ chương trình tam nông.
Ông Hồ Xuân Hùng cho biết thêm: Không thể nói rủi ro xảy ra với người nông dân khi tham gia bảo hiểm ví dụ như khi con bò bị chết lại có thể thu lại 100% giá trị của con bò, chúng ta phải cùng chia sẻ rủi ro.
MC: Dương Thị Vân trú tại Diễn Châu (Nghệ An): Nhà tôi có trồng lúa trên diện tích là 1 sào. Vậy đã đủ diện tích để có thể mua bảo hiểm nông nghiệp được chưa?
Ông Hoàng Xuân Điều: Như tôi vừa trình bày, quy mô bảo hiểm nông nghiệp là cấp xã. Nếu xã đó không có giới hạn diện tích tham gia bảo hiểm và xã có tham gia chương trình bảo hiểm, thì dù là 1 sào, chị cũng vẫn được tham gia bảo hiểm.
Ông Hồ Xuân Hùng: Tôi xin nói thêm là bảo hiểm nông nghiệp sẽ tiến hành theo vùng, theo cánh đồng. Trong cánh đồng có những hộ 1 sào, nửa sào hoặc vài ha đều được tham gia bảo hiểm. Cho nên, bà con có thể yên tâm.
MC: Tôi cho rằng đây là một thông tin rất quý giá, giúp người nông dân có thể vượt qua được tâm lý ngại ngùng rằng diện tích canh tác nhỏ.
Theo Chinhphuvn
Bảo Hiểm Bảo Việt